Đa dạng, linh hoạt các hình thức hợp đồng dầu khí để khuyến khích đầu tư

22/09/2022 14:10
Bắc Dã
GDVN- Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần cân nhắc nhiều hơn đến các cơ chế, biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư.

Để khai thác kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần cân nhắc nhiều hơn đến các cơ chế, biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh mới với những thay đổi của điều kiện tài nguyên, chuyển dịch năng lượng, những biến động, bất định lớn của kinh tế - xã hội toàn cầu, Luật Dầu khí hiện hành đã trở thành “chiếc áo quá chật” kìm hãm sự phát triển của ngành.

Đoàn công tác của Quốc hội thăm Giàn khai thác Đông Đô, cụm mỏ Thăng Long - Đông Đô (Lô 01/97&02/97), tháng 7/2022. Ảnh: PVN

Đoàn công tác của Quốc hội thăm Giàn khai thác Đông Đô, cụm mỏ Thăng Long - Đông Đô (Lô 01/97&02/97), tháng 7/2022. Ảnh: PVN

Để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư cùng vượt qua khó khăn ở những thời điểm giá dầu sụt giảm, hướng tới mục tiêu khai thác kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần cân nhắc nhiều hơn đến các cơ chế, biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư phù hợp với các điều kiện đặc thù của nguồn tài nguyên dầu khí của nước ta. Trong đó, cần tham khảo các thông lệ dầu khí quốc tế tại các quốc giao trên thế giới và trong khu vực.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cho đến nay đã nghiên cứu, xem xét các hình thức hợp đồng mới áp dụng cho các đối tượng như các dự án khuyến khích đầu tư, đặc biệt khuyến khích đầu tư trên cơ sở tham khảo thông lệ dầu khí quốc tế. Đặc biệt, dự thảo Luật cũng đã trao quyền chủ động cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với vai trò là công ty dầu khí quốc gia trong quá trình đàm phán hợp đồng dầu khí với các nhà thầu dầu khí để có các điều khoản thỏa thuận phù hợp với những rủi ro và thách thức cụ thể cho từng đối tượng tài nguyên.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực, có thể thấy mức độ linh hoạt trong việc áp dụng các hình thức hợp đồng dầu khí của Việt Nam vẫn có phạm vi hẹp trong khuôn khổ hợp đồng chia sản phẩm dầu khí PSC theo cơ chế thu hồi chi phí. Do đó, để tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục xem xét, tham khảo kinh nghiệm của các nước bạn trong khu vực, trong việc đa dạng và linh hoạt các hình thức hợp đồng dầu khí phù hợp với các điều kiện đặc thù của từng loại tài nguyên.

Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình thông tin về các thông lệ dầu khí quốc tế tại Tọa đàm “Luật Dầu khí sửa đổi phục vụ mục tiêu phát triển”. Ảnh: PVN

Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình thông tin về các thông lệ dầu khí quốc tế tại Tọa đàm “Luật Dầu khí sửa đổi phục vụ mục tiêu phát triển”. Ảnh: PVN

Tại Tọa đàm “Luật Dầu khí sửa đổi phục vụ mục tiêu phát triển” do Petrovietnam tổ chức mới đây, Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình đã đưa ra một số ví dụ cụ thể, như đối với các mỏ dầu khí cận biên, có thể xem xét áp dụng hình thức hợp đồng dịch vụ rủi ro (RSC).

Thực tế áp dụng tại Malaysia, RSC đem lại nhiều lợi ích và thuận lợi cụ thể cho Nhà thầu trong việc phát triển mỏ cận biên. Hợp đồng dịch vụ rủi ro (RSC) giúp nhà thầu giảm thiểu rủi ro hơn so với các điều khoản tài chính khác trong hợp đồng dịch vụ rủi r Malaysia.

Trong trường hợp hết hạn hợp đồng mà nhà thầu chưa thu hồi hết chi phí, nhà thầu sẽ được hoàn trả tương ứng các chi phí chưa thu hồi sau khi dự án kết thúc. Thêm vào đó tỷ lệ thu hồi chi phí trong hợp đồng dịch vụ rủi r được bảo đảm tối thiểu là 70% và có thể tăng thêm. Nếu nhà thầu đảm bảo khai thác đủ sản lượng khai thác đã cam kết, nhà thầu sẽ được áp dụng tỷ lệ thu hồi chi phí 100% đối với các chi phí đầu tư đã bỏ ra.

Trong bối cảnh tiềm năng dầu khí trong nước ngày càng hạn chế, công tác tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí không đảm bảo bù cho sản lượng dầu khí khai thác hàng năm . Trong khi đó, hầu hết các mỏ dầu khí đang khai thác ở nước ta đã bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng và dần cạn kiệt (Bạch Hổ, Lan Tây, Lan Đỏ,…).

Vì vậy, việc xem xét tham khảo các thông lệ dầu khí quốc tế tốt tại các quốc gia trên thế giới và trong khu vực để điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với các điều kiện đặc thù của nguồn tài nguyên dầu khí của Việt Nam là rất cần thiết.

Điều này cần được thể hiện rõ trong nội dung dự thảo Luật dầu khí sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 10 sắp tới; hướng tới mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, để khai thác kịp thời và sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.

Bắc Dã