Văn hóa ứng xử của giới trẻ: Đâu là văn minh?

25/05/2012 10:11
Nguyễn Nhung, lớp Báo in K29a1
(GDVN) - Phải chăng, đang có một lỗ hổng trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của một bộ phận giới trẻ ngày nay?
Thiếu văn hóa từ những hành vi nhỏ nhất Ứng xử có văn hóa nơi công cộng là nếp sống văn minh cần được mọi người coi trọng, nhất là giới trẻ. Tuy nhiện, hiện đang tồn tại một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ có cách hành xử thiếu văn hóa. Ở những nơi công cộng, trong sự giao lưu tiếp xúc với mọi người xung quanh, con người có điều kiện thể hiện tính cách, lối sống và hành vi ứng xử của mình. Cũng chính vì vậy mà người ta có thể dễ dàng nhận ra ai là người có văn hóa. Đáng buồn thay, không ít những cách hành vi thiếu văn hóa của giới trẻ vẫn diễn ra tại nơi công cộng. Bạn Thu Thương, sinh viên ĐH Ngoại thương, chia sẻ quan điểm của mình: “Từ ngõ ra tới phố, ở bất cứ nơi công cộng nào chúng ta cũng dễ dàng nhận ra những hình ảnh thiếu văn minh của các bạn trẻ. Đó là cảnh chen lấn xô đẩy khi mua vé tàu, vé xe; vứt rác bừa bãi nơi công viên; văng tục chửi thề trên đường phố; hút thuốc nơi công cộng; thờ ơ khi gặp người bị nạn… Đáng buồn hơn khi có không ít bạn trẻ cho rằng đây là những cách ứng xử rất thông thường”.

Các bạn trẻ ăn rồi vứt rác ngay tại nơi mình vừa ngồi rất thiếu văn hóa
Các bạn trẻ ăn rồi vứt rác ngay tại nơi mình vừa ngồi rất thiếu văn hóa
Cách ứng xử nơi công cộng là biểu hiện của văn hóa. Nhiều người cho rằng,  trình độ giáo dục của một dân tộc có thể đánh giá qua thái độ của người dân trên đường phố. Cách ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng không chỉ là biểu hiện của sự tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, mà còn là sự bộc lộ kín đáo nhưng sâu sắc tình yêu dân tộc. Điều đáng lưu tâm là cứ sau một kỳ lễ hội, một sự kiện văn hóa… những biểu hiện, hành vi thiếu văn hóa của một bộ phận giới trẻ bị mọi người phản ứng, chỉ trích, các phương tiện thông tin đại chúng phanh phui. Nhưng dường như cũng chỉ dừng lại ở đó, bởi rồi sự việc lại dần rơi vào quên lãng. Những cách ứng xử thiếu văn hóa của một số bạn trẻ vẫn tiếp tục “hồn nhiên” diễn ra. Người ngoại quốc nghĩ gì? Không gian công cộng là nơi ý thức xã hội được biểu hiện một cách rõ ràng và sinh động nhất. Cách ứng xử khiếm nhã ở công viên hay trên đường phố sẽ làm bạn trẻ mất đi những điểm tốt trong mắt mọi người. Những hành vi ứng xử như vậy không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh của một cá nhân, mà còn để lại những ấn tượng xấu, thậm chí là miệt thị về đất nước, con người Việt Nam trong mắt các bạn bè quốc tế. Yoon Sun Ae, một du học sinh Hàn Quốc trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, sau ba năm học tại Việt Nam tâm sự : “Điều khiến tôi cũng như nhiều người nước ngoài khác hết sức ngỡ ngàng và cảm thấy tiếc là nhiều người Việt Nam không có thói quen xếp hàng”.

Ông Mark Lowerson - một giảng viên người Australia, cho biết: “Tôi sống và làm việc ở Việt Nam đã gần 10 năm. Tôi đã quen nhìn thấy người ta chen nhau khi vào siêu thị, mua vé xem phim, làm thủ tục ngân hàng, lên máy bay… Thói quen vứt rác bừa bãi nơi công cộng, việc lạng lách, cẩu thả khi tham gia giao thông của nhiều người vẫn làm tôi khó chịu chút ít. Nhưng điều làm tôi ghê sợ hơn cả là thói quen khạc nhổ của nhiều bạn trẻ ở nơi công cộng”.
Yoon Sun Ae cũng cho biết thêm: “Mỗi lần đến căng tin, tôi phải chờ rất lâu mới len lên được để gọi món ăn của mình. Lý do là một số người khác không bao giờ xếp hàng theo thứ tự mà luôn tìm cách chen lên một cách thản nhiên, thậm chí họ đi từ ngoài vào và bước lên trước tôi như thể tôi là “người vô hình”…

Có nhiều người còn chỉ trỏ, cười nhạo khi thấy tôi và một vài người khác cứ đứng theo hàng mà tiến lên trong khi ai cũng ùa lên từ phía bên phải hoặc bên trái. Không chỉ ở căng tin, nhiều nơi khác cũng xảy ra chuyện tương tự, lúc nào tới những nơi này tôi cũng đều phập phồng lo sợ không biết mình sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để thoát khỏi đám đông…”.
Đã đến lúc gia đình, nhà trường và xã hội cần có những quan tâm thực sự đến việc điều chỉnh những hành vi lệch lạc trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của giới trẻ. Trong đó, mỗi người lớn phải thực sự là tấm gương trong việc ứng xử có văn hóa mọi lúc, mọi nơi để giới trẻ noi theo.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Nguyễn Nhung, lớp Báo in K29a1