Đào tạo sư phạm: Đầu vào rất thấp, sao đầu ra toàn bằng đẹp?

11/08/2017 06:39
Nguyễn Cao
(GDVN) - "Không có bột sao gột nên hồ. Điểm đầu vào 3-4 điểm/1 môn thì đào tạo kiểu gì để thành người giỏi, nhưng khi chấm điểm thi của các em cũng phải nâng lên".

LTS: Phản ánh thực trạng vài năm trở lại đây, mức điểm tuyển sinh đầu vào của các trường sư phạm trong cả nước đang giảm mạnh, số lượng học sinh giỏi đăng kí không còn nhiều, nhưng sau khi ra trường các em lại có những tấm bằng tốt nghiệp với điểm số rất cao.

Cũng theo tác giả, khi mà điểm đầu vào 3-4 điểm/ môn thì thực sự đây là nỗi lo chung cho toàn xã hội, các nhà hoạch định giáo dục hãy nhìn vào thực trạng điểm đầu vào trong những năm qua, nhất là trong mùa tuyển sinh năm nay để có những hướng đi mới cho ngành giáo dục. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Phải nói rằng, nhiều năm nay các trường sư phạm không tuyển được những em học sinh giỏi. Phần lớn các trường, nhất là các trường địa phương chỉ tuyển được các em ở mức điểm sàn, bởi nếu tuyển điểm cao hơn thì không đủ chỉ tiêu. Nhưng, có một điều rất nghịch lí là phần lớn các em này sau 4 năm học tập ra trường đều có bằng khá và giỏi.

Hàng năm, trường chúng tôi thường đón một số em sinh viên về kiến tập, rồi thực tập, nhất là giai đoạn các em đến thực tập thì vất vả vô cùng. Hướng dẫn các em từng li, từng tí trong các bước chuẩn bị và thực hiện một bài dạy.

Sinh viên sư phạm đi thực tập. (Ảnh nguồn: Sở Giáo dục và Đào Tạo Tỉnh Bình Phước)
Sinh viên sư phạm đi thực tập. (Ảnh nguồn: Sở Giáo dục và Đào Tạo Tỉnh Bình Phước)

Vậy mà, khi các em đứng trên bục giảng vẫn có rất nhiều em không truyền tải được nội dung, kiến thức của bài giảng. Phương pháp cũng yếu, kiến thức thì lơ mơ. 

Không để các em dạy thì không đúng với hướng dẫn về thực tập mà để các em lên lớp thì khổ học trò. Sau mỗi tiết dạy của các em sinh viên, phần lớn các giáo viên phải hướng dẫn lại cho học trò tiết học đó. 

Vẫn biết chuyện các em lần đầu lên lớp thì việc yếu về phương pháp là chuyện đương nhiên, nhưng những kiến thức chuyên ngành các em đang học mà rất lơ mơ thì đó sẽ vô cùng khó khăn trong quá trình đứng lớp của các em sau này.

Vì, mỗi giáo viên chỉ hướng dẫn vài em sinh viên nên nhiều khi ngồi tâm sự với các em chúng tôi có dịp hỏi về tình hình học tập, kết quả như thế nào thì phần lớn các em đều nói hàng năm mình đều xếp loại khá, hoặc giỏi.

Và, phần lớn sinh viên trong lớp đều đạt được những kết quả như thế. Trong số các em được chúng tôi hướng dẫn có nhiều em vẫn đạt học bổng hàng năm.

Tôi đem câu chuyện này trao đổi với người bạn hiện đang là giảng viên của một trường sư phạm thì nhận được câu trả lời: “Thầy cứ nhìn vào điểm đầu vào hàng năm thì sẽ biết rõ thực trạng. 

Không có bột sao gột nên hồ. Điểm đầu vào 3-4 điểm/1 môn thì đào tạo kiểu gì để thành người giỏi, nhưng khi chấm điểm thi của các em cũng phải nâng lên. 

Đào tạo sư phạm: Đầu vào rất thấp, sao đầu ra toàn bằng đẹp? ảnh 2

Đào tạo giáo viên, không thể xem nhẹ thực tập sư phạm

Xu thế các khoa trong trường đều thế cả. Không chấm điểm thoáng tay sau này lại tội các em khi đi xin việc. Thời buổi này mà cầm tấm bằng trung bình hay trung bình khá thì ai nhận”. Nghe người bạn nói vậy thì biết vậy nhưng sao lòng cứ trăn trở…

Mỗi năm, khi Sở Giáo dục tuyển dụng nhân sự, điều mà chúng tôi nhìn vào danh sách đăng kí tuyển dụng thấy “rất mừng”, đa số các hồ sơ dự tuyển đều xếp loại học lực khá và giỏi. 

Nếu đúng như thế thì các em khi được tuyển dụng vào công tác phải phát huy cái lợi thế khá, giỏi của mình chứ, nhưng, thực tế không phải là vậy.

Nhiều em bước vào nghề chỉ có tấm bằng là đẹp còn kiến thức thì hoàn toàn đối lập. Trong quá trình hướng dẫn tập sự cũng như sau này khi dự giờ các giáo viên mới, chúng tôi đều nhận thấy còn rất nhiều hạn chế đối với một bộ phận giáo viên trẻ.

Ngày trước, không riêng gì sư phạm mà các ngành nghề khác cũng vậy. Khi ra trường phần lớn chỉ đạt loại trung bình và trung bình khá. Song, kiến thức cơ bản họ nắm rất kĩ, nhất là kiến thức chuyên ngành. Tất cả kiến thức như đã ngấm vào máu thịt của họ. 

Vậy mà bây giờ, nhiều giáo viên mới giảng dạy tại các đơn vị mà toàn bằng cấp khá, giỏi nhưng lơ mơ về kiến thức!

Gần đây, gần như tỉnh nào cũng có trường sư phạm, nhiều tỉnh còn có cả bậc cao đẳng và đại học nên dẫn đến việc tuyển sinh và đào tạo tràn lan. Cung đã vượt quá cầu nhưng hàng năm vẫn tuyển sinh rất nhiều, điểm đầu vào rất thấp.

Vẫn biết nhiều em dù điểm đầu vào thấp nhưng trong quá trình học tập cố gắng thì sẽ tạo dựng được những nền tảng cơ bản về tri thức, tuy nhiên, không mấy em làm được như vậy.

Đào tạo sư phạm: Đầu vào rất thấp, sao đầu ra toàn bằng đẹp? ảnh 3

Đào tạo, tuyển sinh ngành sư phạm có gì mới?

Bởi thực tế, 4 năm đại học hoặc 3 năm cao đẳng trôi đi rất nhanh. Trong thời gian đó, các em còn phải học rất nhiều môn học khác rồi trang bị về ngoại ngữ, tin học, nhiều em còn phải đi làm thêm để trang trải học hành.

Nhiều em thì an phận “có vào ắt có ra” nên rất khó tạo nên những sự “đột phá” trong quá trình học tập so với điểm đầu vào của các em.

Chương trình học tới đây có nhiều thay đổi, giáo viên không chỉ đơn thuần dạy 1 môn như trước, vì thế bắt đầu từ năm nay đã có một số trường đào tạo theo hướng mới. Điều này cũng đồng nghĩa mỗi em phải được đào tạo và học sâu thêm một số chuyên ngành. 

Song, việc tuyển sinh đầu vào của một số trường chỉ ngang mức điểm sàn liệu các em có đủ sức để học tập và trau dồi cùng một lúc nhiều chuyên ngành hay không là điều làm chúng ta còn phải băn khoăn, nghi ngại.

Tuyển theo chỉ tiêu, dạy theo thành tích, điểm đầu vào cực thấp là nỗi lo chung cho xã hội hiện tại đối với ngành sư phạm trong tương lai. Có lẽ, hơn bao giờ hết các nhà hoạch định giáo dục hãy nhìn vào thực trạng điểm đầu vào trong những năm qua, nhất là trong mùa tuyển sinh năm nay để có những hướng đi mới cho ngành giáo dục.

Một người thầy dạy hàng mấy chục năm mới về hưu, cũng đồng nghĩa với mấy chục thế hệ học trò. Tuy nhiên, điểm đầu vào 3-4 điểm/ môn thì thực sự là nỗi lo chung cho toàn xã hội!

Nguyễn Cao