Đài Loan sẽ không nhắc đến đường lưỡi bò sau phán quyết của PCA?

11/07/2016 06:48
Hồng Thủy
(GDVN) - Điều này nếu xảy ra, là đóng góp lớn nhất của Đài Loan vào việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Thời báo Tự Do của Đài Loan ngày 10/7 đưa tin, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS 1982) ở Biển Đông vào ngày mai, nhà lãnh đạo Đài Loan, Tiến sĩ Thái Anh Văn sẽ chính thức lên tiếng.

Hiện tại các cơ quan chức năng Đài Loan đã và đang nghiên cứu các phương án phản ứng tùy theo các tình huống phán quyết của PCA có thể xảy ra. Nếu phán quyết của PCA động đến vấn đề "chủ quyền" thì bà Thái Anh Văn sẽ trực tiếp lên tiếng nhấn mạnh yêu sách "chủ quyền của Đài Loan", đồng thời cam kết bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Tiến sĩ Thái Anh Văn, ảnh: thewildeast.net.
Tiến sĩ Thái Anh Văn, ảnh: thewildeast.net.

Tuyên bố của Đài Loan sau phán quyết của PCA sẽ nhấn mạnh 3 nội dung chính: Một là nhấn mạnh vai trò của Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNLCOS 1982, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Hai là, bày tỏ thái độ của Đài Loan lấy làm tiếc rằng toàn bộ quá trình tố tụng tại PCA đã không được thông báo đầy đủ cho Đài Loan với tư cách một bên liên quan.

Ba là, Đài Loan kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế, ngồi lại với nhau đàm phán, thảo luận tìm ra cách giải quyết tranh chấp, hoặc gác lại tranh chấp cùng khai thác, bảo vệ hòa bình ổn định của khu vực.

Đáng chú ý, từ các nguồn tin thân cận với chính quyền của Tiến sĩ Thái Anh Văn, Thời báo Tự Do cho biết, tuyên bố của Đài Loan sẽ không nhắc đến đường 11 đoạn (Trung Quốc cắt bỏ 2 đoạn thành đường lưỡi bò yêu sách của họ) với khái niệm đi kèm là "lãnh thổ cố hữu" của Đài Loan.

Cá nhân người viết cho rằng, nếu Đài Loan không nhắc đến đường lưỡi bò (đường 11 nét, đường chữ U) ở Biển Đông hậu phán quyết của PCA thì điều này thể hiện, chính quyền của Tiến sĩ Thái Anh Văn ứng xử rất văn minh, thượng tôn pháp luật, củng cố thêm lòng tin từ dư luận quốc tế vào phán quyết của PCA trước cơn lốc tuyên truyền xuyên tạc từ Trung Quốc.

Bởi lẽ ngay từ đầu Philippines đã xác định khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông, đặc biệt là đường lưỡi bò, chứ Philippines không kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ và phân định biển.

Việc PCA ra phán quyết tuyên bố đường lưỡi bò không có căn cứ nào trong luật pháp quốc tế nói chung, UNCLOS 1982 nói riêng, do đó nó vô giá trị, đã và đang là mong mỏi, chờ đợi của dư luận.

Có thể xem điều này nếu xảy ra, là đóng góp lớn nhất của Đài Loan vào việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Còn về hiệu lực pháp lý của một số thực thể Philippines nêu ra và đề nghị PCA ra phán quyết xem chúng được hưởng các quy chế hàng hải đến đâu (có hay không có lãnh hải tối đa 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý...), thì trong 15 nội dung Philippines khởi kiện không hề nhắc tới đảo Ba Bình.

Đài Loan sẽ không nhắc đến đường lưỡi bò sau phán quyết của PCA? ảnh 2

Những hiểu lầm về phán quyết của PCA

(GDVN) - PCA không phải nguyên nhân, động lực hay cái cớ để Trung Quốc có hành động leo thang phiêu lưu manh động hơn nữa ở Biển Đông.

Đây là điểm Đài Loan băn khoăn hơn cả, vì hiện tại Ba Bình là đảo tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), hiện do phía Đài Loan chiếm đóng.

Tháng 3 năm nay, Đài Loan thông qua Hội Luật Quốc tế Đài Loan gửi bản "Ý kiến bày tỏ thiện chí đến PCA" nêu vấn đề hiệu lực pháp lý của Ba Bình, người viết cho rằng động tác này là không cần thiết.

Không nằm trong nội dung Philippines khởi kiện hay đề nghị PCA làm rõ, thì cá nhân người viết tin rằng sẽ không có cơ sở nào để PCA ra phán quyết về hiệu lực pháp lý của Ba Bình, tức đảo này có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế hay không.

Đài VOA tiếng Trung Quốc ngày 10/7 bình luận, nếu so với thái độ 3 Không (không tham gia, không chấp nhận và không thừa nhận) của Bắc Kinh với PCA và phán quyết của Tòa quanh vụ kiện này, có thể thấy Đài Loan có thái độ khác hẳn.

Chính quyền Tiến sĩ Thái Anh Văn không những không phủ nhận vai trò của PCA và phán quyết của Tòa như cách làm của Trung Quốc, mà còn không bao giờ dùng thủ đoạn bôi nhọ Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán, hay Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển như cách Trung Quốc đang làm.

Cũng chính bởi thái độ cầu thị, khách quan và thượng tôn pháp luật của Tiến sĩ Thái Anh Văn, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ồ ạt đấu tố bà là "ôm chân Mỹ", bán rẻ (cái gọi là) chủ quyền đối với Biển Đông, đặc biệt là chương trình Hai bờ Eo biển phát sóng trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 6/7.

Tuy nhiên, càng chụp mũ, càng tìm cách bôi nhọ Tiến sĩ Thái Anh Văn thì truyền thông nhà nước Trung Quốc và một bộ phận học giả Đại lục càng lép vế trước nữ lãnh đạo Đài Loan, bởi ý thức thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý và lẽ phải đã đặt Tiến sĩ Thái Anh Văn về phía còn lại của nhân loại văn minh, thay vì đứng chung đội ngũ với những kẻ hiếu chiến, bành trướng.

Còn thông tin hậu phán quyết của PCA, chính quyền Tiến sĩ Thái Anh Văn có thể cho Mỹ thuê đảo Ba Bình làm nơi đóng quân được Khâu Nghị, một nhà bình luận Đài Loan đưa ra trong chương trình phỏng vấn với đài CCTV ngày 6/7, theo cá nhân người viết là một mưu đồ chính trị của Bắc Kinh nhằm hạ bệ uy tín, bôi nhọ danh dự của Tiến sĩ Thái Anh Văn, nhằm phụ họa cho truyền thông Trung Quốc tấn công bà mà thôi.

Hồng Thủy