Danh hài số 1: Xuân Hinh, Quốc Khánh, Chí Trung, Phạm Bằng, Vân Dung?

17/05/2011 04:19
(GDVN) - 10 nghệ sỹ Xuân Hinh, Vân Dung, Quốc Khánh, Chí Trung, Phạm Bằng, Quang Thắng, Tự Long, Công Lý, Minh Vượng, Xuân Bắc, ai là danh hài số 1 đất Bắc?

(GDVN) - Tuyên bố của Vượng râu "tôi là số 2" ngay lập tức đã vấp phải hầu hết là ý kiến phản đối của dư luận. Như thế đủ thấy, từ lâu trong lòng mỗi khán giả đã định sẵn những "vị trí" cho một số danh hài đất Bắc, mà nếu không phải là quý mến nhất thì cũng là quý mến thứ nhì, ba, tư...

{iarelatednews articleid='2124,2073,2047,837,2051,1970,918,1903,793'}

Vậy nghệ sỹ nào được các chuyên gia, đồng nghiệp, khán giả yêu mến nhất hiện nay? Giáo dục Việt Nam mạnh dạn đưa ra danh sách 10 nghệ sỹ có lẽ là quen thuộc nhất với khán giả Việt Nam hiện nay, để qua đó đi tìm lời đáp cho câu hỏi: "Ai là danh hài số 1 đất Bắc"? Có thể "đáp án" cũng sẽ chỉ là tương đối, hoặc... không có kết quả chung nào cả, nhưng đó sẽ là dịp nhìn nhận lại cá tính nghệ sỹ và đóng góp của từng người cho khán giả trong những năm qua. 10 nghệ sỹ đó là: Xuân Hinh, Vân Dung, Quốc Khánh, Chí Trung, Phạm Bằng, Quang Thắng, Tự Long, Công Lý, Minh Vượng, Xuân Bắc. Hãy cùng đi tìm câu trả lời...

Danh hài số 1: Xuân Hinh, Quốc Khánh, Chí Trung, Phạm Bằng, Vân Dung? ảnh 1
Quốc Khánh, Xuân Hinh, Vân Dung, Chí Trung, Phạm Bằng.

Xuân Hinh: “Món cà muối bình dân mua vui cho người lao động”

Nói tới Xuân Hinh, nhiều người trong nghề ngưỡng mộ tôn anh là "vua Hề", bạn bè khen anh “chơi được". Có lẽ hàng vạn người hâm mộ luôn chờ đợi để được nghe anh hát, nghe anh khóc cười trên sân khấu. 

Hẳn sân khấu hài miền Bắc phải rất lâu nữa mới tìm ra một nghệ sỹ dí dỏm, đầy duyên hài như Xuân Hinh. Bằng khả năng trời phú, chỉ cần Xuân Hinh nói chuyện chơi, thừa khiến không ít người cười “giãy lên đành đạch” - như một người từng nhận xét. Hoặc có người lại nói, . Xuân Hinh cứ diễn là nhập thần, cứ như "lên đồng" vậy!

Dù được lòng bao thế hệ khán giả mê hài, nhưng Xuân Hinh từng chia sẻ nhiều lần trên báo chí, anh tự nhận mình là “món cà muối bình dân mua vui cho người lao động”. Với anh, danh hiệu số 1, số 2 hay số bao nhiêu trong nghề chưa bao giờ quan trọng, quan trọng là đứng ở đâu trong lòng nhân dân, làm gì để phục vụ cho bà con.

Xuân Hinh diễn ở mọi nơi, từ nước ngoài, nơi sang trọng đến bãi cát mênh mông, bẩn thỉu dành cho ông bà, trẻ con nhà quê lam lũ - những người vất vả nhặt từng đồng, từng hào, bán từng gánh bèo, từng củ su hào, mà cố gom góp lấy 5 nghìn, 10 nghìn mua vé xem anh diễn dưới trời rét căm căm 9, 10 độ C.

Xuân Hinh và vợ.
Danh hài Xuân Hinh và vợ. (Ảnh: Internet)

Là gương mặt "gạo cội" làng hài miền Bắc, nhưng Xuân Hinh thích được coi là một nghệ sĩ hát chèo hơn. Việc diễn hài, bên cạnh làm vui cho đời chỉ là cách anh mưu sinh, thỉnh thoảng đi "chạy sô chạy chậu” lấy tiền nuôi vợ con. “Chiều về mà không kiếm được “chút đỉnh” thì bà xã đuổi ra khỏi nhà, lúc đấy phải… kiếm bà nữa cũng chết”, Xuân Hinh hóm hỉnh.

Để diễn được những vai tưng tửng mà rất gần gũi với khán giả, theo Xuân Hinh, điều cần nhất là năng khiếu, cộng thêm duyên hài và tinh thần học hỏi, sáng tạo. Tấu hài không hề dễ, trong vòng 15 phút phải làm cho người ta thấy hấp dẫn, thấy thích. Thêm nữa, làm nghệ thuật phải có tâm, nếu làm cẩu thả, khán giả họ không thích, không xem nữa.

Để có đủ trải nghiệm chọc cười khán giả, chẳng phải đi đâu xa, Xuân Hinh thường xuyên la cà quán xá, trà đá “buôn chuyện”, “hóng hớt”, nhìn ngắm cuộc sống từ mấy bà bán cháo lòng, mấy chị bán tôm tép… Ham “hóng hớt” đến nỗi, đôi khi anh ví mình giống kẻ bụi đời, nhưng bù lại, thấy hạnh phúc khi được lăn lóc vào cuộc sống để tìm ra nhiều chất liệu cho vai diễn của mình. Quả thật, đi đâu nhìn mặt anh ai chẳng réo rắt gọi tên. Nhìn cái mặt anh, ai chẳng cười. Thế có lẽ là niềm hạnh phúc nhất đời nghệ sỹ rồi! 

Vân Dung: "Cây đào thế chua ngoa đanh đá"

Danh hài là nữ ở miền Bắc không nhiều, không khó để nhận ra "cái mặt' quen thuộc nhất là Vân Dung. Chị may mắn sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật. Mẹ từng là diễn viên, bố là đạo diễn của Đoàn ca múa Tây Bắc (sau này cả bố mẹ đều chuyển về Quân khu I). Thi đỗ vào Nhà hát Tuổi trẻ, Vân Dung tỏ ra khá “vô duyên” với các vai chính kịch, mà chỉ hợp hài kịch. Vì thế, bao giờ trong các bài tập, những vở chính kịch trả bài cho nhà hát chị chỉ được giao vai phụ, diễn vài phút rồi ra.

Danh hài Vân Dung.
Nữ danh hài Vân Dung. (Ảnh: Internet)

Vân Dung được đông đảo khán giả cả nước biết đến nhiều từ khi tham gia chương trình Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ, tiếp đó là Gặp nhau cuối tuần và Gala cười của Đài truyền hình VN. Chị là một trong những diễn viên hài chủ lực của Gặp nhau cuối tuần. Trong suốt 7 năm gắn bó với chương trình, Vân Dung - Xuân Bắc trở thành cặp diễn ăn ý, xuất hiện dày đặc, chiếm cảm tình của khán giả cả nước. Với Gặp nhau cuối tuần, tên tuổi của Vân Dung thực sự nổi lên hàng “sao hài”.

Với người nghệ sỹ, lúc bước chân lên sân khấu chính là lúc người hâm mộ “thần tượng” nhất, thì Vân Dung lúc nào cũng xấu, cũng chanh chua, chả ai “mê được”, đó là một thiệt thòi về mặt hình ảnh. Đổi lại, chị đã tạo được cho mình một thương hiệu không lẫn vào đâu được: một Vân Dung cá mắm, đanh đá, chua ngoa, hay “cây đào thế”, rồi thì “mỏng như tờ giấy”, "màn hình siêu phẳng"… Xấu, đỏng đảnh, chua ngoa... là cái duyên của Vân Dung. Vân Dung từng nói rằng, đứng trước khán giả, càng xấu bao nhiêu, càng tự tin bấy nhiêu.

Điều Vân Dung sợ nhất là “bị” bước chân lên tới đỉnh cao sự nghiệp. Chị thích mình lúc nào cũng ở lưng chừng, khán giả lâu lâu không thấy Vân Dung thì nhớ một chút. Chưa thấy người đã thấy tiếng, biết ngay là Vân Dung, điều đó là quá đủ để chị hạnh phúc.

Không thiếu tiền, nhưng Vân Dung lúc nào cũng tất bật chạy sô diễn ở các tỉnh. Chị bảo, mình là diễn viên hài, phải mang tiếng cười đến cho bà con. Bà con ở xa, đâu có xem được mình trên sân khấu. Hơn nữa, chị cũng đâu có ra đĩa hài cho riêng mình, mà mọi người được thưởng thức. Vân Dung đắt show, điều đó thì ai cũng biết.

Vân Dung kể, thời điểm “chạy” nhiều nhất trong ngày tới 10 sô, đó là ngày... 1/6. Chị nói, với ngày Tết thiếu nhi, dù có đến 20 sô cũng sẽ cố gắng “chạy”. Bởi, chị chưa bao giờ từ chối diễn cho các cháu nhỏ xem. Chị yêu quý các cháu nhỏ như chính cu Nhím (tên gọi thân của cháu Long Vũ con chị), chứ không phải vì cái chữ tiền.

Quốc Khánh: "Ngọc Hoàng... đù đà đù đờ"

Quốc Khánh tự nhận là người sống chậm. "Ngọc Hoàng" thích lối sống nhẹ nhàng, từ tốn, không vồ vập, chẳng vội vã trong bất cứ việc gì, ngay cả trong lời ăn tiếng nói cũng vậy.

Lại không ít người chê Quốc Khánh chảnh, bởi anh chẳng bao giờ nghe số điện thoại lạ, có nhắn tin cũng kệ. Khán giả ít có cơ hội gặp gỡ anh ngoài đời, cánh báo chí hiếm khi thấy anh tham gia các sự kiện nghệ thuật. Dường như, anh luôn cố gắng tránh xa mọi sự ồn ã, hào nhoáng của cuộc sống. Ở cái tuổi “già chưa đến trẻ đã qua” như Quốc Khánh, thứ ánh sáng hào quang của sự nổi tiếng ít nhiều không còn đủ sức hấp dẫn nữa.

Ngọc Hoàng Quốc Khánh có sở thích chơi Bida.
"Ngọc Hoàng" Quốc Khánh thích chơi Bida. (Ảnh: Văn Trinh)

Dù ít xuất hiện, Quốc Khánh vẫn để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng với vai diễn Ngọc Hoàng trong Gặp nhau cuối năm. Quốc Khánh có lối diễn hài không giống ai, không lên gân lên cốt, không hoạt ngôn, ít múa chân múa tay, mà cứ “đù đà đù đờ”, hồn nhiên “thả” những câu nói thâm thúy hóm hỉnh, khiến khán giả bụm miệng cười. Có lẽ, vì chất riêng đó, không ai thay thế được anh trong vai Ngọc Hoàng.

Nếu cần có một sự ví von nào đó về cách diễn hài của Quốc Khánh, thì có thể xem nó giống như một chú ếch, nhảy trong hang ra, đớp mồi, rồi lại nhảy vào.

Cuộc sống của Quốc Khánh đơn giản như chính những vai diễn của anh. Mọi sinh hoạt gói gọn trong căn phòng riêng chỉ khoảng 10m2. Phòng riêng hẹp đến nỗi gường tủ, bàn ghế phải làm mỏng theo nhà. Thậm chí, ngay như chiếc tủ đựng quần áo cũng không đủ sâu để treo dọc quần áo, mà anh phải treo theo kiểu… úp sấp vào nhau.

Chí Trung: "Nhả câu nào, chết câu ấy"!

Theo đánh giá của một số đồng nghiệp, Chí Trung là người có khả năng xử lý tiết tấu và đài từ số 1 đất Bắc hiện nay. Chí Trung mà đã “nhả” câu chữ nào, y rằng, chết câu ấy!  Trong 1 vở diễn, nhân vật Chí Trung đóng không quá nổi bật, nhưng chính cách dùng từ của anh khiến vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trước khán giả, thậm chí hơn cả vai chính.

NSƯT Chí Trung đam mê chơi đồ cổ.
Chí Trung đam mê chơi đồ cổ. (Ảnh: Văn Trinh)

Cha của Chí Trung chính là NSND Quý Dương (người đầu tiên hát trên truyền hình Việt Nam, giảng viên thanh nhạc đầu tiên của nhạc viện. Năm 1960, một chuyên gia Liên Xô dựng vở opera và NSND Quý Dương được chọn vào vai chính, thành người Việt Nam đầu tiên hát opera). Chí Trung giống cha, từ cái miệng cười cho đến cách lấy hơi nhả chữ, cách diễn đạt cho đến cái khoát tay. Chí Trung còn giống cha ở sự giản dị, thoải mái đến vô lo, vô nghĩ. Trong làng hài, Chí Trung được các thế hệ đàn em hết sức tôn trọng, quý mến bởi tính cách bộc trực, biết trên biết dưới. 

Thời kỳ bao cấp, bên cạnh công việc tại Nhà hát Tuổi trẻ, Chí Trung còn là một thanh niên "chợ giời", một người "đi buôn đường phố" chính hiệu. Có lẽ vì thế mà chất hài của anh vừa hóm hỉnh, lại không kém phần sâu sắc, khiến người khác phải ôm đầu suy nghĩ, rồi mãi lúc sau mới trầm trồ gật gù tán thưởng.

Chí Trung thường xuyên xuất hiện trong chương trình Đời cười ăn khách của Nhà hát Tuổi trẻ và vai diễn Táo Giao thông trong Gặp nhau cuối năm suốt mấy năm qua. Anh cũng tham gia lĩnh vực điện ảnh, thậm chí bị gán là “gay” sau serie phim truyền hình dài tập “Những người độc thân vui vẻ”.

Người ta vẫn nói, đằng sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng người phụ nữ. Cặp vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền với hơn 30 năm gắn bó khăng khít trở thành hình tượng cho rất nhiều nghệ sỹ học tập. Viên mãn trong cuộc sống gia đình nên khi đứng trên sân khấu hài, ngoài niềm đam mê nghề nghiệp cháy bỏng, đâu đó trong chất hài Chí Trung người ta còn cảm nhận được sự hạnh phúc, vô âu vô lo của một anh chàng “bụng phệ” đáng yêu, mê đồ cổ, vô cùng chiều vợ!

Phạm Bằng: "Sếp hói" không thích "cù nách" khán giả

Trong mắt công chúng yêu hài, nghệ danh “Bằng hói” đã trở thành một thương hiệu của nghệ sỹ Phạm Bằng. Họ thích gọi ông là "Bằng hói” để tỏ sự khâm phục, yêu thích với một "ông sếp" hài hước, hóm hỉnh.

alt
 "Giám đốc" Phạm Bằng. (Ảnh: Internet)

Khán giả bắt đầu quen với gương mặt nghệ sỹ hài Phạm Bằng qua các tiểu phẩm trong mục Thư Giãn của chương trình Văn nghệ chủ nhật trên truyền hình ngày trước, sau đó là Gặp nhau cuối tuần… Thấy Phạm Bằng trên tivi, y rằng ông vào vai một ông sếp, hoặc vai... xã hội đen. 

Nghệ sỹ Phạm Bằng về hưu năm 1999 nhưng ông không chịu ngồi yên mà vẫn miệt mài lao động nghệ thuật để mang lại cho khán giả những chuỗi cười sảng khoái. Cả cuộc đời có nhiều thành công trong diễn xuất, được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú, nhưng "sếp Bằng" không coi đó là điểm dừng.

Phạm Bằng không thích diễn hài theo kiểu "cù vào nách" khán giả. Với ông, những kịch bản hài quá rẻ tiền, mang tính tư tưởng thấp thì sẵn sàng từ chối, dù giá cát-xê trả cao. Theo ông, tiền là chuyện quá nhỏ, cái chính vẫn là sĩ diện người nghệ sỹ và lòng tin của khán giả, dù là khi chỉ diễn cho một người. 

* Đón đọc bài tiếp về Quang Thắng, Tự Long, Công Lý, Xuân Bắc và Minh Vượng

Văn Trinh

* Theo bạn, ai là danh hài số 1 miền Bắc trong số 10 nghệ sỹ trên? Hãy nêu ý kiến, gửi bài viết bình luận qua ô thảo luận cuối bài, hoặc qua email toasoan@giaoduc.net.vn. Trân trọng cám ơn!