Đào tạo tiến sĩ xong đi làm quản lý hành chính thì quá lãng phí

01/06/2020 08:39
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang nêu, thực trạng đào tạo tiến sĩ nhiều năm qua nói thẳng là không đạt yêu cầu, nặng về số lượng và nhẹ chất lượng.

Tại hội thảo “Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu” diễn ra ngày 27/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ và Nghị định hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, tham khảo tối đa kinh nghiệm của các nước phát triển phù hợp thực tiễn Việt Nam;

Đồng thời tiếp thu ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học, kế thừa những gì đang triển khai tốt, rà soát sửa đổi những bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập với thế giới.

Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang. Báo Đại Đoàn kết

Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang. Báo Đại Đoàn kết

Liên quan đến việc đào tạo tiến sĩ nhiều năm qua, Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã chia sẻ với Giáo dục Việt Nam một số quan điểm.

Theo Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang, thực trạng đào tạo tiến sĩ nhiều năm qua nói thẳng là không đạt yêu cầu.

"Nó nặng về số lượng và nhẹ chất lượng, đua nhau làm tiến sĩ.

Tiến sĩ là một chức danh khoa học, chủ yếu để nghiên cứu và giảng dạy đại học chứ không phải để làm quản lý hành chính.

Không ở nước nào cần Tiến sĩ để làm quản lý hành chính cả. Một người có thể chỉ là cử nhân nhưng vẫn có thể làm lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành... như thường, đâu cần bằng Tiến sĩ làm gì?.

Đa số ở các nước đều không coi trọng bằng tiến sĩ để làm quản lý hành chính, quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam thì lại hơi ngược lại.

Nhiều vị khi có chức danh về quản lý Nhà nước thì lại cố kiếm bằng tiến sĩ để sang trọng hơn là để làm việc", Tiến sĩ Giang nêu nhận định.

Tiến sĩ Phan Hồng Giang chia sẻ nhận xét, thực chất, sau khi nhận bằng tiến sĩ, các vị làm quản lý Nhà nước không có nghiên cứu gì thêm cả và cũng rất ít đi giảng dạy ở đâu.

Vì làm quản lý Nhà nước đã chiếm trọn thời gian, sức đâu để toàn tâm toàn ý mà nghiên cứu khoa học với giảng dạy.

Đó là một sự lãng phí, lãng phí tiền của, lãng phí thời gian, lãng phí nguồn lực…

"Vì thế, đào tạo tiến sĩ phải đề rõ mục tiêu là đào tạo để làm gì? Quá trình đào tạo là để có được những nhà khoa học chất lượng cao.

Trước tiên là để giảng dạy đại học, sau đó là nghiên cứu khoa học đóng góp cho trường, cho xã hội.

Còn đào tạo tiến sĩ để làm quản lý hành chính, trong khi họ có thực tài khoa học thì rất là lãng phí.

Bởi vì, một nhà khoa học tốt có khi lại là một nhà quản lý tồi. Một người không cần là nhà khoa học nhưng vẫn quản lý nhà nước tốt. Đúng người, đúng việc đó mới là hiệu quả nhất", Tiến sĩ Giang nói.

Theo ông, thay đổi gì thì cùng phải hướng đến chất lượng đầu vào và đầu ra của chương trình đào tạo tiến sĩ.

Chất lượng đầu vào là các nghiên cứu sinh phải đảm bảo ngoại ngữ đạt chuẩn của trình độ đào tạo tiến sĩ.

Họ phải trao đổi bằng ngoại ngữ được với các thành viên của hội đồng thẩm định, không phải qua người dịch.

Yêu cầu này là rất chuẩn nhưng trên thực tế ở nhiều nơi đào tạo lại không làm nghiêm khắc lắm quy định này.

Về yêu cầu hiện hành, nghiên cứu sinh trước khi bảo vê luận án tiến sĩ phải có bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus.

Theo Tiến sĩ Giang, đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, yêu cầu hiện nay đã là rất cao rồi. Đây là yêu cầu chính xác.

Rõ ràng, đào tạo tiến sĩ cần nâng cao chất lượng đầu vào.

Điều này cần vai trò của hội đồng chuyên môn gồm các nhà khoa học tại các cơ sở đào tạo quyết định dựa trên thực chất.

Tránh nể nang và phải chịu trách nhiệm đến cùng để chọn được các nghiên cứu sinh chất lượng nhất đào tạo tiến sĩ.

Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang cũng nhấn mạnh, cần quy định rõ, chi tiết hơn để “dẹp” được nạn đạo văn, sao chép trong các luận án tiến sĩ.

“Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên thế giới cũng có. Ở nhiều nước, họ quy định nếu một văn bản trùng nhau câu chữ 30% trở lên thì là đạo văn.

Thậm chí lấy nguyên một câu của người khác mà không trích dẫn nguồn thì đã là đạo văn rồi.

Chúng ta nên học tập các nước điều này để quy định trong quy chế tới đây”.

Đỗ Thơm