Dân hao tiền, tốn của đi đòi quyền lợi phải được đền bù nếu họ đúng

14/02/2019 06:28
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo ông Phan Xuân Xiểm, người dân đã bỏ công đi phản ánh, tố cáo chắc chắn sẽ không lao động, sản xuất được và đó là tiền bạc, công sức.

Có chuyên gia đưa ra ý kiến rằng: “Tiếng nói người dân chưa được lắng nghe đúng mức. Câu chuyện Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) tồn tại hơn 20 năm là một minh chứng dẫn đến tích tụ sai lầm”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là những chi phí tiền bạc, thời gian, công sức theo đuổi vụ việc Thủ Thiêm của người dân thì ai chịu trách nhiệm?

Không lẽ, cứ để người dân khổ ải đi đòi quyền lợi để rồi mất tiền, mất công sức nhưng cá nhân và tổ chức liên quan lại vô can?

Ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm vụ trưởng Vụ 1 Ủy ban kiểm tra Trung ương
Ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm vụ trưởng Vụ 1 Ủy ban kiểm tra Trung ương 

Xung quanh câu chuyện này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm vụ trưởng Vụ 1 Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng, vụ việc Thủ Thiêm kéo dài 20 năm là một câu chuyện xót xa.

Theo ông Phan Xuân Xiểm, tại sao lại bưng bít đến như vậy, đến nỗi dân đã vạch ra như chuyện bản đồ quy hoạch. Có phải chính quyền đã “cả vú lấp miệng em”.

Từng cho rằng, chính quyền làm là có cơ sở nhưng cuối cùng lại sai bét. Đây là bài học thấy xót xa mặc dù những cá nhân liên quan dần dần được lôi ra xem xét trách nhiệm.

Dân hao tiền, tốn của đi đòi quyền lợi phải được đền bù nếu họ đúng ảnh 2Đây có phải là bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm đang bị thất lạc không?

Ông Phan Xuân Xiểm phân tích rằng, 20 năm trời nếu tính theo nhiệm kỳ thì có đến 4 nhiệm kỳ.

Nhưng tại sao để tình trạng như vậy, những người được giao gánh vác trọng trách liệu có sám hối, tự vấn lương tâm khi đã không làm đúng trách nhiệm.

Vai trò của cán bộ tiếp dân cần thiết phải được làm rõ.

Qua kinh nghiệm công tác ông Xiểm thấy rằng, có những cán bộ tiếp dân uốn lưỡi theo chỉ đạo, nói theo mà rất ít người dám bộc lộ chính kiến, nói trái ý với cấp cao hơn mình.

Do đó, ông Phan Xuân Xiểm nhấn mạnh: “Vấn đề Thủ Thiêm cần công khai những cán bộ tiếp dân đã không làm đến nơi đến chốn.

Cần xem xét trách nhiệm một số đồng chí cán bộ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Cần truy lại ai từng tiếp dân để xem xét trách nhiệm”.

Cũng xoay quanh câu chuyện nhiều bà con Thủ Thiêm khổ sở đấu tranh, ông Phan Xuân Xiểm nêu ý kiến: “Cần phải nghiên cứu để đền bù cho dân. Cụ thể, phải dựa vào Luật Bồi thường nhà nước xem có thể đền bù được không?

Bởi bà con đã bỏ công đi phản ánh, tố cáo chắc chắn sẽ không lao động, sản xuất được và đó là tiền bạc, công sức. Do đó, cần tính lại cho công bằng.

Phải nghiên cứu để tránh việc sau này cố tình chây ì những vấn đề mà dân phản ánh đúng.

Cuối cùng vị này nhấn mạnh: “Cá nhân, tổ chức có thẩm quyền nên đưa ra lấy ý kiến người dân xem ý mọi người thế nào. Những năm tháng ra Hà Nội phản ánh có cần đền bù không.

Người dân họ rất nhân từ và đôn hậu, nếu chính quyền biết sai mà nhận sai tôi nghĩ họ sẽ chia sẻ.

Xử lý vấn đề Thủ Thiêm nên xử lý mẫu mực để làm bài học chung”.

Dân hao tiền, tốn của đi đòi quyền lợi phải được đền bù nếu họ đúng ảnh 3Người dân Thủ Thiêm không “mặc cả” với lãnh đạo

Trước đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 18/10/2018, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai phạm của thành phố trong thời gian qua.

Ông Phong nhấn mạnh đến các hộ dân thuộc 4,3 ha bị cưỡng chế ngoài ranh quy hoạch phải chịu nhiều tổn thất và thiệt thòi, cuộc sống trải qua nhiều vất vả.

“Tận đáy lòng mình, tôi xin chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm”, ông Phong nói.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng cam kết sẽ thực hiện đầy đủ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về những vi phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.  

Ủy ban nhân dân đã lập 2 tổ công tác để giải quyết các vấn đề có liên quan đến chính sách đền bù, giải quyết 11 vấn đề trong và ngoài ranh.

Ông Nguyễn Văn Thạch – hộ dân được mời để đối thoại yêu cầu chính quyền xác định ranh giới khu đất 4,3 ha một cách cụ thể. Nhiều trường hợp trong ranh khu 4,3 ha nhưng bị chính quyền địa phương “bỏ lọt” ra bên ngoài.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong đã lắng nghe tâm tư của người dân và yêu cầu các cơ quan ban ngành phải tiếp thu để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân.

Ông Lê Văn Lung – hộ dân Thủ Thiêm đặt câu hỏi với lãnh đạo, về mặt tính chất thì kết luận Thanh tra Chính phủ không phải để giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại của người dân.

Và khi chưa xác định được ranh giới của khu 4,3 ha theo bản đồ thì căn cứ vào những cơ sở nào để đối chiếu và kết luận nhằm giải quyết cho người dân?

Dân hao tiền, tốn của đi đòi quyền lợi phải được đền bù nếu họ đúng ảnh 4Cán bộ từng vu cho dân Thủ Thiêm khiếu nại sai, đã ai bị xử lý chưa?

Ông Lung nhắc lại thời gian trước đây, từng bị cưỡng chế nhà đất, phải ra Hà Nội để kiện tụng và trải qua gần 20 năm.

Từ việc cuộc sống bị xáo trộn, gia đình ly tán thì không cơ quan chức năng nào nhắc đến và bù đắp những mất mát đó.

Một thế hệ, một cuộc đời và gia đình của ông đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi vì quyết định cưỡng chế sai của chính quyền.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng xác định với lãnh đạo thành phố rằng, không đi đòi lại khu 4,3 ha.

Bà chỉ yêu cầu lãnh đạo thành phố nếu đã giải quyết thì trên tinh thần vì sự ổn định cuộc sống của người dân chứ không nên “áp đặt" người dân để bồi thường.

Bà Phượng nói, người dân đã mất quá nhiều, chồng bà mất khi bị cưỡng chế nhà và cả gia đình phải ly tán. Một thế hệ, cuộc đời bà đã mất tất cả nên không phải vì hôm nay để “mặc cả” với chính quyền.

Bà Kim Diện – một hộ dân của Thủ Thiêm ngày trước nói, cuộc sống của bà đang làm ăn yên ổn thì bị chính quyền cưỡng chế dẫn đến thua lỗ trong kinh doanh. Gia đình bà được hoán đổi căn hộ chung cư với diện tích rộng hơn 47 m2.

Bà Diện không đồng ý và chỉ có duy nhất một sự lựa chọn là chấp nhận đền bù 720 triệu để trang trải nợ nần. Bà muốn trả lại số tiền trên để trở về với nơi mình đã từng ở trước đây.

Trinh Phúc