Cựu quan chức Bộ Quốc phòng kể chuyện lấp biển tại Trường Sa

12/07/2011 23:42
(GDVN) - Là người đã từng gắn bó với Trường Sa 15 năm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh – nguyên Phó cục trưởng Cục tác chiến có rất nhiều kỷ niệm về Trường Sa.
(GDVN) - Là người đã từng gắn bó với Trường Sa 15 năm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh – nguyên Phó cục trưởng Cục tác chiến, Bộ tổng tham mưu có rất nhiều kỷ niệm với những người lính nơi đảo xa. Gặp chúng tôi trong một buổi chiều Hà Nội nóng như đổ lửa, người lính già vừa bước sang tuổi 85 xúc động nhớ về những kỷ niệm một thời “đảo xa”. 
{iarelatednews articleid='6751,6607,6608,6362,6328,6008,5754,5849,5735,5638'}
Làm nhà giữa biển
Để bảo vệ chủ quyền quốc gia từng tấc biển, Việt Nam đã có nhiều ý tưởng trong đó nổi bật chính là ý tưởng dựng nhà chân cao trên những bãi đá cạn nằm giữa biển khơi.
Các tướng lĩnh hải quân chỉ đạo việc lấp biển
Các tướng lĩnh hải quân chỉ đạo việc lấp biển
Vừa chỉ bản đồ ông Ninh vừa nói: “Nhà cao chân là ý tưởng của tôi với Đô đốc, thượng tướng Giáp Văn Cương, Tư lệnh quân chủng hải quân. Chúng tôi đề xuất lên Bộ Quốc phòng và Bộ Chính trị. 
Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt kí quyết định thành lập cụm Kinh tế - Khoa học – Dịch vụ DK1 thuộc Vũng Tàu – Côn Đảo nằm trong thềm lục địa của Việt Nam. Đến ngày 26/2/1990, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh giao cho Bộ tư lệnh Công binh làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống công trình DK1”.
Bãi đá cạn Tư Chính dù nằm gần Trường Sa nhưng không thuộc quần đảo Trường Sa mà thuộc Vũng Tàu – Côn Đảo. Nói là bãi đá cạn nhưng bãi đá này nằm dưới mặt nước biển chỗ nông thì 5 m chỗ sâu cũng phải đến 15 m. Vì nó cao hơn so với những vùng biển xung quanh nên gọi là bãi đá cạn. 
Những nhà cao chân này được xây dựng rất vững chắc, khi xây dựng, các chiến sĩ công binh đã phải khoan sâu xuống nền đá rắn chắc ở phía dưới để đảm bảo trực thăng có thể đỗ trên nóc nhà. Trải mình qua nắng, sóng gió khắc nghiệt và thời gian, những ngôi nhà cao chân này vẫn sừng sững giữa biển khơi. Nơi đây là biểu tượng cho sự hiên ngang, bất khuất bảo vệ chủ quyền dân tộc nơi hải đảo.
Nước mắt người chiến sĩ
Ông Ninh kể: “Ở mỗi nhà cao chân có khoảng 10 – 15 chiến sỹ bộ đội.Cuộc sống nơi đây vô vàn khó khăn. Khi sóng yên biển lặng thì các tàu tiếp tế còn tiếp cận được với nhà cao chân, còn khi sóng mạnh thì không ai có thể lên trên nhà được. Lý do là vì các tàu mà lại gần nhà có thể bị sóng xô mạnh vào chân nhà, rất nguy hiểm. Có những hôm sóng to đánh mạnh đến tận sàn nhà. 
Anh em ở ngoài khơi thì rất thèm được xem và nghe văn công hát. Tôi nhớ một lần có đoàn văn công ra đảo hát nhưng sóng to quá không lên được đành phải hát dưới thuyền từ xa cho chiến sỹ nghe. Anh chị em văn công vừa khóc, vừa hát vì không lên tận nơi hát cho các chiến sỹ nghe, chỉ nhìn thấy nhau qua bọt biển trắng xóa. 
Những chiến sĩ can trường bao năm giữa sóng gió trùng trùng, những cán bộ đã kinh qua trận mạc cũng không cầm nổi nước mắt. Kỷ niệm đó sẽ không bao giờ phai trong tâm trí tôi.
Mọi thứ thiết yếu cần cho cuộc sống đều được tiếp tế thông qua tàu gửi hàng. Nhưng không vì thế mà nơi đây không có màu xanh – màu của sự sống: các chiến sỹ trồng rau vào các khay. Khi có gió Nam thì đem sang phía Bắc ngôi nhà tránh gió, khi sóng mạnh quá thì đem vào trong nhà. 
Trước kia chưa có điện thoại thì các chiến sỹ phải đánh điện bằng sóng vô tuyến vào đất liền, còn bây giờ có điện thoại thì đỡ hơn”.
Sau hơn hai mươi năm, đã có 20 nhà chân cao được làm. Trong đó có 5 nhà đã bị đổ vì thiên nhiên khắc nghiệt. Trong niềm xúc động dâng trào ông Ninh nghẹn ngào: “Mới đó đã 20 năm từ ngày bắt đầu xây dựng DK1 trên thềm lục địa Việt Nam - vùng Tư Chính. Mình là một nhân chứng thấy được sự gian khổ hy sinh. Đã có 13 đồng chí hy sinh. Xin kính cẩn chào vĩnh biệt các đồng chí đã âm thầm cống hiến cho tổ quốc!”
Lấp biển, dựng đảo
Không chỉ là đưa ra ý tưởng dựng nhà cao chân giữa nơi biển khơi để bảo vệ chủ quyền biển đảo mà thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh còn là người tham gia trực tiếp vào việc chỉ đạo “lấp biển”.
Nhận thấy có những vùng đá cạn khi thủy triều hạ lộ thiên và cảm nhận được cuộc sống khó khăn trên những ngôi nhà cao chân, Bộ Tư lệnh Hải quân đã đề xuất lên cấp trên và được Bộ quốc phòng đồng ý. Công cuộc “lấp biển” bắt đầu. 
Lô cốt vững chắc thay thế cho nhà chân dài (bên cạnh)
Lô cốt vững chắc thay thế cho nhà chân dài (bên cạnh)
Trực tiếp chỉ đạo thực hiện công việc lấp biển này có Đô đốc, thượng tướng Giáp Văn Cương và Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh. Những tảng đá từ trong đất liền được đưa ra để “lấp biển” để tạo thành những vùng nền đảo nhô cao. Từ nền tảng đó, những lô cốt vững chắc được dựng lên.
Trong số đó phải kể đến trên bãi Thuyền Chài và bãi Tiên Nữ gần đảo An Bang, bãi Đá lát gần đảo Trường Sa Lớn…
Thiếu tướng Ninh nhớ lại: “ Bãi Tiên Nữ đẹp lắm. Trên bãi này còn có một cây hải đăng. Đó là niềm tự hào của Việt Nam bởi vì nước tranh chấp chủ quyền với Việt Nam tại quần đảo Trường Sa tuyệt nhiên không có cái hải đăng nào”.
Ông Ninh cho biết: ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam có 5 ngọn hải đăng. Đó là một ngọn nằm trên đảo Song Tử Tây, một ngọn nằm trên bãi Tiên Nữ, một ngọn nằm trên đảo An Bang, một ngọn nằm trên đảo Trường Sa Lớn, ngọn còn lại nằm trên đảo Đá Lát. Năm ngọn hải đăng này đều có khả năng chiếu xa 25 hải lý (khoảng 30 km) để dẫn đường cho các tàu thuyền quốc tế đi qua vùng biển này. 
Ông Ninh nói: “Đó là sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam ta tại quần đảo Trường Sa, mảnh trời biển tiên tổ để lại cho nhân dân ta”.
Tuệ Minh (ghi)