Đại gia Việt “xuất ngoại”: Tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế

15/01/2014 07:22
Hoàng Lực
(GDVN) - Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế khi lần lượt nhiều doanh nghiệp Việt đã mở đường tìm kiếm thị trường nước ngoài cho chiến lược kinh doanh dài lâu.

Năm 2013 qua đi nền kinh tế vẫn đầy rẫy những khó khăn, trong khi nhiều doanh nghiệp đang loay hoay tìm lối thoát thì những tin vui từ “đại gia Việt” như Vinamilk (VNM), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), FPT… với những thành công được ghi nhận ở thị trường ngoại là điểm sáng nền kinh tế lúc này.

Vinamilk vừa chính thức công bố, công ty đã nhận được đăng ký kinh doanh tại Campuchia, đây chỉ là một trong chuỗi kế hoạch “xuất ngoại” của đại gia sữa Việt. Với việc thành lập Angkor Dairy Products có vốn đăng ký khoảng 420 tỷ đồng tại Campuchia sau động thái rót thêm tiền cho dây chuyền sản xuất sữa tươi tại New Zealand lên 14,4 triệu USD, Vinamilk đang tiến tới chiếm lĩnh thị phần sữa tại đất nước chùa tháp trong tương lai không xa.

Đại gia Việt “xuất ngoại” điểm sáng nền kinh tế. Ảnh minh họa.
Đại gia Việt “xuất ngoại” điểm sáng nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Cùng với đó quyết định chi 7 triệu USD mua công ty sữa của Mỹ là Driftwood Dairy hồi đầu tháng 12/2013 để mở rộng thị trường là một điểm nhấn trong hoạt động của doanh nghiệp này trong năm nay.

Một đại gia khác thành công khi “xuất ngoại” là Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức. Tuy tuyên bố rút khỏi lĩnh vực BĐS ở Việt Nam nhưng ai cũng biết Bầu Đức luôn có cái lý của mình. Đó là việc khởi công một dự án quy mô rất lớn hàng trăm triệu USD ở giữa trung tâm Myanmar từ đầu năm 2013, và dự kiến hoàn thành trong vòng 14 tháng.

Đánh giá hướng đầu tư BĐS của Bầu Đức tại thị trường Myanmar, TS Phạm Sỹ Liêm cho biết: HAGL là nhà đầu tư với mục đích kinh doanh kiếm lời vì thế sẽ không bất ngờ khi HAGL đến đầu tư BĐS tại Myanmar một thị trường tiềm năng. Nhất là trong bối cảnh ngày nay khi Việt Nam đã hội nhập khu vực và hội nhập quốc tế.

“Đây là điều đáng mừng, cần khuyến khích bởi vì doanh nghiệp Việt Nam khi tìm được thị trường mới mẻ nhiều tiềm năng, HAGL đã đi trước một bước để đầu tư xây dựng dự án BĐS. Sẽ có lúc BĐS Myanmar mang lại siêu lợi nhuận như Việt Nam trước đây”, TS Liêm nhận định.

Tuy nhiên, theo TS Liêm: “Khi kinh doanh ở nước ngoài dù sao phải thận trọng hơn trong nước nhất là mặt pháp lý và tập quán sinh hoạt của nước sở tại, các doanh nghiệp cần phải có tư vấn pháp lý. Đồng thời tính toán nguy cơ đổ vỡ, cần phải nhận định đúng thị trường, đầu tư đúng hướng”.

Đây không phải lần “xuất ngoại” đầu tiên của HAGL, trước đó từ năm 2007 HAGL đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ với các dự án trồng cao su, mía tại Lào. Bầu Đức cũng chi mạnh tay cho 3 dự án tại Campuchia là cảng Nam Hải Đình Vũ, dự án cao su của Pacific Pearl và dự án cao su của Pacific Lotus.

Hoạt động cảng biển, cho thuê văn phòng… tiến triển tốt đã góp phần giúp doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch vươn mình ra nước ngoài.

Trong khi đó các doanh nghiệp trong nước khác cũng dần vươn cánh tay ra nước ngoài, đầu tư các dự án ở nhiều nước trên thế giới như Bóng đèn Điện Quang (DQC) tại Venezuela, CT Group tại Myanmar, Sông Đà với thủy điện tại Lào, FPT tại Nhật, Gốm sứ Minh Long tại Czech, Viettel….

Nhận định xu hướng đầu tư ra nước ngoài với những thành công bước đầu của doanh nghiệp trong nước, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc doanh nghiệp Việt tìm kiếm thị trường ngoài nước là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế. Đồng thời việc doanh nghiệp Việt “xuất ngoại” mang lại nhiều điều có lợi cho bản thân doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thứ nhất cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường nước ngoài một cách trực tiếp, nhanh nhạy để đáp ứng thông tin xử lý thị trường quốc tế. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay giới hạn phân biệt, phân tách thị trường trong nước và nước ngoài rất mỏng và rất mờ vì vậy chuyện một doanh nghiệp phải lập kế hoạch đầu tư ra nước ngoài là điều đương nhiên.

Thứ hai khi doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài cho phép doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn, phát triển được hệ thống phân phối thu hút đối tác nước ngoài vào trong nước

Thứ ba lợi nhuận doanh nghiệp thu được là USD, ngoại tệ mang lại cho Việt Nam.

“Bên cạnh đó nó cũng mang lại lợi về mở rộng sản xuất, từ đó đưa người Việt ra nước ngoài sản xuất điều này vừa giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động trong nước và mang lợi nhuận về điều này thấy rõ ở doanh nghiệp dệt may của Việt Nam tại Nga”, ông Phong cho biết thêm.

Hoàng Lực