Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo về Chương trình phát triển bền vững vùng Tây Bắc

23/07/2020 13:49
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Bắc là cơ sở quan trọng để phục vụ đầu tư và quản lý, không chỉ đối với quốc gia, các ban, bộ, ngành mà còn với các tỉnh.

Ngày 23/7, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế trung ương;

Ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

Ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Cùng tham dự Hội nghị có các đại biểu đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành, cơ quan; đại diện lãnh đạo 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc và đông đảo các nhà khoa học.

Ngày 23/7, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020. (ảnh: VNU)

Ngày 23/7, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020. (ảnh: VNU)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – Nguyễn Kim Sơn cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội với tư cách là cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu cả nước, được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tin tưởng giao phó thực hiện nhiều chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn cấp quốc gia.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn y và Bộ Khoa học công nghệ giao Đại học Quốc gia Hà Nội làm cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) giai đoạn 2013-2018, Chương trình được tiếp tục được kéo dài đến tháng 6/2020.

Chương trình có nhiệm vụ nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tổng hợp, liên ngành, hướng tới giải quyết các các vấn đề cấp bách của quốc gia tại địa phương vùng Tây Bắc theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển Kinh tế - Xã hội và đảm bảo Quốc phòng, An ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến 2020” và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, sau 07 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển nhân lực, kinh tế, xã hội bền vững theo hướng bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Bắc.

Cụ thể, chương trình đã điều phối, thu hút 40 tổ chức và tổng số 600 nhà khoa học đăng ký tham gia chủ trì thực hiện đề tài đến từ nhiều tổ chức khoa học công nghệ trong cả nước.

Có 200 tổ chức khoa học lớn tham gia phối hợp thực hiện, trong đó có 12 sở ngành thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc. Toàn bộ 58 đề tài, dự án thuộc chương trình được tiến hành dựa trên cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao, các phương pháp nghiên cứu, triển khai, cách tiếp cận phong phú, đa dạng, hiện đại, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ.

Chương trình đã mang lại kết quả khoa học có giá trị, làm cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô nghiên cứu trong giai đoạn sắp tới, góp phần xây dựng, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút các nguồn nhân lực khác, phát huy thế mạnh các nguồn lực tự nhiên trong chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

“Kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Bắc là cơ sở quan trọng để phục vụ đầu tư và quản lý, không chỉ đối với quốc gia, các ban, bộ, ngành mà còn với các tỉnh và là nhu cầu bức thiết đối với nước ta trong thời kỳ đổi mới hiện nay”, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nói.

Ngoài ra, tính đến nay Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã kịp thời tổng hợp, chọn lọc các kết quả đạt được từ Chương trình Tây Bắc để:

Góp ý các dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ của một số tỉnh vùng Tây Bắc nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo tư vấn phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2020-2025 cho các tỉnh vùng Tây Bắc;

Đặc biệt đã đề xuất với Ban Kinh tế Trung ương về Quan điểm và Giải pháp về Phát triển bền vững vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Nhìn nhận những kết quả của Chương trình, Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ - Chu Ngọc Anh cho rằng, sau 7 năm thực hiện Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020 đã chỉ ra rằng, vùng Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng chưa được khám phá và phát huy tốt để phát triển.

Tây Bắc vẫn là vùng còn nhiều khó khăn về kinh tế- xã hội, chịu nhiều tác động ngày càng lớn bởi biến đối khí hậu.

Nhiều sản phẩm được sản xuất trong thời gian triển khai Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020 (ảnh: VNU)

Nhiều sản phẩm được sản xuất trong thời gian triển khai Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020 (ảnh: VNU)

“Trong thời gian tới, việc tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ góp phần tạo nên một nền tảng, một đòn bẩy tri thức - công nghệ - văn hóa - xã hội mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong vùng”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Sau đây là một số kết quả nổi bật của chương trình “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020:

55 đề tài, 03 dự án sản xuất thử nghiệm;

31 đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp và địa phương;

21 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ; 11 sản phẩm được công nhận độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích và tiến bộ kỹ thuật; 05 sản phẩm được thương mại hoá;

Hơn 20.000 đơn vị sản phẩm thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng được sản xuất thử nghiệm theo quy chuẩn;

42 mô hình thử nghiệm, mô hình trình diễn phục vụ sinh kế, mô hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đặc biệt, Chương trình đã chuyển giao cho 14 tỉnh vùng Tây Bắc và các Bộ/Ban/ Ngành trung ương:

56 quy trình công nghệ trong lĩnh vực y dược; chế biến thực phẩm; quy trình kỹ thuật trong trồng trọt; chăn nuôi; xử lý ô nhiễm môi trường; phát triển năng lượng mới; hồ sơ thiết kế hệ thống máy móc và dây chuyền sản xuất trong nông nghiệp.

64 báo cáo kiến nghị các chính sách phát triển ở tầm vĩ mô của vùng; kiến nghị giải pháp cho từng địa phương cụ thể trên tất cả các lĩnh vực thể chế, văn hoá, xã hội, kinh tế, tài nguyên môi trường, an ninh quốc phòng...

22 hệ thống bản đồ trong các lĩnh vực quy hoạch phát triển bền vững; không gian văn hoá lịch sử, dân tộc; định hướng phát triển sinh kế bền vững, du lịch sinh thái gắn với di sản tự nhiên...

39 sổ tay, cẩm nang hướng dẫn các quy trình sản xuất và thực thi giải pháp, kỹ năng hoạt động; các bộ công cụ, bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực phát triển; bộ cơ sở dữ liệu liên ngành 14 lĩnh vực hoạt động vùng Tây Bắc...

42 mô hình thử nghiệm, mô hình trình diễn phục vụ sinh kế, mô hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thùy Linh