Dân xây chòi vịt bị khởi tố, cán bộ gây hậu quả nghiêm trọng thì được... tha

20/07/2016 13:43
QUỐC TOẢN
(GDVN)- Nếu xử lý cán bộ vi phạm không nghiêm, không những người dân mất lòng tin vào cơ quan thực thi pháp luật mà còn khiến tình hình tội phạm có nguy cơ phát triển.

Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng  

Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam”.

Cơ quan điều tra cũng đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 9 bị cáo về “Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”  theo Điều 229 Bộ Luật Hình sự. 

Các bị can trong vụ án gồm: Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc và Vũ Thanh Hải, nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex.

Đỗ Đình Trì, nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát của Công ty Cổ phần nước và môi trường Việt Nam - Bộ Xây dựng (Viwase); Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân, đều nguyên là cán bộ Công ty Viwase.

Hoàng Thế Trung, Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển, nguyên là Giám đốc, Phó giám đốc và Trưởng phòng Vật tư thiết bị - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội.

Đường ống nước số 2 sông Đà: Của rẻ liệu có…ôi? (Ảnh: baochinhphu.vn)
Đường ống nước số 2 sông Đà: Của rẻ liệu có…ôi? (Ảnh: baochinhphu.vn)

Cũng theo kết quả điều tra bổ sung, từ thời điểm năm 2004, các thành viên của Hội đồng quản trị Vinaconex gồm các ông: Phí Thái Bình - Chủ tịch, Nguyễn Văn Tuân, Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình.

Quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử

Từ tháng 2/2012 đến tháng 9/2015, tuyến ống nước sạch sông Đà - Hà Nội bị vỡ 14 lần, khiến doanh nghiệp khai thác phải chi hơn 13,4 tỉ đồng để khắc phục sự cố. Hậu quả những sự cố này khiến doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho Hà Nội trong thời gian 343 giờ, lượng nước ngừng cấp là hơn 1,5 triệu m³, gây ảnh hưởng đến 177.000 hộ.

dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng; lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm để cung cấp sản phẩm composite cho dự án, sản phẩm cung cấp không đảm bảo chất lượng khiến công trình xây dựng liên tục xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng gây hậu quả nghiêm trọng.

5 cựu lãnh đạo Vinaconex vi phạm pháp luật hình sự, đáng ra phải bị khởi tố, truy tố và xét xử, nhưng thật bất ngờ liên ngành tư pháp Trung ương xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật của thành viên Hội đồng quản trị Vinaconex là cả 5 người đều được “tha”, miễn trách nhiệm hình sự. 

Lý do được đưa ra là: “Trong quá trình điều tra, các thành viên của Hội đồng quản trị (trong đó có các ông Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân….) Vinaconex đã khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan công an để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng.

Mặt khác kết quả điều tra không xác định được những người này có động cơ vụ lợi và đây là vi phạm lần đầu”.

Không xử nghiêm sẽ tạo tiền lệ xấu

Liên quan tới sự việc nói trên, hôm 20/7, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc đưa ra lý do, lãnh đạo Vinaconex khai báo thành khẩn, hợp tác làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt… rồi miễn truy cứu trách nhiệm hình sự là không hợp lý.

“Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, do đó, nếu

Dân xây chòi vịt bị khởi tố, cán bộ gây hậu quả nghiêm trọng thì được... tha ảnh 2

Nước sông Đà, chất lượng đường ống là sống còn với cả dân và Viwasupco

đơn vị thực thi pháp luật không nghiêm sẽ khiến người dân mất niềm tin vào cơ quan công quyền...

Tại sao một người dân vi phạm thì xử lý nghiêm, còn cán bộ thì lại xử theo cách rất “khác”?

Xử như vậy còn gì là thượng tôn pháp luật, kỷ cương phép nước?

Chúng ta thường nói không có “vùng cấm” trong việc xử lý cán bộ, nhưng tại sao, trong vụ việc này, cơ quan thực thi pháp luật lại khiến người dân nghi ngờ về tính minh bạch khi thực thi nhiệm vụ? Đó không phải “vùng cấm” thì là cái gì?”.

Mặt khác, nếu miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với lãnh đạo Vinaconex thì ai phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại của người dân, do sự cố vỡ đường ống Sông Đà gây ra?”, PGS.TS Bùi Thị An đặt câu hỏi.

PGS.TS Bùi Thị An (ảnh: Ngọc Quang).
PGS.TS Bùi Thị An (ảnh: Ngọc Quang).

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm đồng cho rằng, cán bộ vi phạm càng ở chức vụ cao càng phải xử lý nghiêm. 

“Không thể lấy lý do, lãnh đạo Vinaconex khai báo thành khẩn, hợp tác làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự được. 

Đây chỉ là những tình tiết giảm nhẹ, chứ không thể làm căn cứ để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó việc không xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những cán bộ vi phạm nêu trên là không thỏa đáng”, ông Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Bá Thuyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng phải công bằng trong việc thực hiện nhiệm vụ, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm những người để xảy ra vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

“Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, do đó, nếu xử lý cán bộ vi phạm không nghiêm, không những người dân mất lòng tin vào cơ quan thực thi pháp luật mà còn khiến tình hình tội phạm có nguy cơ phát sinh và phát triển. 

Những người vi phạm sẽ nghĩ rằng họ có công rồi nên khi làm sai sẽ không bị xử lý hình sự. Điều này sẽ tạo tiền lệ xấu trong công tác quản lý xã hội nói chung”, ông Nguyễn Bá Thuyền nhận định.

Cần phải truy tố, xét xử theo đúng quy định pháp luật

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn cho rằng, những vi phạm của lãnh đạo Vinaconex là rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Luật sư Kiệm viện dẫn, theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 1999:

Điều 3 Bộ Luật hình sự năm 1999 quy định nguyên tắc xử lý:

1. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

2. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. 

Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng.

Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại  gây ra.

3. Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục.

4. Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt trong trại giam, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có nhiều tiến bộ thì xét để giảm việc chấp hành hình phạt.

5. Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hoà nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.

Như vậy hành vi vi phạm của các ông Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân và các thành viên Hội đồng quản trị khác của Vinaconex là rất nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thủ đô liên tục trong một thời gian dài...

Đến nay những sự cố vẫn chưa có phương án khắc phục triệt để, gây bất bình trong dư luận.

Do đó, rất cần phải xử lý nghiêm những vi phạm có tính nghiêm trọng này theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, văn phòng Luật sư Phạm Sơn (ảnh: Nhân vật cung cấp).
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, văn phòng Luật sư Phạm Sơn (ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số lãnh đạo Vinaconex là trái pháp luật.

Luật sư Kiệm viện dẫn, về miễn trách nhiệm hình sự tại Điều 25 Bộ Luật hình sự năm 1999 quy định về Miễn trách nhiệm hình sự như sau:

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

2. Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

3. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.

Từ quy định trên cho thấy các ông Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân… không thuộc đối tượng được miền trách nhiệm hình sự.

Do vậy lý do được cơ quan có thẩm quyền đưa ra để không truy cứu trách nhiệm hình sự lãnh đạo Vinaconex là không có căn, trái quy định pháp luật. 

Việc không truy tố, xét xử các đối tượng trên là xâm phạm đến tinh thần thượng tôn pháp luật, tạo tiền lệ và dự luận xấu trong suy nghĩ của người dân rằng, có tiền là có thể được giảm tội?. 

Do vậy rất cần thiết phải xỏa bỏ tiền lệ này trong bối cảnh Đảng và nhà nước đang đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm tham nhũng, lãng phí.

QUỐC TOẢN