Đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu

28/04/2022 17:33
Mộc Hương
GDVN-Tính đến hết quý I/2022, có hơn 16,4 triệu người tham gia BHXH đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi; trên 85,3 triệu người tham gia BHYT đạt 87,44% dân số.

Tín hiệu tích cực trong quý I/2022

Chiều ngày 28/4, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quý I/2022.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: “Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu nhập và việc làm của người lao động, gây khó khăn nhất định cho việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức và cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí nói chung và đội ngũ các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí nói riêng;… toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, quyết tâm, “biến khó khăn, thách thức thành động lực”, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục đảm bảo kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh cho người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”.

Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Cụ thể, tính đến hết quý I/2022, đã có trên 16,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 2,77% so với cùng kỳ năm 2021); trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người (tăng 16,09% so với cùng kỳ năm 2021); trên 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 26,57% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 2,05% so với cùng kỳ năm 2021); trên 85,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,44% dân số.

Cùng với đó, với mục tiêu luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lên hàng đầu, trong quý I/2022, nắm bắt và bám sát tình hình thực tiễn, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực phối hợp cùng với các Bộ, ban, ngành liên quan, kịp thời có những giải pháp tích cực trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia thụ hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Kết quả, trong quý I/2022, toàn ngành đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho trên 2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau (tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021); trên 308 nghìn lượt người hưởng chế độ thai sản; gần 199 nghìn lượt người hưởng mới các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; gần 27,8 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế;…

Cần hiểu rõ nguyên tắc đóng - hưởng để tránh chịu thiệt

Tại Hội nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp một số thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội đang được dư luận xã hội quan tâm như: Những thiệt thòi cho người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần; kết quả giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động mắc Covid-19 trong quý I/2022.

Cùng với đó là thông tin về tình hình triển khai, kết quả thực hiện ở một số lĩnh vực cụ thể của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam như: Công tác thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh; việc triển khai liên thông cơ sở dữ liệu với Bộ Công an và kết quả bước đầu thực hiện thí điểm việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; công tác thanh tra, kiểm tra của ngành theo phương thức điện tử.

Cũng trong khuôn khổ buổi Hội nghị cung cấp thông tin báo chí định kỳ, khi nêu lên một số đánh giá chung về tình trạng người lao động rút Bảo hiểm xã hội một lần tại Việt Nam đang có xu hướng “trẻ hoá”, vị Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, điều này một phần là do tác động của dịch bệnh Covid-19. Số lượng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần thường nằm trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi.

Theo đó, trong những tháng đầu năm 2022, số người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần đã có xu hướng giảm, và là tín hiệu tích cực và đáng mừng vì người dân cũng đã dần nhận thức lại vai trò to lớn khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Người lao động cần phải hiểu rằng, nguyên tắc khi tham gia bảo hiểm xã hội là nguyên tắc đóng - hưởng để tránh chịu thiệt thòi về sau. (Ảnh minh họa).

Người lao động cần phải hiểu rằng, nguyên tắc khi tham gia bảo hiểm xã hội là nguyên tắc đóng - hưởng để tránh chịu thiệt thòi về sau. (Ảnh minh họa).

Cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh phân tích: “Thực tế, nhiều người khi rút bảo hiểm xã hội một lần vì điều kiện kinh tế khó khăn và có ý nghĩ sau này sẽ tham gia lại để hưởng chế độ. Tuy nhiên, họ cần phải hiểu rằng, nguyên tắc khi tham gia bảo hiểm xã hội là nguyên tắc đóng - hưởng, tức là mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng góp, đồng nghĩa với việc càng đóng nhiều thời gian thì quyền lợi được hưởng càng lớn.

Nếu trong trường hợp người tham gia bảo hiểm không may mắn gặp các vấn đề về sức khoẻ thì sự hỗ trợ của bảo hiểm xã hội dành cho họ là không đáng kể. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc thật kỹ trước khi rút bảo hiểm xã hội một lần”.

Cũng tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh khẳng định, để đạt được những kết quả trên, cũng là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan thông tấn, báo chí. Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nhận được sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình và hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí và các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong việc triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các hoạt động truyền thông chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo thống kê sơ bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết quý I/2022, đã có gần 5.160 tin, bài, phóng sự, chuyên mục, tọa đàm,... truyền thông về chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các hoạt động của ngành được các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương thực hiện đăng tải, phát sóng (tăng gấp gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2021).

Qua đó, đã đảm bảo truyền tải kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến với đông đảo người lao động và Nhân dân trên cả nước; giúp người dân hiểu rõ về chính sách, tạo sự đồng thuận trong khâu tổ chức thực hiện, đưa các chính sách này đi sâu vào cuộc sống.

Mộc Hương