Đa số học sinh đều e ngại, ít dám lên tiếng trong buổi họp của Hội đồng trường

17/02/2022 06:58
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu đại diện học sinh tham gia hội đồng trường, cần giao thêm quyền thu thập ý kiến, nhu cầu của học sinh toàn trường về các vấn đề quản trị của nhà trường.

Tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định thành phần của hội đồng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học với sự góp mặt của học sinh, đã khiến nhiều người lo ngại về vai trò của thành viên "ăn chưa no, lo chưa tới".

Trong khi đó, vai trò của hội đồng trường là quyết định về phương hướng chiến lược cũng như thực hiện giám sát các hoạt động của nhà trường.

Dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng cần sửa đổi để làm rõ hơn vai trò của học sinh, hoặc loại bỏ thành viên này khỏi hội đồng trường.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Phương, nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá giáo dục – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Lan Phương. (Ảnh: NVCC)

Phó giáo sư Nguyễn Thị Lan Phương. (Ảnh: NVCC)

Học sinh trong hội đồng trường "yếu" tiếng nói

Phó giáo sư Lan Phương nhận định, học sinh là đối tượng trung tâm của giáo dục, việc qui định có đại diện học sinh trong hội đồng trường là một trong các biện pháp để “bảo đảm việc tham gia của người học, gia đình và xã hội trong quản lý nhà trường” (theo Khoản 2 Điều 60 Luật Giáo dục 2019).

Khá nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện theo quan điểm “cá nhân hóa trong giáo dục”. Ở đó, mọi người học đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện chính sách dân chủ trong cơ sở giáo dục.

Ở một số trường mà Phó giáo sư Lan Phương từng đi thực tế, họ đều thành lập hội đồng trường với đầy đủ các thành phần (bao gồm cả học sinh) theo quy định. Tuy nhiên, đa số học sinh đều e ngại, ít dám lên tiếng trong các buổi họp của Hội đồng trường.

“Qua chia sẻ với ban giám hiệu một số trường trung học cơ sở cho thấy học sinh ở khu vực Tây Nguyên khi là thành viên trong hội đồng trường thường mạnh dạn nói lên những ý kiến của mình về việc thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Trong khi học sinh miền Bắc dường như rụt rè hơn”, Phó giáo sư Phương chia sẻ.

Có ý kiến cho rằng, đối với những nội dung cơ bản trong trường học (như chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch, mục tiêu phát triển nhà trường, các dự án; quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường; giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, hay huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực của nhà trường;…) đòi hỏi sự biểu quyết của thành viên hội đồng trường, thì đại diện học sinh lại tỏ ra bất cập. Liệu có đúng không?

Trước băn khoăn này, nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá giáo dục nhận định, đây là một thực tế, bởi học sinh chỉ có thể có ý kiến về kế hoạch giáo dục, cách thức dạy và học trong trường học, những vấn đề về quản trị trường học vượt quá khả năng của các em.

“Cùng lắm là học sinh có ý kiến về việc cải tiến cách dạy, cách học các môn học, nhưng chủ yếu mang tính chất cá nhân hoặc nhóm nhỏ, bởi các em chưa có điều kiện, hoặc chưa biết cách thu thập nhu cầu của toàn thể học sinh trong trường”, Phó giáo sư Lan Phương nói.

Cũng theo Phó giáo sư Lan Phương, Hội đồng trường là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan, trong đó học sinh là đối tượng liên quan quan trọng nhất, nên có thành phần học sinh trong Hội đồng trường là cần thiết.

Tuy nhiên, do Hội đồng trường chịu trách nhiệm quyết định phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực của nhà trường, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục,… Những trách nhiệm này quá lớn, vừa vượt quá tầm hiểu biết của học sinh, vừa tạo áp lực cho đại diện học sinh.

Cần cho các em học sinh thêm quyền

Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Lan Phương, nếu Thông tư đã quy định học sinh là một trong các thành viên của hội đồng trường thì cần bổ sung thêm nhiệm vụ và quyền hạn của học sinh như việc bầu đại diện tham gia nhà trường, hay lấy ý kiến của tập thể học sinh trong trường.

“Điều 34 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT qui định 5 nhiệm vụ của học sinh, trong đó không có nhiệm vụ nào qui định việc học sinh phải cử đại diện tham gia Hội đồng trường. Nếu đại diện học sinh tham gia hội đồng trường, thì cần giao thêm quyền thu thập ý kiến, nhu cầu của học sinh toàn trường về các vấn đề quản trị của nhà trường”, Phó giáo sư Nguyễn Lan Phương nói.

Phó giáo sư Lan Phương cho rằng, chỉ nên để học sinh tham gia ở một số vấn đề phù hợp với nhiệm vụ và quyền lợi của các em, đó là: quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ trong học sinh. Còn nhìn chung, học sinh chưa có khả năng thẩm thấu các vấn đề chiến lược, chính sách, tài chính, thanh tra, giám sát,… tại cuộc họp của hội đồng trường.

"Việc đưa học sinh vào trong hội đồng trường là việc làm cần thiết để thực hiện dân chủ trường học. Tuy nhiên, cần phải tạo cho các em có tinh thần dân chủ hóa ngay từ môi trường giáo dục mầm non", bà Phương nhấn mạnh.

Mạnh Đoàn