Cử nhân báo chí không làm đúng nghề: Do bản thân là chủ yếu

19/05/2012 16:19
Nga Trịnh (Học viện Báo chí và Tuyên Truyền)
“Sinh viên báo chí ra trường không làm báo có 2 nguyên nhân: từ chính bản thân sinh viên và do lỗi của người đào tạo. Trong đó, cơ bản là do bản thân sinh viên”.
Đó là chia sẻ của Thầy giáo – Nhà báo Trần Bá Lạn (nguyên Trưởng khoa Báo Chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) về vấn đề sinh viên báo chí ra trường không làm báo nhân kỷ niệm 50 năm thành lập trường và khoa. * Thưa thầy, hiện nay sinh viên nói chung và sinh viên báo chí nói riêng ra trường khó tìm được việc làm đúng nghề, thậm chí là thất nghiệp. Là một người từng công tác trong lĩnh vực giáo dục, thầy nghĩ gì về vấn đề này ? - Theo tôi, hiện tượng trên do 3 nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân cơ bản nhất là do khả năng của bản thân mỗi sinh viên. Nếu sinh viên thật sự có khả năng nhờ vào việc nắm bắt những kiến thức thầy cô trong trường truyền dạy và có sự cọ sát với thực tế sẽ không bị thất nghiệp.
Thầy giáo - nhà báo Trần Bá Lạn (nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Thầy giáo - nhà báo Trần Bá Lạn (nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Nguyên nhân do chất lượng đào tạo chiếm một phần nhỏ. Nguyên nhân cuối cùng là do hệ thống quản lí giáo dục. Trong một số năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh đã vượt quá nhu cầu nhân lực của các ngành nghề. Hậu quả là tình trạng “cung vượt quá cầu” xảy ra. Một số sinh viên ra trường không gặp “may mắn” sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp. * Vậy theo thầy, tại sao sinh viên báo chí ra trường dù có điều kiện thuận lợi lại không làm báo? - Vấn đề này có nguyên nhân từ hai mặt: từ chính bản thân sinh viên và do lỗi của người đào tạo. Trong đó, nguyên nhân chính là do bản thân sinh viên, bao gồm yếu tố chủ quan của sinh viên và do thực tế tác động. Những sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành báo cảm thấy không đủ niềm say mê, tâm huyết để theo đuổi nghề báo, thì sẽ rời bỏ con đường báo chí. Một số sinh viên có khả năng làm báo nhưng cuối cùng lại bỏ nghề do tâm lí “đứng núi này trông núi nọ”. Làm báo nhưng yêu văn chương hơn nên họ rời bỏ nghiệp báo để theo nghiệp văn chương. Sự tác động của xã hội, đặc biệt tác động từ gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn. Sinh viên báo rời bỏ nghề báo để tiếp tục công việc của gia đình ví dụ như việc kinh doanh... Với sinh viên nữ, sự tác động này biểu hiện rõ ràng hơn. Rất nhiều sinh viên nữ từ bỏ nghề báo để có thêm thời gian chăm sóc gia đình. Nguyên nhân do lỗi của những người đào tạo chiếm một vị trí nhỏ, chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. * Thưa thầy, sinh viên báo chí ra trường làm một số công việc khác như công tác tuyên giáo… có coi là không đúng nghề hay không? - Hoàn toàn không! Phải hiểu rõ rằng: đào tạo cử nhân báo chí ngoài việc làm báo, còn phục vụ công tác tuyên giáo của Đảng, Nhà nước. Nghề báo có hai mặt là nghiệp nói và viết. Những người làm công tác tuyên giáo chính là những nhà báo theo nghiệp nói.* Nhiều sinh viên báo chí ra trường phải “đào tạo lại”. Đào tạo lại không phải là học lại mà là học kĩ năng làm việc để phù hợp với thực tế. Theo thầy, tại sao có hiện tượng trên? Quan điểm của thầy như thế nào trong vấn đề thực hành việc cho sinh viên báo chí, khi còn ngồi trên ghế nhà trường? - Tình trạng này do thời gian học tập trong nhà trường có hạn. Trong 4 năm học, với số lượng khoảng 3000 đến 4000 tiết học, giảng viên không thể truyền dạy cho sinh viên tất cả mọi thứ, mà chỉ cung cấp những cái nền tảng nhất. Ở môi trường Đại học phải tự học là chính, giảng viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, định hướng. Để tránh tình trạng “đào tạo lại”, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần phải tự học kĩ năng làm việc ngoài thực tế. Vấn đề thực hành việc rất quan trọng. Dựa trên nền tảng kiến thức được học trên lớp, sinh viên phải tự thâm nhập thực tế viết tin, bài để cọ xát bản thân. Mỗi lần viết bài chính là sinh viên đang thực hành việc. * Hiện nay, nhiều quan điểm cho rằng: Sinh viên báo chí cái cần thiết nhất là phải được “cọ sát” với thực tiễn hơn là tập trung học những lí thuyết trong trường Đại học. Thầy có ý kiến như thế nào về vấn đề này? - Theo tôi, phải có sự kết hợp đan xen giữa chúng. Kiến thức nhà trường là nền tảng để sinh viên phát triển ý tưởng về bài viết trong thực tế. Kiến thức chung trong trường là xương sống, để hoàn thiện phải thêm các chi tiết. Thêm các chi tiết như thế nào là do sự sáng tạo của mỗi người. *Thầy có thể chia sẻ với sinh viên báo chí kinh nghiệm để trở thành một nhà báo lớn? - Từ một sinh viên báo chí mới ra trường để trở thành một nhà báo lớn phải có thời gian, không được “đốt cháy giai đoạn”. Càng tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kĩ năng thì con đường trở thành một nhà báo lớn sẽ càng rút ngắn. Theo tôi, một nhà báo lớn không phải là nhà báo chỉ viết những vấn đề lớn lao mà cần đi vào những vấn đề nhỏ nhặt, gần gũi trong cuộc sống. Bởi lẽ, nghề báo là nghề “vị nhân sinh”. Những điều báo chí viết phải nhằm mục đích làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Như vậy, báo chí mới thật sự khẳng định được giá trị của nó.Xin cảm ơn thầy !
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Nga Trịnh (Học viện Báo chí và Tuyên Truyền)