Cuối năm chuyển tổ hợp: HS vừa học lớp 11, vừa đuổi kiến thức lớp 10 sẽ rất vất

14/01/2023 06:43
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-“Nếu học sinh không học được những môn đã lựa chọn trước đó thì cũng nên tạo điều kiện để các em được chuyển đổi môn sớm”, thầy Dũng nói. 

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 68//BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông.

Theo đó, trường hợp học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì sẽ được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Hết học kỳ I, học sinh muốn chuyển đổi môn cũng không được

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hà Nhâm Hưởng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn cho biết, các trường trung học phổ thông sẽ phải nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 68 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với học sinh lớp 10 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, hết học kỳ I, học sinh “có muốn chuyển đổi môn cũng không được vì cứ theo văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chẳng ai dám làm khác”, thầy Hưởng chia sẻ.

Sách giáo khoa lớp 10, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Sách giáo khoa lớp 10, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Còn theo thầy Đinh Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) chia sẻ: “Trường mới kết thúc học kỳ I năm học 2022-2023. Theo ghi nhận, trường có 5-7 học sinh lớp 10 muốn chuyển đổi môn học, trong đó chủ yếu chuyển từ môn khoa học tự nhiên sang khoa học xã hội”.

Lý giải nguyên nhân, thầy Dũng cho rằng, sau 1 học kỳ, ngoài học môn bắt buộc, học sinh học các môn lựa chọn cảm thấy khó, năng lực không theo được nên muốn đổi sang môn học khác.

“Theo hướng dẫn mới của Bộ, những trường hợp học sinh mong muốn chuyển đổi môn lựa chọn thì phải chờ đến hết năm học và cam kết tự bổ sung kiến thức để đảm bảo.

Định hướng của nhà trường là học sinh muốn học để chuyển đổi môn thì trong thời gian nghỉ hè, trường sẽ bổ sung kiến thức", thầy Dũng nói.

Thầy Dũng cho biết thêm, hiện, với những học sinh lớp 10 vừa kết thúc học kỳ I có nguyện vọng đổi môn cũng không được, vì theo quy định là phải hết năm học. Do đó, đối với những học sinh này, trường sẽ có định hướng trên tinh thần các em tự tìm hiểu trước, sau đó tiến hành bổ sung kiến thức trong quá trình các em học trên lớp.

Khi được hỏi về trường hợp học sinh chuyển trường, theo thầy Dũng, học sinh chuyển trường chủ yếu do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ chuyển địa bàn cư trú, không liên quan đến chuyển đổi môn.

“Giá mà hết học kỳ I được chuyển đổi môn lựa chọn thì cả học sinh và nhà trường sẽ đỡ vất vả”

Thầy Dũng chia sẻ: “Nếu được chuyển đổi môn sau khi kết thúc học kỳ I thì học sinh và nhà trường sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với việc để đến hết năm.

Khi chuyển đổi môn ngay sau kết thúc học kỳ I, thì sang học kỳ II, các em được học luôn kiến thức môn mới ở học kỳ II, song song với đó, các em sẽ có thời gian bổ trợ thêm kiến thức trước đó của học kỳ I. Còn để đến hết năm mới được chuyển đổi thì học sinh vất vả hơn do phải vừa học kiến thức lớp 11, vừa học đuổi kiến thức của cả năm lớp 10.

Giá mà hết học kỳ I lớp 10, các em được chuyển đổi môn lựa chọn thì cả học sinh và nhà trường sẽ đỡ vất vả”.

Trước những vướng mắc, thầy Dũng kiến nghị, nếu học sinh không học được những môn đã lựa chọn trước đó thì cũng nên tạo điều kiện để các em chuyển đổi môn khi hết học kỳ I.

Mặt khác, theo thầy Hà Nhâm Hưởng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn, học sinh của trường muốn chuyển đổi môn lựa chọn cũng rất khó vì còn liên quan đến sĩ số lớp, nhân lực giáo viên.

Cụ thể, nếu học sinh chuyển từ môn học này sang môn học khác sẽ dẫn tới tình trạng có lớp quá đông, có lớp quá ít học sinh, dẫn đến bất hợp lý trong việc cân đối giảng dạy.

Chưa kể, diện tích một lớp học chỉ bố trí được một số lượng bàn, ghế nhất định, “học sinh/lớp quá đông, lớp nào chứa được? Còn nếu tách lớp thì lấy đâu ra giáo viên để dạy học?”, thầy Hưởng chia sẻ.

Liên quan đến sĩ số lớp, thầy Dũng cũng cho hay: "Với nhà trường, khối 10 hiện có 5 lớp khoa học xã hội và 2 lớp khoa học tự nhiên, mỗi lớp tối đa 50 học sinh. Do vậy, nếu không có quy định quán triệt về sĩ số lớp mới thì trường hợp các em chuyển đổi môn từ khoa học tự nhiên sang khoa học xã hội nhiều, dồn từ lớp ít sang lớp đông dẫn đến quá tải trong khi mở thêm lớp không được, tăng sĩ số cũng không xong, tiến thoái lưỡng nan.

Mong mỏi của trường là có hướng dẫn cụ thể đối với các tình huống phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi môn lựa chọn của học sinh”, thầy Dũng trăn trở.

Chia sẻ thêm về triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy Dũng cho biết, đối với khối 10, trường tổ chức dạy 1 lớp môn Âm nhạc, 1 lớp môn Mỹ thuật và phải “nhờ” giáo viên của trường khác sang đứng lớp do trường chưa có giáo viên.

“Trường vẫn xếp thời khóa biểu hợp lý để thuận lợi cho giáo viên biên chế của trường khác về dạy hỗ trợ cho nhà trường. Việc tuyển dụng ví trí giáo viên này còn phụ thuộc vào chỉ tiêu biên chế được giao. Việc tuyển 1 giáo viên về trường chỉ để dạy cho 1 lớp với thời lượng 2 tiết/tuần sẽ có phần không hợp lý, nhất là khi một số môn học khác còn thiếu biên chế giáo viên.

Trường dạy Âm nhạc, Mỹ thuật theo đúng tinh thần chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng nhiều học sinh không có năng khiếu.

Trong 1 lớp, đa số các em tự nguyện đăng ký học Âm nhạc, Mỹ thuật. Số còn lại được trường động viên tham gia học để trải nghiệm. Việc đánh giá hai môn học này không phải bằng điểm số nên yêu cầu đặt ra cũng không quá cao, về cơ bản là để tìm ra những nhân tố”, thầy Dũng chia sẻ.

Ngọc Mai