Cùng tự chủ ĐH: Ở Đức được nhà nước lo 85% còn ở ta thì trường phải đóng thuế

31/10/2022 14:35
Lam An (tổng hợp)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội chiều 28/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế.

Những căng thẳng trong giáo dục, y tế không thể giải quyết trong một, hai năm

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, báo cáo của Chính phủ, phát biểu của các Đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, tại phiên thảo luận, đã nêu rất rõ những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh phải vượt qua đại dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội chiều 28/10. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội chiều 28/10. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phó Thủ tướng cho biết, đến nay các nước trên thế giới chưa công bố hết dịch COVID-19 và Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, nhất là vaccine, chúng ta có tâm thế tự tin hơn, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, lấy lại thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Nhưng bên cạnh đó, không riêng Việt Nam mà cả những nước phát triển nhất trên thế giới cũng phải đối phó với những khó khăn bất cập của cả hệ thống về y tế, giáo dục, an sinh xã hội, kinh tế tích tụ từ nhiều năm, có những việc đã được nhận diện rõ hơn, hoặc mới bộc lộ ra sau đại dịch.

Không chỉ là lạm phát, có những nước thiếu trầm trọng nhân lực y tế. Có những nước rất phát triển, nhưng đã phải tuyên bố chính thức về nguy cơ sinh viên sẽ bỏ học đại học, thậm chí có nước phải bắt đầu cắt khẩu phần trong bữa ăn tập thể tại trường của học sinh. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đảm bảo đời sống cho người dân ở đô thị, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực không chỉ kỳ họp này, mà từ rất nhiều kỳ họp trước đây được Nhân dân, Đại biểu đặc biệt quan tâm.

Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn các Đại biểu Quốc hội đã luôn đồng hành, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, nhiều ý kiến trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết góp ý cho giáo dục, y tế và các lĩnh vực bảo đảm an sinh, xã hội. Đặc biệt là sự thấu hiểu sâu sắc của các Đại biểu Quốc hội về những thách thức, chia sẻ những khó khăn, vất vả của ngành y tế và ngành giáo dục; chủ động nêu nhiều giải pháp, kiến nghị đã được 2 ngành nỗ lực thuyết phục mọi người.

Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới các thầy giáo, thầy thuốc, dù còn rất nhiều khó khăn, vẫn đang nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người, vì sự nghiệp bảo vệ sự khỏe của người dân.

Dẫn số liệu về trình độ phát triển của các nước trên thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nếu tính về mức độ phát triển trên thế giới thì Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có 38 nước thành viên; về mức độ thu nhập thì thế giới có 58 quốc gia được xếp là thu nhập cao, 48 quốc gia là thu nhập trung bình cao, sau đó là các quốc gia thu nhập trung bình thấp, trong đó có Việt Nam. Nhưng do tính ưu việt của chế độ, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sự nỗ lực của cả hệ thống, nhất là 2 ngành y tế, giáo dục, nên lĩnh vực y tế, giáo dục của Việt Nam được đánh giá có mức phát triển và hiệu quả sử dụng nguồn lực cao hơn rõ rệt so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.

Ví dụ, giáo dục phổ thông của Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu, giáo dục đại học phấn đấu đứng trong tốp 70, giáo dục nghề nghiệp khoảng thứ 90, nhiều chỉ số y tế của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá ở khoảng thứ 70.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh kỳ vọng vào giáo dục, y tế luôn có ở tất cả các nước trên thế giới và luôn rất căng thẳng.

Và cả các nước phát triển hay đang phát triển thì yêu cầu đối với giáo dục, y tế có 3 vấn đề tương đồng với Việt Nam.

Thứ nhất là làm sao có sự cân đối với khả năng bảo đảm của nền kinh tế và cả hệ thống giữa yêu cầu, kỳ vọng của người dân, yêu cầu về chuyên môn của những người làm giáo dục, y tế. Đặc biệt là y tế, giáo dục cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, trước mắt không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền. Thành tích của giáo dục, y tế phải nhiều năm mới thấy rõ, còn bất cập, hạn chế cũng phải sau nhiều năm mới bộc lộ và mất nhiều năm để khắc phục.

Thứ hai là vấn đề bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế.

Thứ ba là cơ chế quản trị các cơ sở giáo dục, y tế công lập (chúng ta hay gọi là tự chủ), tóm lại là làm sao để quản trị các cơ sở công lập, đồng thời thúc đẩy các cơ sở tư nhân, bảo đảm sự bình đẳng tương đối giữa hai thành phần này.

Bên cạnh đó, lĩnh vực y tế, giáo dục ở Việt Nam còn có thêm một số đặc trưng khác biệt.

Thứ nhất là yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng, sự bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục cao hơn nhiều so với các nước khác. Ý kiến đóng góp của người dân đối với 2 lĩnh vực này cũng nhiều hơn, trên cơ sở phát huy tinh thần làm chủ.

Thứ hai, hàng năm ngân sách Nhà nước vẫn phải dành khoảng 30% cho đầu tư hạ tầng, do đó, nguồn lực dành cho y tế, giáo dục không bằng các nước. Thu nhập của người dân còn thấp nên khả năng chi trả không được như người dân các nước phát triển, thu nhập trung bình cao.

Thứ ba, số lượng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước rất lớn. “Nói con số tròn chúng ta có 2 triệu biên chế. Trong đó, giáo dục là khoảng 1.150.000 biên chế và y tế là 250.000 biên chế. Hai ngành này chiếm đa số biên chế của cả nước. Trong khi, ngân sách không có khả năng chi trả mức lương cao như các nước”, Phó Thủ tướng nói.

Đây là những vấn đề khiến nhiều vấn đề giáo dục, y tế luôn ở trong tình trạng căng thẳng, “và tôi xin báo cáo với Quốc hội rằng, vấn đề căng thẳng này không thể giải quyết trong một, hai năm mà chỉ có thể được giải quyết trong thời gian được tính bằng hàng chục năm như nhiều nước trên thế giới” – Phó Thủ tướng nói.

Tạo điều kiện cho giáo dục ngoài công lập phát triển thực chất

Về biên chế, Phó Thủ tướng nêu thực tế: Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về đào tạo giáo viên, chuẩn giáo viên và luôn muốn ở đâu có học sinh thì phải có giáo viên đủ các môn học với số lượng học sinh trong một lớp ít nhất có thể. Tuy nhiên, để có đủ giáo viên thì phải tăng biên chế, trong khi không phát triển được giáo dục ngoài công lập, thì ngân sách phải tăng lên trong khi đang rất khó khăn.

Để giải bài toán này, phải đồng bộ rất nhiều việc. Trước hết kinh tế phải phát triển nhanh hơn để có nguồn thu nhiều hơn, đồng thời phải tạo điều kiện cho giáo dục ngoài công lập phát triển được. Mà phải là phát triển thực chất. Ví dụ phát triển các trường ngoài công lập, bệnh viện ngoài công lập, chúng ta có Nghị quyết, có chính sách rồi, đất thì miễn phí chẳng hạn, nhưng thực tế có không? Nếu đất mà miễn phí thì nhà đầu tư mới hạ học phí, mới hạ viện phí xuống được thì người dân mới từ công lập sang tư thục được.

Những vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế -xã hội trong hai ngày 27 và 28/10. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho rằng cần phải có đánh giá, điều chỉnh chính sách khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Những vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế -xã hội trong hai ngày 27 và 28/10. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho rằng cần phải có đánh giá, điều chỉnh chính sách khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Hay phải đẩy mạnh hơn nữa tự chủ đại học, và phải có cơ chế để giáo viên từ các vùng đô thị không phải dùng lương từ ngân sách Nhà nước mà từ nguồn thu học phí của những đối tượng sẵn sàng chi trả.

Về vấn đề học phí, viện phí, Phó Thủ tướng cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao việc bảo đảm chất lượng giáo dục, y tế của Việt Nam so với những nước có cùng mức chi. "Nhưng chúng ta không thể nào đòi hỏi chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới trong khi chi ngân sách và thu nhập của người dân lại ở mức thấp trên thế giới", Phó Thủ tướng trao đổi.

Đối với giáo dục, hiện nay các trường phổ thông được hưởng 60% học phí để chi cho chuyên môn. Vừa qua, để đồng hành với Nhân dân sau đại dịch, Chính phủ đưa ra chủ trương không tăng phần đóng góp của người dân trong học phí, nhưng để các trường vận hành được thì ngân sách Nhà nước phải bù vào phần lẽ ra phải tăng mà không tăng.

Vấn đề các Đại biểu nói rất nhiều, quan tâm nhiều là tự chủ. Đối với tự chủ trong trường học, bệnh viện, Phó Thủ tướng cho biết đây là vấn đề rất khó khăn từ nhiều năm nay. Qua hơn 30 năm thực hiện đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã giảm từ trên 10.000 đơn vị xuống dưới 1.000 và có thêm 700.000 doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Các đơn vị sự nghiệp (chủ yếu là trường học, bệnh viện), trong 2 năm qua, đã giảm về đầu mối nhưng tổng biên chế không giảm.

Ở thế giới, quản trị trường học, bệnh viện xuất phát từ yêu cầu chuyên môn là phải phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cơ sở từ đó người ta được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư và về lương, về chi.

Còn ở Việt Nam, thời gian qua, cơ chế tự chủ trường học, bệnh viện được thiết kế theo hướng lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên.

Ví dụ như đại học ở Đức, thực hiện tự chủ nhưng nhà nước vẫn lo 85% ngân sách. Còn ở chúng ta, nếu nhà nước còn lo ngân sách thì chúng ta chưa có tự chủ.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định các ý kiến của Đại biểu Quốc hội về vấn đề tự chủ trong trường học, bệnh viện sẽ được các cơ quan chức năng tiếp thu, rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật để có sự đổi mới căn bản hơn. Tuy nhiên, đây là những vấn đề rất lớn, trong đó có những bất cập đã được bộc lộ, nhận diện để giải quyết, nhưng cũng cần một thời gian dài để khắc phục.

Lam An (tổng hợp)