Đại học Đà Nẵng lý giải 90% sinh viên có việc làm sau khi ra trường

20/09/2017 06:39
Tấn Tài
(GDVN) - Hơn 90% sinh viên được khảo sát đã có việc làm ổn định, phù hợp với chuyên môn sau một năm tốt nghiệp.

Thông tin trên vừa được Đại học Đà Nẵng đưa ra tại buổi họp báo đầu năm học mới 2017 – 2018 với sự tham gia của lãnh đạo các trường đại học thành viên, các Khoa, Viện.

Trên 90% sinh viên ra trường có việc làm

Thời gian qua, Đại học Đà nẵng đã dần hoàn thiện cơ cấu, mô hình đại học vùng đa lĩnh vực theo hướng nghiên cứu. Tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ tăng cao, đạt tỷ lệ 29,6% giảng viên đại học có trình độ Tiến sĩ.

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau một năm tốt nghiệp của Đại học Đà Nẵng là hơn 90%.
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau một năm tốt nghiệp của Đại học Đà Nẵng là hơn 90%.

Chất lượng đào tạo tiếp tục được nâng cao với nhiều chương trình tiên tiến, chất lượng cao được kiểm định và công nhận đạt chuẩn quốc tế.

“Năm học qua, Đại học Đà Nẵng đã thường xuyên gắn kết, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Tham khảo ý kiến và nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường lao động để điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo hướng giảm dần các ngành đang dư thừa, tăng cường các ngành kỹ thuật – công nghệ, chương trình tiên tiến, chất lượng cao đã được kiểm định và thị trường có nhu cầu tuyển dụng cao.

Đảm bảo tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong và ngoài nước”, Giáo sư Trần Văn Nam – giám đốc Đại học Đà Nẵng thông tin.

Với cách làm trên, hơn 90% sinh viên được khảo sát của Đại học Đà Nẵng đã có việc làm ổn định, phù hợp với chuyên môn sau một năm tốt nghiệp.

Lý giải về con số 90% sinh viên ra trường có việc làm của Đại học Đà Nẵng, Giáo sư Nam cho rằng, đối với các trường đại học thì đào tạo ra sinh viên có việc làm là ưu tiên và quan tâm hàng đầu. Vì đào tạo ra mà sinh viên không có việc làm thì rõ ràng là thất bại.

Sinh viên ra trường có việc làm được hiểu rằng, các em làm việc ở các cơ quan sở ban, ngành, doanh nghiệp, các em tự tạo ra việc làm…. Chứ không phải là làm các công việc tạm thời, không đúng chuyên ngành đào tạo cũng được đánh giá là có việc làm.

“Hai năm qua, Đại học Đà Nẵng đã tiến hành kiểm định chất lượng. Và một trong những tiêu chí kiểm định là sinh viên ra trường có việc làm”, giáo sư Nam nói.

Theo đó, nhà trường cung cấp số liệu thống kế và đơn vị kiểm định sẽ tính xác suất. Ví dụ như có 1.000 sinh viên ra trường thì đơn vị này sẽ liên lạc với vài trăm người và trực tiếp phỏng vấn, đánh giá.

Đoàn khảo sát sẽ đánh giá có bao nhiêu % có việc làm khi tốt nghiệp, sau 6 tháng có bao nhiêu % có việc làm và sau 1 năm thì bao nhiêu.

Tỷ lệ sinh viên ra trường sau một năm có việc làm của các trường Đại học thành viên (Đại học Đà Nẵng) như sau:

Đại học Bách Khoa: 96%, Đại học Kinh tế: 96,6%, Đại học Sư phạm: 73,5%, Đại học Ngoại ngữ: 100%, Phan hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kontum: 88%.

Đối với các trường cao đẳng thì tỷ lệ sinh viên có việc làm sau ra trường của Đại học Đà Nẵng là: Cao đẳng Công nghệ: 65%, Cao đẳng Công nghệ thông tin: 94,1%.

Theo giáo sư Nam, cũng như nhiều trường đại học khác, Đại học Đà Nẵng chỉ khảo sát tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chứ không khảo sát số lượng sinh viên thất nghiệp.

Đãi ngộ thu hút cán bộ trẻ về trường

Trước thực trạng nhiều cán bộ, giảng viên nhà trường được cử đi nước ngoài đào tạo sau đó không trở về trường phục vụ như cam kết, gây lãng phí ngân sách, thiếu hụt nguồn nhân lực, Giáo sư Nam cho rằng, hiện số lượng giảng viên của Đại học Đà Nẵng đi học nước ngoài theo các dạng học bổng, đề án 911 rất đông.

Và để hạn chế việc giảng viên ở lại nước ngoài, nhà trường đã có nhiều giải pháp để  tăng cường hợp tác, kết nối chặt chẽ với du học sinh. Trong đó, có việc phối hợp  nghiên cứu khoa học của giảng viên ở nước ngoài với nhà trường.

“Khi các em đi du học trở về thì trường cũng có chính sách hỗ trợ để giảng viên sớm ổn định cuộc sống, yên tâm công tác như: hỗ trợ nhà ở, thuê chung cư giá rẻ của thành phố. Đồng thời, tạo điều kiện cho các em có thêm thu nhập”, thầy Nam cho hay.

Thầy Nam cũng chia sẻ rằng, nhà trường đã suy nghĩ rất nhiều về việc giảng viên đi học không về? Nên Đại học Đà Nẵng luôn cố gắng tạo môi trường làm việc tốt nhất cho giảng viên trở về cống hiến.

“Nếu so với các trường đại học khác thì số lượng giảng viên du học phá vỡ cam kết của Đại học Đà Nẵng không nhiều. Tuy nhiên, nhà trường cũng đã có một số cam kết bằng hợp đồng ràng buộc giữa ba bên là: nhà trường, học viên và gia đình học viên.

Theo đó, khi phá vỡ cam kết, ở lại định cư nước ngoài thì giảng viên phải có đền bù thỏa đáng. Ngược lại, Đại học Đà Nẵng cũng nhận được rất nhiều giảng viên không phải do nhà trường cử đi nhưng đến làm việc cho trường. Đó là may mắn”, thầy Nam chia sẻ.

Tại buổi họp báo, Đại học Đà Nẵng cũng đã nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới 2017-2018. Trong đó khẳng định quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu trở thành đại học định hướng nghiên cứu, có thứ hạng trong top 5 đại học Việt Nam và top 500 đại học hàng đầu Châu Á trước năm 2025.

Tấn Tài