Bi hài quanh bốt điện thoại thẻ Việt Nam

04/04/2012 06:48
Đăng Đức (Lớp Báo in K29A2, HV. BC&TT)
(GDVN) - Giờ đây, những bốt điện thoại công cộng đã trở nên lỗi thời, bị “bỏ xó” và tệ hơn là bị những kẻ kém ý thức phá hỏng, bôi bẩn, thậm chí phóng uế.
Cách đây khoảng hơn chục năm, khi các phương tiện viễn thông không dây nói chung & điện thoại di động nói riêng còn chưa phát triển thì điện thoại thẻ vẫn được nhiều người lựa chọn khi có nhu cầu liên lạc. Nhưng giờ đây, những bốt điện thoại công cộng ấy đã trở nên lỗi thời, bị “bỏ xó” và tệ hơn bị những kẻ kém ý thức phá hỏng, bôi bẩn, thậm chí phóng uế.

Thời oanh liệt nay còn đâu?

Đi dọc các con phố Hà Nội, thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp một vài chiếc bốt điện thoại thẻ công cộng với những nét rất “phản cảm”: chân bốt trở thành nơi xích xe, để đồ của những người buôn bán ở vỉa hè, kính vỡ, khung sắt rỉ sét, cáu bẩn, mặt ngoài trở thành nơi “quảng cáo bất đắc dĩ” của các tờ rơi, thông báo,… 
Đó là những thảm cảnh mà chiếc bốt điện thoại thẻ phải hứng chịu khi người ta không còn cần đến nó. Trước đây, khi mà điện thoại di động còn chưa phổ biến và hầu như chỉ có người giàu mới có thể sở hữu thì điện thoại thẻ bắt đầu nổi lên như một phương tiện khá tiện lợi và mang tính đại trà.
Nhức mắt với bốt điện thoại trên đường Giảng Võ: Thùng rác đặt ngay bên cạnh, trong khi trước cửa cabin đặt chình ình tấm biển hiệu khiến khách hàng “hết đường” gọi điện (ảnh: Đăng Đức)
Nhức mắt với bốt điện thoại trên đường Giảng Võ: Thùng rác đặt ngay bên cạnh, trong khi trước cửa cabin đặt chình ình tấm biển hiệu khiến khách hàng “hết đường” gọi điện (ảnh: Đăng Đức)

Thế nhưng, khi điện thoại di động và các phương tiện viễn thông không dây trở nên phổ biến thì điện thoại thẻ bị “bỏ xó” và bị những kẻ thiếu ý thức tận dụng để phục vụ lợi ích cá nhân, thậm chí phá hoại.

Muôn chuyện bi hài xung quanh chiếc bốt điện thoại

Đã có lúc, Nhà nước quyết định phát hành các loại tiền xu để phục vụ nhu cầu gọi điện thoại công cộng của người Việt Nam. Thế nhưng, ý định “phục hưng” những bốt điện thoại công cộng ấy đã không trở thành hiện thực do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là do sự phát triển quá nhanh của mạng di động và tâm lý quen tiêu tiền giấy, ngại cầm tiền xu vì dễ rơi của người Việt.
Mặt ngoài của cabin điện thoại công cộng luôn là nơi “lý tưởng” để dán các tờ quảng cáo (ảnh: Đăng Đức)
Mặt ngoài của cabin điện thoại công cộng luôn là nơi “lý tưởng” để dán các tờ quảng cáo (ảnh: Đăng Đức)
Thế nên, những chiếc bốt điện thoại thẻ đã trở nên vô dụng với mục đích chính, nhưng lại rất hữu ích đối với một số người vô ý thức. Họ tận dụng tất cả những gì có thể của chiếc bốt điện thoại công cộng để phục vụ mục đích cá nhân mà không cần quan tâm là đúng hay sai. 
Mặt kính cả trong lẫn ngoài bị dán chi chít các loại quảng cáo, từ dạy gia sư, tuyển nhân viên cho đến dịch vụ cho thuê nhà trọ, khoan cắt bê tông, thông hút bể phốt,… Chân bốt lại trở thành nơi lý tưởng để người ta xích xe, để đồ, thậm chí tập kết rác. 
Tại nhiều cabin điện thoại công cộng trên đường Giảng Võ, Kim Mã, Hai Bà Trưng, Bà Triệu,… , bên cạnh việc ống nghe đã cũ mèm, hoen rỉ thì tình trạng đứt dây cáp điện thoại diễn ra phổ biến nên nếu khách hàng có nhu cầu gọi điện cũng đành “chào thua”. Hơn nữa “Bây giờ mua thẻ điện thoại công cộng giá vừa đắt lại lại vừa khó kiếm vì không phải cửa hàng tư nhân nào cũng bán. Do đó, việc khách hàng quay lưng với nó để chuyển sang sử dụng thẻ điện thoại di động cũng là điều đương nhiên” - anh Nguyễn Minh Tâm, một người trước đây rất hay dùng điện thoại thẻ cho biết.  

Thu hồi hay sửa chữa, bài toán chưa dễ giải 

Tình trạng những cabin điện thoại thẻ công cộng hoạt động không hiệu quả, thậm chí bị hỏng hóc, chuyển đổi mục đích sử dụng, gây mất mỹ quan cho đường phố Việt Nam đã trở nên phổ biến từ nhiều năm nay nhưng việc giải quyết vẫn chưa được triệt để. 
Ông Giang Đức Tuệ, PGĐ Công ty Điện thoại Hà Nội 2 (VNPT Hà Nội), đơn vị đang quản lý 400 - 500 cabin điện thoại thẻ trên địa bàn thừa nhận: “Quả thực, hiện nay nhu cầu sử dụng điện thoại thẻ của người dân rất ít do giá cước cao và những bất tiện về vị trí, địa điểm đặt cabin”. Ông Tuệ cũng khẳng định, hiện chỉ còn chưa đến 300 cabin điện thoại trên địa bàn còn hoạt động được, nhưng cũng phập phù, không hiệu quả…
Vì vậy, nếu trước đây, loại hình này được đầu tư khá mạnh với việc triển khai nhân viên “cắm chốt”, đại lí rộng khắp, với biển quảng cáo và quầy giao dịch hàng ngày thì hiện nay, công ty đã giảm bớt đầu tư. “Ví dụ, nếu tôi là chủ doanh nghiệp tư nhân của loại hình dịch vụ này thì tôi đã bỏ không kinh doanh nữa, vì chúng tôi đang chịu lỗ” – ông Tuệ nói.
Mặc dù vậy, ông Tuệ cũng khẳng định, không thể phủ nhận vai trò lịch sử của điện thoại thẻ công cộng khi nó ra đời với mục đích công ích xã hội, và một phần phục vụ du khách nước ngoài. Hiện nay, tại một số địa điểm như nhà ga, sân bay,… loại hình này vẫn còn chút ít tác dụng. Ngoài ra, dịch vụ điện thoại thẻ công cộng là một loại hình nằm trong hệ thống hạ tầng thông tin, nếu bỏ thì sẽ thiếu một mảng về dịch vụ viễn thông, nên hướng xử trí thế nào cũng đều khó.
Ông Tuệ cho biết thêm, trong thời gian tới Công ty sẽ khẩn trương thu hồi những cabin đã hỏng hoặc gây mất mỹ quan đô thị. Còn với những cabin có khả năng chỉnh trang, sửa chữa thì Công ty sẽ dùng chính thiết bị của các máy đã thu hồi để thay thế.

Thiết nghĩ, những đơn vị quản lý điện thoại thẻ nên nhanh chóng thu hồi những trạm hỏng hóc, mất mỹ quan hoặc ở xa trung tâm Hà Nội và các thành phố lớn – những nơi có ít khách hàng sử dụng và tập trung đầu tư có trọng điểm ở một vài tuyến phố có nhiều du khách nước ngoài hay các nhà ga, sân bay, … Đó cũng là giải pháp để chấm dứt những tháng ngày “dở sống, dở chết” này của điện thoại thẻ Việt Nam.              
Đăng Đức (Lớp Báo in K29A2, HV. BC&TT)