“Cưới chạy tang”, “bổ nhiệm chạy hưu” và “quyết định chạy Nghị định”

31/10/2022 06:42
Lê Dương Hà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dân gian có chuyện “cưới chạy tang”, quan trường có chuyện “bổ nhiệm chạy hưu” và bây giờ là chuyện “quyết định chạy Nghị định”.

Ngày 2/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2022/NĐ-CP về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp. Các trường đại học nay bị xáo động với những cách xử lý khác nhau của các trường về nghị định này.

Nghị định 50 khiến nhiều giáo sư ngỡ ngàng

Nghị định 50/2022/NĐ-CP dù là quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng theo phân tích, thực chất Nghị định là giảm tuổi nghỉ hưu của giáo sư từ 70 xuống 65, tạo nên những chuyện khôi hài:

Nghị định 50 ban hành vào ngày 2/8/2022, có hiệu lực từ 15/8/2022 khiến những giáo sư đang triển khai thủ tục “kéo dài” tuổi hưu theo Nghị định 141 thì bất ngờ phải dừng lại, chờ về hưu theo Nghị định 50.

Nhiều giáo sư đang “cất cánh” theo Nghị định 141 thì phải “hạ cánh” khẩn cấp theo Nghị định 50, khiến các trường trở tay không kịp.

Nghị định 50 đã làm phát sinh các tình huống khôn lường, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển nhân sự, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học.

Tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư … khác xa nhau về mặt đẳng cấp học thuật và theo tỷ lệ hình chóp.

Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, tiến sĩ chiếm tỷ lệ 25,19% đội ngũ giảng viên toàn thời gian, giáo sư chiếm tỷ lệ 0,89%. Nghĩa là cứ 100 giảng viên đại học có 25 tiến sĩ, nhưng chưa có đến 1 giáo sư.

Vì vậy Nghị định 141/2018/NĐ-CP quy định rõ, giáo sư có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến tuổi 70, tiến sĩ nghỉ hưu tuổi 65.

Thực hiện Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, từ năm 2018, tiêu chuẩn giáo sư và phó giáo sư phải có có công bố quốc tế.

Do yêu cầu này nên số lượng bình xét hàng năm có giảm nhưng chất lượng giáo sư, phó giáo sư Việt Nam đang dần tiếp cận với quốc tế.

Những giảng viên được công nhận và bổ nhiệm giáo sư các năm 2018 đến nay được xem là thành phần tinh hoa của đất nước.

Tiến sĩ cũng cần đăng bài quốc tế để sánh ngang trình độ thế giới, nên năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT, điều kiện để bảo vệ luận án tiến sĩ phải có công bố bài báo trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus.

Sau đó, bất ngờ năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT loại bỏ tiêu chuẩn này làm cho trình độ tiến sĩ như thạc sĩ… rồi xuất hiện các luận án tiến sĩ cầu lông

Các ý kiến trái chiều xung quanh Thông tư 18 chưa lắng xuống thì năm 2022 việc ra đời Nghị định 50 khiến nhiều giáo sư, phó giáo sư bất ngờ vì họ đều về hưu ở cùng một độ tuổi với những người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ.

Có giảng viên sinh năm 1957 vừa được công nhận chức danh giáo sư năm 2022 thì phải làm thủ tục nghỉ hưu luôn theo danh sách với các tiến sĩ sinh cùng năm 1957.

Trước đây, Nghị định 141 tạo một luồng sinh khí mới, làm động lực cho đội ngũ trí thức bậc cao phấn đấu đóng góp xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay việc giảm tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định 50 có phần làm mất động lực phấn đấu của đội ngũ trí thức.

Tiến sĩ không muốn lên phó giáo sư, phó giáo sư không phấn đấu lên giáo sư.

“Cưới chạy tang”, “bổ nhiệm chạy hưu” và “quyết định chạy Nghị định”

Dân gian có chuyện “cưới chạy tang”, quan trường có chuyện “bổ nhiệm chạy hưu” và bây giờ là chuyện “quyết định chạy Nghị định”.

Các nghị định bao giờ cũng có điều khoản chuyển tiếp. Cụ thể chuyển tiếp Nghị định 50 là: trường đại học nào đã ký quyết định kéo dài 1 lần duy nhất 10 năm đến 70 tuổi cho giáo sư trước ngày Nghị định mới có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 141, tuổi nghỉ hưu của giáo sư vẫn là 70.

Trường đại học nào quyết định kéo dài theo từng năm cho giáo sư thì việc nghỉ hưu theo Nghị định mới của giáo sư là 65 tuổi.

Do có nơi "biết trước" Nghị định này nên đã xảy ra tình trạng “quyết định chạy Nghị định”.

Một số trường tìm cách “lách luật” bằng cách ra quyết định kéo dài đến tuổi 67 với phó giáo sư và tuổi 70 với giáo sư trước khi Nghị định 50 có hiệu lực nên các giáo sư phó giáo sư được hưởng kéo dài thời gian nghỉ hưu theo Nghị định 141.

Có trường đại học không nắm được thông tin sớm đang thiếu giáo sư, nay nếu áp dụng Nghị định 50, phải cho các giáo sư, phó giáo sư nghỉ hưu ở tuổi 65 nên thiếu càng thiếu thêm.

Một số trường đại học “tiến thoái lưỡng nan”, vẫn làm thủ tục nghỉ hưu cho giáo sư ở tuổi 65 theo Nghị định 50 nhưng chưa ra quyết định ngay để chờ thêm biết đâu sẽ có thay đổi!

Có giảng viên phó giáo sư sinh năm 1955 đến nay đủ 67 tuổi, mới được công nhận chức danh giáo sư năm 2022.

Vị giáo sư 67 tuổi này vừa làm thủ tục nghỉ hưu theo chế độ phó giáo sư vừa chờ bổ nhiệm giáo sư để hy vọng kéo dài thời gian làm việc đến tuổi 70 theo Nghị định 141.

Một trường đại học top đầu ở Hà Nội đang đề nghị sẽ tiếp tục kéo dài giáo sư trên 65 tuổi ở lại theo chế độ cố vấn, trả lương từ quỹ tự chủ của nhà trường.

Vì nếu cho về hưu theo Nghị định mới thì trường này chỉ còn vài trường hợp là giáo sư chưa đến 65 tuổi, trong vòng 5 năm nữa cũng không có nhiều ứng viên tiềm tàng để làm giáo sư.

Nhà trường cần sự kế tục có kế hoạch, từ từ thay vì tạo ra hẫng hụt đột ngột lực lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Kéo dài tuổi nghỉ hưu của giáo sư nhưng vẫn đảm bảo "tre già măng mọc"

Theo Nghị định 141 đối với giáo sư, phó giáo sư… trên 60 tuổi nếu được kéo dài ở lại công tác chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Giáo sư phải bàn giao công tác quản lý cho người trẻ hơn, không có phòng làm việc riêng, phải phục tùng các cấp lãnh đạo như một nhân viên.

Mỗi năm, bộ môn đơn vị quản lý giáo sư lại họp xét một lần để xem giáo sư có đủ sức khỏe, có công bố khoa học không…. để tiếp tục gia hạn tiếp thêm một năm. Năm sau lặp lại tương tự cho đến 70 tuổi.

Thành ngữ “tre già măng mọc” có nghĩa là thế hệ trước sẽ đào tạo thể hệ sau để thế hệ sau có kinh nghiệm và phát triển những gì mà thế hệ trước đã tạo ra.

Theo Nghị định 141 nếu giáo sư làm hiệu trưởng trường đại học, đúng 60 tuổi thì bàn giao chức hiệu trưởng cho người khác, ở lại chỉ làm công tác chuyên môn để đào tạo cán bộ trẻ.

Nghị định 141, thể hiện rất rõ quan điểm “tre đã già thì măng phải mọc”. Giáo sư ở lại không “choán chỗ”, không cản trở bước tiến của cán bộ trẻ. Vì chỉ chiếm 0,89% nên giáo sư ở lại không tăng thêm biên chế.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Dương Hà