Đà Nẵng làm gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn vào các khu phong tỏa?

29/08/2021 06:10
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tạo sự thông thoáng trong lưu thông hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng vận chuyển đến tay người dân một cách nhanh nhất sẽ giảm nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài việc siết chặt, kiểm tra các nguồn hàng thực phẩm cung cấp cho người dân thì Ban quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng cũng phải thường xuyên kiểm tra các suất ăn, bếp ăn dành cho các F1, F2 ở khu cách ly, các khu công nghiệp và suất ăn ở các bệnh viện.

Bởi ở những “điểm nóng” này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong điều kiện dịch bệnh khiến nguồn cung thiếu và yếu.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Trước những phản ánh của người dân về tình trạng thực phẩm cung cấp cho các khu phong tỏa, cách ly trên địa bàn thành phố không đảm bảo chất lượng, tồn tại nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng cho biết, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những vấn đề quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Công an Đà Nẵng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các điểm cung ứng hàng hóa, thực phẩm sạch cho người dân. Ảnh: CTV

Công an Đà Nẵng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các điểm cung ứng hàng hóa, thực phẩm sạch cho người dân. Ảnh: CTV

Trên cơ sở phân tích tình hình nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho thành phố trong điều kiện hiện nay khi nhiều cơ sở lò mổ, chợ… bị đóng cửa, ông Hải chỉ ra những mối nguy cơ tiềm ẩn mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố luôn đặt ra yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực và an toàn thực phẩm phải đi liền với nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều chợ truyền thống phải đóng cửa, các điểm cung ứng thịt, cá… bị đứt đoạn.

Ngoài nguồn hàng dự trữ thì thành phố cũng phải tìm các nguồn cung ứng hàng từ các tỉnh bên ngoài vào. Hàng từ các tỉnh đổ về phải qua nhiều chốt, rồi chuyển về từng tổ dân phố mới đến tận tay người dân thì phải mất một quãng thời gian khá dài.

Chưa kể vấn đề nhân lực, vật lực không đủ khiến quá trình bảo quản, vận chuyển cũng khó khăn hơn. Tất cả những yếu tố trên khiến cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tồn tại nhiều nguy cơ”.

Ông Hải cho rằng, để giải quyết những mối nguy cơ này thì trong thời gian qua, thành phố đã đưa ra nhiều đối sách quan trọng.

Trong đó, có phương án chủ động tìm các nguồn hàng cung ứng đảm bảo, được kiểm soát chặt chẽ, đa dạng nguồn cung (từ các lò mổ, cảng cá trong khu vực).

Tạo sự thông thoáng trong lưu thông hàng hóa để đảm bảo nguồn hàng được vận chuyển đến tận tay người dân một cách nhanh nhất. Đa dạng các kênh phân phối.

“Thành phố đang rà soát và từng bước mở cửa trở lại một số chợ truyền thống đảm bảo an toàn chống dịch để tăng thêm kênh phân phối hàng cho người dân.

Khi đã đa dạng hóa được các kênh phân phối thực phẩm, đa dạng nguồn hàng… tiến tới đảm bảo vấn đề thực phẩm cho người dân thì các nguy cơ về mất vệ sinh thực phẩm cũng sẽ giảm dần”, ông Hải nói.

Cũng theo Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng thì thành phố đã thành lập 4 đoàn kiểm tra do các Sở, ngành đảm nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát vấn đề an ninh và an toàn thực phẩm tại các quận, huyện trên địa bàn.

Xử phạt nặng các doanh nghiệp cung cấp “hàng bẩn”

Ngoài việc đảm bảo an toàn thực phẩm từ các chuỗi cung ứng thìBan quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các suất ăn dành cho các bệnh nhân tại các khu cách ly tập trung, bếp ăn cho công nhân thực hiện “3 tại chỗ” tại các khu công nghiệp, bệnh viện.

Đà Nẵng tăng thêm nhiều kênh phân phối để đảm bảo thực phẩm đến tận tay người dân một cách nhanh nhất. Ảnh: CTV

Đà Nẵng tăng thêm nhiều kênh phân phối để đảm bảo thực phẩm đến tận tay người dân một cách nhanh nhất. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng nhận định, nếu không giám sát chặt chẽ các bếp ăn này thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm với quy mô lớn.

“Hiện Ban đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó, có một đoàn thường xuyên giám sát các bếp ăn ở những địa điểm nói trên.

Một đoàn khác thì thường xuyên kiểm tra các siêu thị, chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm lưu động… trên toàn thành phố nhằm bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt. Tại những nơi này, ngoài kiểm tra thì các đoàn cũng sẽ hướng dẫn cơ sở phương pháp bảo quản, lưu trữ, vận chuyển thực phẩm an toàn.

Để thực hiện tốt chức năng giám sát thì Ban cũng thường xuyên liên lạc, kết nối với người dân ở trong các khu cách ly, phong tỏa để nắm thông tin xem thực phẩm cung cấp có đảm bảo an toàn không…”, ông Hải thông tin thêm.

Sắp tới, Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng sẽ tăng cường giám sát thêm các chợ khi mở cửa trở lại, các cửa hàng tạp hóa… để tránh việc bán hàng hết hạn, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

“Đối với những doanh nghiệp cung ứng thực phẩm vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì chúng tôi sẽ nhắc nhở, xử lý kịp thời”, ông Hải khẳng định.

Nhằm đảm bảo nguồn cung thịt tươi sống cho người dân thành phố, Đà Nẵng đã cho phép lò mổ Đà Sơn (trước đây đóng cửa vì có ca nhiễm) hoạt động trở lại với hình thức làm việc "3 tại chỗ", tiêm vắc xin cho người lao động và xét nghiệm SARS-CoV-2 với phương pháp RT - PCR để đảm bảo phòng dịch.

Bên cạnh đó, Công an Đà Nẵng cũng đã bố trí vị trí của 30 container do Công an thành phố huy động để bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu bình ổn giá cho nhân dân toàn thành phố theo nguồn hàng hóa do Công an thành phố huy động không thông qua các doanh nghiệp cung ứng, các siêu thị.

AN NGUYÊN