Đáp án môn Sử, thí sinh vui mừng nhưng vẫn còn đó nỗi lo...

11/07/2013 08:48
(GDVN) - Phải nói rằng đề thi môn Lịch sử khối C năm nay không quá khó nhưng vẫn có tính phân loại cao, thí sinh học lực khá, giỏi rất tự tin, nhưng bên cạnh đó còn một nỗi lo “mất điểm”.

Đáp án rõ ràng, ngắn gọn nhưng...

Như vậy, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã công bố Đáp án chính thức môn Lịch Sử  Đề thi tuyển sinh vào Đại học năm 2013. Ngay sau vừa thi xong môn Sử, trên nhiều tờ báo điện tử đã nhanh chóng đăng tải những gợi ý trả lời các câu hỏi trong đề thi từ nguồn các trung tâm luyện thi và một số giáo viên môn Sử bậc THPT.

Rất nhiều thí sinh hồi hộp, lo lắng để chờ đợi Đáp án chính thức của Bộ GD&ĐT, dù Đề thi môn Sử năm nay không quá khó và vẫn có tính phân loại.

Nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với khuôn mặt tươi tỉnh hơn vì làm được bài. Nhưng, niềm vui vẫn còn xen lẫn một nỗi  lo: liệu Đáp án môn Sử của Bộ năm nay như thế nào? Nỗi lo đó không phải là không có cơ sở.

Ảnh minh họa Xuân Trung
Ảnh minh họa Xuân Trung

Thực tế qua các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng cũng như thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn khoa học xã hội trong những năm gần đây, vấn đề Đề thi như thế nào, Đáp án ra sao được rất nhiều giáo viên và học sinh quan tâm. Thi thoảng vẫn xảy ra những thiếu sót và bất cập giữa đề với đáp án, giữa tâm lý các thí sinh sau khi thi xong và sau khi công bố kết quả.

Chiều ngày 10/7/2013, Bộ GD&ĐT đã công bố Đáp án tất cả các môn thi tuyển sinh đại học 2013 đợt 2, và môn Sử là môn thi được khá nhiều thí sinh chờ đợi nhất.

Về phía thí sinh, có thể nói số đông các em thở phào vì đề không “mở” nên đáp án cũng khá rõ ràng, không “lấp lửng”, có nhiều ý trong đáp án tuy ngắn gọn nhưng với  phổ điểm là 0,5 điểm. Đây cũng là một thuận lợi đối với các thí sinh làm bài với lưu lượng ký tự và số trang không nhiều, nhưng trình bày được những luận điểm cơ bản vẫn có điểm.

Ở  kiến thức phần lịch sử Việt Nam: Đây là phần kiến thức chiếm số lượng kiến thức ôn tập nhiều với nhiều sự kiện ngày tháng năm, số liệu các sự kiện nên cũng là nỗi lo lắng cho nhiều thí sinh khi học và làm bài thi môn Sử.

Tuy nhiên, trong  câu 2 và câu 3 của đề thi, đáp án không bắt thí sinh phải xác định chính xác mốc thời gian ( ngày, tháng ), không gian ( địa bàn xã, huyện ), các số liệu cụ thể của  các sự kiện lịch sử mà trong chương trình sách giáo khoa Lịch Sử 12 hiện hành đã nêu, các thầy cô đã dạy ở những sự kiện này.

Ở phần lịch sử thế giới: Đáp án cả 2 câu ( 4.a theo chương trình chuẩn và 4.b theo chương trình nâng cao ) đều rất rõ ràng và ngắn gọn, số lượng các ý chính với phổ điểm là 0,5 khá nhiều . Ở phần này, có thể đa số thí sinh lựa chọn là câu 4.a ( kiến thức này không có bất cứ một sự kiện hay số liệu lịch sử cụ thể nào ) nên càng có thêm cơ hội kiếm điểm bởi đáp án yêu cầu rất  ngắn gọn so với cách trình bày kiến thức trong sách giáo khoa ở chương trình chuẩn.

Với đề thi và đáp án như vậy, theo dự đoán của chúng tôi, kết quả điểm thi tuyển sinh đại học môn Sử năm nay sẽ cao hơn những năm trước (sau khi chấm xong ). Sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm 5 – 6, không ít thí sinh có thể  sẽ kiếm 9,0 điểm không khó, thậm chí có thể có điểm 10. Và, đương nhiên chuyện thi cử môn Sử lâu nay vẫn vậy.

Những thí sinh bị vi phạm quy chế thi là chép những phần của bài thi hoặc toàn bộ bài thi từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi (khi không được giám thị  phát hiện nhưng Ban chấm thi phát hiện và kết luận trong quá trình chấm ), những thí sinh có thực lực yếu, hoặc có kiểu “học tủ” bị “tủ đè” vẫn có thể nhận được những điểm O “tròn trĩnh”.

Đề và đáp án không mở, nhiều thí sinh khá giỏi ít có cơ hội thể hiện?

Có thể nói rằng, so với Đề thi và Đáp án thi tuyển sinh đại học môn Sử trong những năm gần đây thì năm nay, đề thi không “mở” ( dù vẫn có câu yêu cầu phân hoá, phân loại học sinh ) nên Đáp án cũng cơ bản, rõ ràng và giản đơn.

Tuy nhiên, với đề và đáp án năm nay, trong quá trình chấm thi, các giám khảo sẽ rất khó tìm ra nhiều bài thi có cách làm độc đáo và sáng tạo khác với cách trình bày của đáp án. Hay nói cách khác, nhiều thí sinh có năng lực khá và giỏi có khả năng tư duy cao, được ôn luyện chu đáo, kỹ càng cả về nội dung lẫn kỹ năng, phương pháp làm bài khó có đất để “dụng võ” và nhận được tối đa 1,0 điểm thưởng so với đáp án do cán bộ chấm thi đề  xuất và Trưởng Ban chấm thi quyết định.

Các em trong quá trình học và ôn thi vào đại học môn Sử chỉ cần nắm và trình bày được những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa Lịch Sử 12 THPT chương trình chuẩn là làm được bài , thậm chí đạt điểm cao.

Hơn nữa, với cách ra đề thi và đáp án như môn Sử năm nay, nếu trong quá trình coi thi, các giám thị “nới lỏng” kỷ cương và xem thường quy chế coi thi sẽ dễ tạo ra những hiện tượng tiêu cực, “quay cóp” trong phòng thi, vì tất cả các kiến thức câu hỏi trong đề thi đều có sẵn trong sách giáo khoa và các tài liệu ôn thi khác.

Lúc đó, các cán bộ chấm thi sẽ rất khó đánh giá chất lượng làm bài của nhiều thí sinh, sẽ không dễ phân loại được học sinh khá, giỏi  và như vậy, sự nghiêm túc và công bằng trong thi tuyển sinh sẽ bị suy giảm rất nhiều. Bởi vậy, mừng cũng mừng nhiều nhưng nỗi lo cũng thật nhiều…

Trần Trung Hiếu - (Giáo viên Sử - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh - Nghệ An)