Sáng 19/7, Ngày hội lựa chọn nguyện vọng 2025 đã diễn ra tại Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia của rất đông phụ huynh và các thí sinh - những em vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở khu vực phía Nam.
Tìm hiểu thông tin tuyển sinh cần xem trên website của trường
Phát biểu tại khu vực tư vấn chung, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã cung cấp cho các thí sinh, phụ huynh những thông tin mới nhất về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phổ điểm các môn thi, còn các trường đại học cũng đã công bố các thông tin về tuyển sinh khá đầy đủ. Với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng như là kết quả học bạ trung học phổ thông, thí sinh sẽ có căn cứ để đăng ký nguyện vọng để xét tuyển.

Thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến 17h ngày 28/7. Từ ngày 29/7 đến 5/8, thí sinh sẽ nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống theo vùng miền.
Sau thời gian này, nếu thí sinh không đăng ký điều chỉnh nguyện vọng, thì các trường sẽ xét tuyển dựa trên cơ sở dữ liệu có trên hệ thống. Các em có quyền đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển, nhưng chỉ được trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất vào ngành học tại một trường nào đó, tương quan với mức điểm và điều kiện trúng tuyển của trường đó.
Tiến sĩ Hùng lưu ý, khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh (ngành nghề, phương thức xét tuyển, tổ hợp môn…) thì thí sinh cần tìm hiểu trên website chính thức của các trường, đúng năm tuyển sinh mình cần, cần lưu ý tiêu chí phụ để đăng ký xét tuyển.
Đối với chứng chỉ ngoại ngữ, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng, nếu muốn đưa vào xét tuyển thì phải nộp cho trường (nếu trường có quy định) hoặc có thể cập nhật trên hệ thống.
“Nếu không thực hiện việc này thì chứng chỉ ngoại ngữ đó sẽ không có tác dụng”, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, hiện các dữ liệu như điểm học bạ trung học phổ thông, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm đánh giá tư duy hay các kỳ thi độc lập khác sẽ được các trường đưa lên hệ thống xét tuyển. Các em thí sinh cần rà soát lại thông tin về đối tượng và khu vực ưu tiên, kết quả học bạ trung học phổ thông. Nếu thông tin có sai sót thì cần phải điều chỉnh ngay để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Theo kế hoạch, ngày 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của nhóm ngành sức khỏe, nhóm ngành đào tạo giáo viên và độ lệch điểm giữa các tổ hợp thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Riêng đối với độ lệch điểm của các kỳ thi độc lập (đánh giá năng lực, tư duy), các cơ sở đào tạo sẽ triển khai, công bố để giúp thí sinh biết được độ lệch điểm so với kết quả thi của mình ở các phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển. Từ đó, thí sinh sẽ có căn cứ để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Lựa chọn ngành, trường như thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển?
Tại ngày hội này, nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn về cách sắp xếp nguyện vọng sao cho phù hợp, cũng như lựa chọn ngành, trường như thế nào để tăng khả năng trúng tuyển, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đầu tiên thí sinh và phụ huynh cần quan tâm là ngành, trường mình định học có thực sự yêu thích hay không.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân đưa ra lời khuyên, thí sinh nên đăng ký nguyện vọng vào ngành mà mình yêu thích. Thế nhưng, khi đặt nguyện vọng thì cần phải phân bổ hợp lý giữa các nguyện vọng từ cao – trung bình xuống thấp hơn điểm thi của mình một chút để tăng cơ hội trúng tuyển.

Theo thầy Nhân, năm nay, điểm chuẩn có thể sẽ biến động nên nếu chỉ đặt nguyện vọng theo sở thích mà không phù hợp với năng lực thì rất dễ bị trượt.
“Nếu điểm thi khoảng 22, 23 nhưng lại đăng ký toàn ngành có điểm chuẩn năm trước 27, 28 điểm thì rất khó đậu. Hãy chọn các ngành có mức điểm gần sát với điểm thi của mình, theo dõi kỹ biến động điểm chuẩn một vài năm gần đây để cân nhắc”, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân nhấn mạnh.
Cũng theo thầy Nhân, có thí sinh đặt tới 60, 70 nguyện vọng, nhưng khi được hỏi lại thì không phân biệt được mình thích ngành nào nhất, ngành nào phù hợp. Điều này dẫn đến khả năng trúng tuyển vào ngành không thực sự mong muốn.
Đồng thời, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cũng chia sẻ, việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng không cần thiết thì cũng sẽ tốn chi phí, mà chưa chắc sẽ nâng cao khả năng trúng tuyển nếu việc chọn nguyện vọng không được tính toán kỹ lưỡng.
Ngoài ra, thầy Nguyễn Trung Nhân còn đưa ra một cảnh bảo khác đến với thí sinh, là các bạn không kiểm soát được thứ tự ưu tiên, dẫn đến việc trúng tuyển vào ngành ít yêu thích hơn dù đủ điểm vào ngành tốt hơn.
“Có bạn đủ điểm vào ngành mình yêu thích, nhưng vì sắp xếp thứ tự nguyện vọng chưa hợp lý nên không được xét tuyển ngành đó”, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân nêu thực tế.