Đa Chiều: Có phải ông chủ Facebook "khấu đầu" trước Tập Cận Bình?

10/12/2014 14:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu nhìn từ góc độ kinh tế, Google rút lui chỉ có thiệt thân. Facebook thì khác.
Lỗ Vĩ, Phó ban Tuyên truyền đảng Cộng sản Trung Quốc thăm trụ sở Facebook phát hiện cuốn "Tập Cận Bình luận về trị quốc" trên bàn làm việc của Zuckerberg.
Lỗ Vĩ, Phó ban Tuyên truyền đảng Cộng sản Trung Quốc thăm trụ sở Facebook phát hiện cuốn "Tập Cận Bình luận về trị quốc" trên bàn làm việc của Zuckerberg.

Tờ Đa Chiều ngày 9/10 có bài bình luận, ông chủ mạng xã hội Facebook, Mark Zuckerberg hơn một tháng trước đã gây ngạc nhiên cho sinh viên đại học Bắc Kinh khi anh trò chuyện với họ bằng tiếng Hán trong suốt nửa giờ. Nay Zuckerberg lại tuyên bố anh đang nghiên cứu cuốn "Tập Cận Bình luận về trị quốc" của Chủ tịch Trung Quốc và còn mua thêm một số cuốn mang về cho các đồng nghiệp trong công ty cùng đọc.

Hành động này theo Đa Chiều đã bị "dư luận phương Tây" đả kích ông chủ Facebook 2 lần nịnh bợ Tập Cận Bình để trang mạng xã hội này có thể xâm nhập Trung Quốc, nhưng cách nịnh của Zackerberg được cho là "vô tri, vô sỉ, giả tạo và hoang đường". Những chỉ trích này bắt nguồn từ chuyến đi của Lỗ Vĩ, Chủ nhiệm Ủy ban Internet, Tổ trưởng Tổ chỉ đạo Công nghệ thông tin và an ninh mạng kiêm Phó ban Tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc thăm trụ sở Facebook.

Zuckerberg chỉ vào văn phòng và nói với Lỗ Vĩ: "Đây là ghế của tôi", vị khách đến từ Trung Quốc bèn hỏi: "Tôi có thể ngồi thử không?". Khi ngồi vào bàn làm việc của ông chủ Facebook, Lỗ Vĩ phát hiện cuốn "Tập Cận Bình luận về trị quốc" trên mặt bàn. Cuốn sách này tập hợp những bài phát biểu, diễn văn, diễn thuyết, trả lời, chỉ thị, điện thư của Tập Cận Bình trong 2 năm qua, tổng cộng 79 bài. Bắc Kinh mong muốn thông qua cuốn sách này dư luận có thể hiểu lịch sử văn hóa, chế độ xã hội Trung Quốc cũng như tư tưởng mới của Tập Cận Bình.

Trên bàn làm việc của Zuckerberg, ngoài cuốn sách của Tập Cận Bình ra còn cuốn "Lịch sử phát triển khoa học 500 năm", "Lập nghiệp và đầu tư". Ông chủ Facebook nói với Lỗ Vĩ: "Quyển sách này tôi cũng mua cho cả các đồng nghiệp, tôi muốn họ cũng tìm hiểu chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc". Một số quan điểm nhần cơ hội này cho rằng Zuckerberg đang bợ đỡ Tập Cận Bình, "khấu đầu" trước chính phủ Trung Quốc để mong Facebook có thể xâm nhập thị trường hơn 1,3 tỉ dân này.

Trong khi dư luận Trung Quốc có những quan điểm cho rằng Bắc Kinh quản chặt Internet và đàn áp tự do ngôn luận, thì một số hãng truyền thông phương Tây ví cuốn sách của Tập Cận Bình như cuốn "Ngữ lục Mao Trạch Đông" khi gọi nó là "Sách bìa hồng" hay "tiểu hồng thư". Thậm chí có những người dùng internet ở Trung Quốc còn châm biếm, Zuckerberg sắp xin gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc đến nơi rồi.

Mark Zuckerberg tự tin giao lưu với sinh viên Bắc Kinh bằng tiếng Hán.
Mark Zuckerberg tự tin giao lưu với sinh viên Bắc Kinh bằng tiếng Hán.

Đa Chiều đánh giá, trên thực tế những tháng gần đây nỗ lực của Zuckerberg xâm nhập thị trường Trung Quốc đã được thể hiện rất tốt, ví như anh có thể sử dụng tiếng Hán để giao lưu với sinh viên Trung Quốc. Nhưng dư luận đã xem nhẹ góc độ một tỉ phú trẻ tuổi đang tìm hiểu Trung Quốc, hoặc thậm chí là sở thích cá nhân của anh. Vì vậy sự chỉ trích hay châm biếm của dư luận đối với ông chủ Facebook dường như có mối liên hệ với thái độ của truyền thông phương Tây với Tập Cận Bình.

Đa Chiều cho rằng, hầu hết các thông tin về Tập Cận Bình đều được truyền thông phương Tây "cho lên đầu bảng, đặt vào tầm ngắm" nên việc ông chủ Facebook đọc sách của Tập Cận Bình bị thổi phồng hay chỉ trích cũng là chuyện dễ hiểu. Trong khi báo chí phương Tây đang chỉ trích Tập Cận Bình "đàn áp tự do ngôn luận" thì những hành động như vừa rồi của Zuckerberg khiến người ta khó chịu vì nó không đúng thời điểm.

Bắc Kinh đã từng phải hứng chỉ trích từ phương Tây khi Google buộc phải rút khỏi Trung Quốc cho nên đối với nhiều người, ông chủ Facebook được xem như "đại diện của tự do Internet không nên thỏa hiệp với Trung Nam Hải". Nhưng nếu nhìn từ góc độ kinh tế, Google rút lui chỉ có thiệt thân. Facebook thì khác, Zuckerberg đang nỗ lực rất nhiều, và những bàn tán về việc bao giờ Facebook vào Trung Quốc và vào như thế nào đang ngày càng sôi nổi.

Zackerberg không chỉ tìm cách bắt liên hệ với các đại gia công nghệ thông tin và internet Trung Quốc, thậm chí còn được gặp Vương Kỳ Sơn, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị kiêm Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật trung ương. Khả năng Facebook xâm nhập được vào Trung Quốc ngày càng lớn. Đến lúc đó về mặt tự do internet, phương Tây không có cớ gì để đánh đồng Trung Quốc với Bắc Triều Tiên, Iran nữa, Đa Chiều bình luận.

Tuy nhiên bất luận thế nào phương Tây vẫn còn rất nhiều lo ngại. An ninh mạng đã trở thành một lĩnh vực quan trọng được Trung Nam Hải thành lập hẳn một cơ quan quyền lực để quản lý. Trong khi trình bày về quan điểm an ninh quốc gia, an ninh châu Á và lợi ích ngoại giao hay an ninh mạng, Tập Cận Bình đều đặc biệt coi trọng internet. Ông Bình nói muốn thế giới thực sự trở thành một "làng địa cầu", một cộng đồng cùng chung vận mệnh phục thuộc lẫn nhau. Lỗ Vĩ ngay sau đó lại nhấn mạnh đến "chủ quyền internet" của Trung Quốc.

Lỗ Vĩ nhấn mạnh rằng, Mỹ và Trung Quốc đều là 2 cường quốc internet nên cần tôn trọng nhau về mô hình quản lý cũng như lựa chọn, tôn trọng mối quan tâm của nhau về an ninh mạng và sự khác biệt về văn hóa internet.

Những quan điểm này của Trung Nam Hải về internet khiến một bộ phận người Trung Quốc và truyền thông phương Tây cho rằng Trung Quốc đang hạn chế tự do ngôn luận, và Zuckerberg không nên "khấu đầu" trước Tập Cận Bình. Nhưng ông chủ Facebook lại là một doanh nhân, một người biết làm ăn, biết kiếm tiền và có mục đích riêng của mình, Đa Chiều kết luận. 

Hồng Thủy