Cuối kì, giáo viên bận tối mặt sao còn bắt học module 3, 4?

25/12/2021 06:54
Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình bồi dưỡng giáo viên để chuẩn bị dạy chương trình mới càng ẩn chứa nhiều bất cập hơn nữa về nội dung, thời gian, phương pháp báo cáo.

Chuyện bồi dưỡng thường xuyên nói chung và chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứa nhiều bất cập, đã được dư luận đề cập nhiều trong thời gian qua.

Đặc biệt, chương trình bồi dưỡng giáo viên để chuẩn bị dạy chương trình mới càng ẩn chứa nhiều bất cập hơn nữa về nội dung, thời gian, phương pháp báo cáo.

Trong lúc cả xã hội đang dị ứng với bệnh chứng chỉ, loạn chứng chỉ, ngành giáo dục vẫn trung thành với chứng chỉ; chỗ nào mở lớp bồi dưỡng là có chứng chỉ.

Các module trong chương trình bồi dưỡng giáo viên để chuẩn bị dạy chương trình mới đều được gắn mác “tích lũy để cấp chứng chỉ”, vì thế, có nghề “học hộ các mô đun” được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.

Cuối kì, giáo viên bận tối mặt sao còn bắt học module 3, 4?

Giáo viên chán ngán vì module 5 bắt "nhai lại" những điều cũ kĩ”, chẳng riêng gì module 5, phần lớn các module bồi dưỡng giáo viên để chuẩn bị dạy chương trình mới… đều chỉ là “bổn cũ soạn lại” không hơn, không kém.

Vì thế, chương trình mới đã được triển khai lớp 1, 2, 6, thế nhưng không ít địa phương hiện nay đang tiến hành bồi dưỡng module 3.

Trong khi để thực hiện soạn kế hoạch bài dạy học sinh chương trình mới theo công văn 5512, giáo viên phải học xong module 4!

Không phải lãnh đạo giáo dục địa phương không biết mục tiêu của chương trình bồi dưỡng giáo viên để chuẩn bị dạy chương trình mới, mà họ thừa hiểu “thực chất” của chương trình bồi dưỡng, học cũng được, chưa học cũng được; nên không đôn đốc, lên kế hoạch bồi dưỡng giáo viên sớm, trong dịp hè hay vào các thời điểm “nông nhàn”.

Vì thế, chương trình bồi dưỡng giáo viên để chuẩn bị dạy chương trình mới cứ “trên nóng, dưới lạnh”, chỉ đến khi “nước đến chân mới nhảy”.

Người viết nhận được lịch học module 3, 4 của một địa phương, do giáo viên chuyển đến với lời khẩn cầu:

“Em chuyển cho anh lịch học này, nhưng tuyệt đối đừng nêu tên em, tên địa phương. Thời gian này chúng em đang thực hiện chương trình tuần 17, 18, tức là ôn tập, kiểm tra định kì cuối học kì 1, bận tối mặt tối mày… vậy mà còn phải học bồi dưỡng module 3, 4”.

Lịch học bồi dưỡng mô đun 3,4 của địa phương do bạn đọc cung cấp. (Ảnh chụp màn hình)

Lịch học bồi dưỡng mô đun 3,4 của địa phương do bạn đọc cung cấp. (Ảnh chụp màn hình)

Việc lên lịch học bồi dưỡng cho giáo viên không hợp lý, tạo áp lực không đáng có, đã được dư luận lên tiếng. Báo Tuoitre.vn có bài viết: “Vừa dạy vừa tập huấn kín mít tuần, thầy cô giáo than 'không còn sức'” phản ánh vấn đề này.

"Nói một cách khách quan thì phương pháp tập huấn của Bộ GD-ĐT cũng có nhiều điểm mới tích cực, yêu cầu người được tập huấn phải học thật, thi thật. Ví dụ như các bài tập huấn online có nhiều chỗ khô khan nhưng người học không được "tua" qua cho nhanh mà phải xem cho kỹ. Vì nếu giáo viên làm bài tập sai sẽ phải làm lại.

Thế nhưng, việc yêu cầu người thầy giáo phải soạn giáo án một cách chi tiết, tỉ mỉ chỉ tạo thêm áp lực. Nếu làm đúng như những gì được tập huấn thì chúng tôi phải soạn giáo án mỗi bài dạy khoảng bảy trang giấy với rất nhiều mục theo quy định. Điều này không phù hợp với thực tế và khiến cho chúng tôi chỉ làm theo kiểu đối phó".[1]

Việc phân bố thời gian học bồi dưỡng không hợp lý, không gắn với thực tế, phản ánh một sự thật, có một số cán bộ chỉ biết “ngồi phòng lạnh” lên kế hoạch, không biết chia sẻ khó khăn với giáo viên.

Phân bố thời gian học bồi dưỡng không hợp lý, không gắn với thực tế, vô hình trung đã làm mất tác dụng, mục tiêu của chương trình bồi dưỡng.

Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình mới đã tiêu tốn không ít ngân sách, nhưng không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục.

Nguy hại hơn, việc này còn tạo nên thói quen tâm lý đối phó, học cho có của giáo viên khi học bồi dưỡng chương trình 2018 nói riêng và các chương trình tập huấn khác của ngành giáo dục.

Vì thế, các địa phương cần có kế hoạch học chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình mới một cách hợp lý, phù hợp với kế hoạch năm học, không nên dồn ép vào thời điểm cuối kì, giáo viên nhiều công việc, gây áp lực cho giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/vua-day-vua-tap-huan-kin-mit-tuan-thay-co-giao-than-khong-con-suc-20210107090444108.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Mạnh Cường