Dân khốn đốn vì Tổng công ty Sông Hồng được giao làm đường

14/04/2014 11:06
Duy Phong
(GDVN) - Dự án kéo dài qua nhiều năm, gần đây, đơn vị thi công mới tiếp tục triển khai. Tuyến cống T6A Nguyên Hồng đang trở thành nỗi “kinh hoàng”...

Khốn đốn vì làm đường

Nhiều năm nay, người dân ở khu G1 (Tổ 61) và G1B (Tổ 65) bức xúc trước việc dự án tuyến mương T6A-Nguyên Hồng (phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) triển khai ì ạch, kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ. Việc chậm trễ không những gây cản trở lưu thông, khó khăn kinh doanh mà còn gây bụi bặm, tiếng ồn và ngập úng. Được biết, đơn thị thi công tuyến mương T6A là Tổng Công ty Sông Hồng.

Bà Nguyễn Thị Vinh bức xúc trước việc thi công ì ạch.
Bà Nguyễn Thị Vinh bức xúc trước việc thi công ì ạch.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Tổ dân phố 61 (khu G1) bức xúc cho biết: “Đã hơn 3 năm nay, đơn vị thi công cứ ì ạch, cho 1 – 2 máy xúc ủi san san, lấp lấp nhưng mãi chưa xong. Có người ra khỏi nhà bị ngã xuống cống gây thương tích, sau đó phải “bồi dưỡng” tiền triệu, đơn vị thi công mới lấp cái cống trước nhà cho. Trong các cuộc họp, chúng tôi đều có kiến nghị lên Tổ trưởng nhưng không thấy phản hồi gì cả. Bức xúc mà không biết kêu ai…”.

Theo lời giới thiệu của bà Vinh, chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Hữu Chí, Tổ trưởng Tổ 61 (khu Nhà G1) nhưng ông Chí từ chối tiếp và cho rằng: “Tôi không liên quan đến việc này. Càng là tổ trưởng thì càng không nói, muốn biết thì đi hỏi người dân ấy”.

Một hộ kinh doanh hàng tạp hóa ven kênh cho biết: “Mấy năm nay chẳng buôn bán được gì cả, kênh mương cứ ngổn ngang thì ai dám vào đây. Chúng tôi kiến nghị mãi nhưng chưa cơ quan nào giải quyết cả”.

Ông Nguyễn Văn Chư, Tổ trưởng Tổ 65 (G1B) cho biết: “Hình như hết vốn rồi nên Sông Hồng mới dừng lại. Khi thực hiện, họ bảo thi công 26 tháng là xong nhưng giờ đã quá rồi mà vẫn còn ngổn ngang. Người dân kêu ca nhiều lắm, không những mất vệ sinh, ô nhiễm mà rất khó khăn khi đi lại. Đơn vị thi công cứ làm một vài hôm lại nghỉ. Chúng tôi là tổ trưởng nhưng cũng không biết gì về dự án, dân cũng không được bàn. Thực tế năng lực đơn vị thi công có vấn đề, họ toàn thuê thợ là “cửu vạn” vào làm, hỏi cái gì về chuyên môn cũng không biết…”.

Năng lực nhà thầu yếu?

Tuy dự án được triển khai từ trước nhưng đến tận ngày 31/12/2013, các hộ dân nơi đây mới nhận được thông báo của phường Thành Công về việc lấy ý kiến dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ đối với các hộ dân nằm trong phạm vi thu hồi đất để thực hiện Dự án thoát nước - Dự án II hạng mục cải tạo mương T6A.

Tuy nhiên, sau đó phương án này lại không được thực hiện. Ông Nguyễn Văn Chư, Tổ trưởng Tổ 65 cho rằng, để tiết kiệm tiền đền bù nên có thể dự án điều chỉnh để không lấy vào phần đất của dân.

Năng lực của Tổng Công ty Sông Hồng "đang có vấn đề" khiến người dân lo lắng.
Năng lực của Tổng Công ty Sông Hồng "đang có vấn đề" khiến người dân lo lắng.

Gói thầu số 3 là một trong những gói thầu cải tạo hệ thống kênh mương thuộc Dự án thoát nước, cải tạo môi trường TP Hà Nội có giá trị khoảng 500 tỷ đồng bao gồm các công tác cải tạo hệ thống mương, xây dựng hệ thống cống hộp thoát nước, xây dựng đường, hè, cây xanh và chiếu sáng để cải thiện môi trường và giao thông khu vực.

Trong đó, tuyến kênh T6A - Nguyên Hồng là một trong 16 tuyến kênh mương của dự án có chiều dài 702m bắt đầu từ công viên Thành Công đến giáp Đài Truyền hình Hà Nội, giá trị khoảng 50 tỷ đồng với các công việc lắp đặt cống hộp 3m x 2,6m, xây dựng đường 2 làn xe, mặt đường bê tông asphalt, kè lát gạch bờ lốc đến hết chỉ giới, trồng cây xanh và hệ thống chiếu sáng công cộng…

Được biết, dự án thực hiện từ nguồn vốn vay ODA ưu đãi của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và nguồn vốn đối ứng trong nước. Đây là công trình bắt đầu được phê duyệt dự án từ năm 2000, Ban quản lý dự án từ Sở Giao thông Công chính nay là Sở Giao thông Vận tải cùng, đơn vị thi công là Tổng công ty Sông Hồng.

Như đã thông tin, quá khứ Sông Hồng từng là đơn vị sản xuất kinh doanh tiên tiến, đến tháng 5/2010, Tổng công ty Sông Hồng chuyển từ Tổng công ty 100% vốn Nhà nước, trở thành Tổng công ty cổ phần với phần vốn Nhà nước nắm giữ là 73,2%.

Sau thời điểm cổ phần hóa, đơn vị này đã nợ lũy kế 121,6 tỷ đồng cùng với đó lợi nhuận trước thuế hợp nhất của toàn công ty năm 2011 chỉ đạt 2 tỷ đồng, năm 2012 chỉ đạt 5,1 tỷ đồng, một con số khiêm tốn.

Trên hệ thống ngân hàng tính đến ngày 31/3/2014, Tổng công ty Sông Hồng dư nợ tại Ngân hàng Agribank là 150 tỷ đồng và Ngân hàng BIDV là 51 tỷ đồng. Với con số dư nợ trên, mỗi năm Sông Hồng phải trả tiền lãi từ 3 đến 5 tỷ đồng.

Trước thực trạng yếu kém, nợ nần chồng chất và nhiều dự án chậm tiến độ khiến dư luận đang hoài nghi về năng lực của lãnh đạo Tổng công ty Sông Hồng. “Sức khỏe” của Sông Hồng hiện nay như thế nào vẫn đang là những con số "bí ẩn".

Hơn lúc nào hết, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nướccần vào cuộc để điều tra, làm rõ nhằm minh bạch tài chính của Tổng Công ty Sông Hồng.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Năm 2010, Tổng Công ty Sông Hồng từng bị Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh ký quyết định phạt 240 triệu đồng vì liên tiếp chậm trễ tiến độ thi công Nhà thi đấu Thể dục thể thao Đà Nẵng. Trong quyết định ghi rõ, UBND thành phố Đà Nẵng có thể xem xét chấm dứt hợp đồng thi công nếu năng lực thực tế của nhà thầu không đáp ứng tiến độ yêu cầu. Thời điểm này, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản yêu cầu nhà thầu tăng cường ít nhất 200 công nhân để đảm bảo hoàn thành lắp đặt giàn mái, tổ chức thi công ba ca, triển khai công tác hoàn thiện song song với thi công phần thô, tập trung thi công các cột xiên… Tuy nhiên, tiến độ thi công công trình vẫn chậm. Khối lượng thi công hàng tuần chỉ đạt khoảng 70% so với khối lượng được lập. Ngoài Nhà thi đấu, Tổng Công ty Sông Hồng cũng “dậm chân” ở một số công trình trọng điểm khác ở Đà Nẵng.

Duy Phong