Đào tạo GV theo NĐ 116: Trường công được địa phương đặt hàng, trường tư tự bơi

09/02/2023 06:41
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Địa phương đặt hàng cho các trường công, còn các trường tư phải tự tìm cách để có đặt hàng. Điều này thể hiện còn sự phân biệt công - tư..."

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được triển khai từ năm học 2021 - 2022. Theo đó, sinh viên ngành sư phạm được hỗ trợ chi phí sinh hoạt và học phí - nếu làm đơn đề nghị được nhận hỗ trợ theo quy định của Nghị định và cam kết bồi hoàn nếu không công tác trong ngành giáo dục tối thiểu hai năm sau tốt nghiệp.

Đến nay, Nghị định triển khai được hai năm nhưng vẫn còn các điểm vướng mắc: Nhiều địa phương không có nhu cầu giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên; địa phương không dự báo được nhu cầu giáo viên trong thời gian tới; vướng mắc về những quy định thu hồi kinh phí hỗ trợ với trường hợp phải bồi hoàn theo Nghị định... hoặc khi đã tiến hành đặt hàng, thì việc chi ngân sách từ các bên liên quan cho trường đào tạo sư phạm nhiều quy trình, thủ tục, dẫn đến việc sinh viên sư phạm đào tạo theo Nghị định 116 chậm nhận hỗ trợ...

Những khó khăn ấy khiến cho các địa phương dè dặt chuyện đặt hàng. Trên website của Trường Đại học Cần Thơ, đơn vị này đã công khai 6 văn bản của 6 tỉnh gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang và Thanh Hoá (năm 2021) trả lời về việc chưa có nhu cầu giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên với sinh viên sư phạm của nhà trường. [1]

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập đào tạo sư phạm, việc thực hiện Nghị định 116 đã nhiều vướng mắc như trên, vậy với các trường tư có đào tạo sư phạm thì sao?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á đánh giá Nghị định 116 là một chủ trương tốt và mạnh mẽ để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, với việc thực hiện Nghị định 116 tại nhà trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á đánh giá, đơn vị gặp khó khăn nhiều hơn các trường công lập.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á. (Ảnh: website nhà trường)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á. (Ảnh: website nhà trường)

"Các địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường công, còn các trường tư có đào tạo giáo viên phải tự tìm cách thực hiện Nghị định 116. Nói đúng hơn là các trường phải tự tìm nơi đặt hàng mình đào tạo. Điều này thể hiện còn phân biệt công - tư. Trong khi đó, tôi cho rằng, dù trường công hay tư khi đào tạo giáo viên đều chung tay mong muốn đóng góp phát triển cho chất lượng giáo dục nước nhà", cô Đào chia sẻ.

Nữ Hiệu trưởng cũng cho biết, đối với những trường tư xây dựng theo mô hình là hệ thống giáo dục, có cả các đơn vị là trường mầm non, tiểu học... trong hệ thống, thì việc giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sẽ theo các đơn vị trong cùng hệ thống. Nhưng trước mắt cũng chỉ là phục vụ nội bộ, mang tính thời điểm, với số lượng nhỏ lẻ. Điều này không tạo niềm tin mạnh mẽ trong xã hội để đầu tư dài hạn cho đào tạo ngành sư phạm của trường tư.

Trước những vấn đề đã nêu trên, cô Đào kiến nghị cần hoàn thiện những điểm vênh trong thực tiễn để đạt được mục tiêu của Nghị định 116 cũng như mong đợi của Chính phủ.

Theo đó, các địa phương phải dự kiến nhu cầu giáo viên trong vòng 5 năm, đăng ký số lượng giáo viên cần đào tạo theo nghị định 116 hàng năm về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dựa trên nhu cầu này, Bộ phân bổ chỉ tiêu cho các trường đào tạo sư phạm, kể cả trường công và trường tư.

Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi nhu cầu cấp kinh phí cho người học theo Nghị định 116 đến Bộ Tài chính, để Bộ này yêu cầu Sở Tài chính địa phương cấp kinh phí vào cuối mỗi năm học cho các trường ở địa phương có trong danh sách thực hiện đào tạo theo Nghị định 116 đã được phân bổ.

"Như vậy sẽ công bằng với sinh viên, công bằng với trường công, trường tư có đào tạo sư phạm và trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước cũng rõ ràng", cô Đào nhận định.

Bình luận thêm về vấn đề trên, Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, năm học 2021-2022, nhà trường mở ngành giáo dục mầm non và được thực hiện theo Nghị định 116. Theo đó, các đơn vị trong hệ thống nhà đầu tư của trường đã đặt hàng đào tạo giáo viên với nhà trường.

“Các chính sách theo Nghị định 116 như hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt (3,63 triệu đồng/tháng) do đơn vị đặt hàng chi trả”, cô Cầm chia sẻ.

Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Lãnh đạo nhà trường cho biết, số lượng sinh viên ngành sư phạm mầm non được đặt hàng đào tạo của nhà trường là 23 em.

Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết thêm, đối với cơ sở giáo dục đại học, mục tiêu đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Ngành sư phạm là ngành đặc thù, nên trước mắt trường đào tạo để phục vụ cho nhu cầu của các đơn vị trong hệ thống, còn nếu phục vụ đào tạo được cho các địa phương khác sẽ tốt hơn.

“Trước khi mở ngành sư phạm mầm non, nhà trường cũng đã thực hiện khảo sát nhu cầu dự báo về nhân lực ngành này rất là lớn. Tuy nhiên, điểm vướng nhất là về tài chính để triển khai.

Đối với các trường tư có đào tạo sư phạm, điểm thuận lợi duy nhất là: các trường này thường nằm trong một hệ thống giáo dục gồm nhiều đơn vị, trong đó có đơn vị là trường mầm non, tiểu học... Vì vậy, đào tạo sư phạm trước mắt là giải quyết nhu cầu nhân lực chính các đơn vị trường học mầm non và tiểu học trong hệ thống. Nhưng về lâu dài, các trường cũng phải tiến tới mở rộng đào tạo theo đặt hàng với các địa phương”, cô Cầm chia sẻ.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, trước đây, nhiệm vụ đào tạo giáo viên không giao cho các trường tư. Tuy nhiên, hiện nay một số trường tư được đào tạo tạo sư phạm khi đã đủ điều kiện là một tín hiệu tốt.

Tiến sĩ Khuyến cho biết, Nghị định 116 không quy định cho trường công hay trường tư. Theo đó, việc đặt hàng theo hai hình thức là giao nhiệm vụ với trường ở địa phương, và kí hợp đồng đặt hàng, đấu thầu với các trường không thuộc địa phương. Như vậy, đối với trường tư, nếu được địa phương đặt hàng cũng sẽ được hưởng ưu đãi tương tự trường công.

Nếu trường tư không được địa phương đặt hàng, nhà trường sẽ đào tạo theo nhu cầu của xã hội và không được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Các cá nhân được đào tạo phải bỏ tiền để trả tiền cho nhà trường.

Tài liệu tham khảo:

1: https://dsa.ctu.edu.vn/thong-bao/che-do-chinh-sach/64-ho-tro-vay-von-theo-nghi-dinh-158/592-cong-van-tra-loi-nghi-dinh-116-cua-cac-tinh.html

Mạnh Đoàn