Đâu đó vẫn có giáo viên so bì, thoái thác gây khó cho ban giám hiệu đầu năm học

31/08/2022 06:42
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu một số giáo viên tìm cách thoái thác, tìm cách so bì, tìm cách né việc khó thì khi phân công nhiệm vụ đầu năm học sẽ trở nên khó khăn, cự cãi.

Chỉ còn chưa đến 1 tuần nữa là năm học 2022-2023 sẽ bước vào những ngày thực học đầu tiên nên thời điểm này các nhà trường đã bước vào chuẩn bị và phân công nhiệm vụ năm học mới cho giáo viên trong đơn vị.

Nếu như ở cấp tiểu học, việc phân công có phần thuận lợi hơn vì cơ bản giáo viên chủ nhiệm dạy bao nhiêu môn đã được quy định cụ thể, các môn chuyên ít tiết nên môn của ai người đó dạy cả trường, chỉ có những trường lớn mới cần đến 2-3 giáo viên chuyên/ 1 môn học còn trường loại 2, loại 3 mỗi môn chỉ có 1-2 giáo viên chuyên nên việc phân công rất đơn giản.

Thế nhưng, ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có phần phức tạp hơn nhiều, nhất là những trường lớn. Những lớp có nhiều học sinh giỏi tất nhiên giáo viên nào cũng muốn dạy, những lớp mà nhiều học sinh yếu, nền nếp không tốt thì giáo viên thường tìm cách né ra.

Bên cạnh đó, một số thầy cô giáo lại muốn dạy những khối đang thực hiện chương trình 2006 vì đã quen, không phải đầu tư nhiều cho giáo án và những đơn vị kiến thức mới. Một số thầy cô lại muốn dạy một buổi để tiện lo công việc gia đình.

Nói chung, năm nào cũng vậy và gần như trường nào cũng thế, luôn có những ý kiến trái chiều, thậm chí cự cãi nhau khi nghe ban giám hiệu nhà trường phân công trong ngày họp hội đồng sư phạm đầu năm học.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Khi một bộ phận giáo viên quá xem trọng quyền lợi cá nhân của mình

Theo Điều lệ trường học, giáo viên phải thực hiện nhiệm vụ phân công của thủ trưởng đơn vị và giảng dạy theo định mức đã được quy định của các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Đối với giáo viên cấp tiểu học mỗi tuần dạy 23 tiết, giáo viên cấp trung học cơ sở dạy 19 tiết và giáo viên phổ thông trung học dạy 17 tiết/ tuần. Những giáo viên kiêm nhiệm các công việc khác, như: tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, Đoàn thanh niên, Công đoàn đều được giảm trừ số tiết cụ thể.

Quy định, hướng dẫn là vậy nhưng không phải bao giờ giáo viên cũng đồng tình với dự kiến phân công của tổ chuyên môn và phân công của ban giám hiệu. Thành ra những xung đột, mâu thuẫn cứ âm ỉ xảy ra ở nhiều trường học.

Về nguyên tắc là thủ trưởng đơn vị phân công nhiệm vụ năm học và tất nhiên ban giám hiệu nào cũng muốn phân công tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là những người vững tay nghề, có khả năng quản lý, xây dựng đoàn kết nội bộ tốt. Những thầy cô giáo chủ nhiệm là những người nhiệt tình, tâm huyết, giỏi quản lý học sinh.

Khi trừ đi các tiết kiêm nhiệm sẽ còn các tiết thực dạy nhưng mỗi môn học lại có số tiết khác nhau, dẫn đến tình trạng chênh lệch số tiết dạy giữa giáo viên này với giáo viên khác. Vì thế, dẫn đến sự so bì giữa các giáo viên với nhau.

Nhưng, làm sao có thể phân công được công bằng tuyệt đối vì số tiết của từng môn học, thậm chí từng khối khác nhau.

Chẳng hạn môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở hiện nay thì các khối đang được thực hiện theo số tiết khác nhau. Ở lớp 6, 7, 8 mỗi tuần có 4 tiết nhưng ở lớp 9 lại có 5 tiết. Trong khi, lớp 6, lớp 7 đang thực hiện chương trình 2018 lại có thêm 8 tiết trong Nội dung giáo dục địa phương.

Vì thế, chỉ môn Ngữ văn nhưng số tiết đang rất khác nhau. Ngữ văn 6, 7 có 4 tiết/ tuần nhưng mỗi năm phải dạy thêm phân môn Ngữ văn ở Nội dung giáo dục địa phương là 8 tiết/lớp. Môn Ngữ văn 8 có 4 tiết/ tuần; Ngữ văn 9 có 5 tiết/ tuần.

Ngoài ra, trong tổ chuyên môn có giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó, chủ nhiệm lớp, tham gia công tác đoàn thể thì được cộng thêm từ 1 đến 4,75 tiết nên việc phân công cũng chỉ mang tính tương đối chứ không thể nào đúng tuyệt đối.

Trong khi, định mức của giáo viên trung học cơ sở mỗi tuần dạy 19 tiết nhưng làm sao phân công đồng đều 19 tiết cho mỗi giáo viên ở mỗi học kỳ được. Từ đó, có giáo viên thừa tiết, đủ tiết nhưng cũng sẽ có giáo viên thiếu tiết.

Vậy nên, một số giáo viên sẽ có những ý kiến so bì, tị nạnh vì có thầy cô bị thiếu tiết ở thời điểm đầu năm học không muốn nhận thêm lớp vào thời điểm cuối học kỳ, cuối năm học vì có thêm phần vào điểm, nhận xét học sinh trên phần mềm điểm điện tử và trong học bạ.

Bên cạnh đó, một số giáo viên còn thắc mắc khi được phân công dạy những lớp “nổi tiếng” về quậy phá. Có những giáo viên xin không dạy lớp có con đồng nghiệp đang học.

Phải nói là có rất nhiều lý do được viện ra để thoái thác những công việc khó, những công việc mà không có lợi cho mình. Vì thế, cuộc họp hội đồng sư phạm đầu năm luôn trong tình trạng căng thẳng và kéo theo nhiều thị phi nữa.

Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng…

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai ở các cấp học phổ thông nên có rất nhiều đầu việc khó, bỡ ngỡ. Trong khi, nhiều văn bản chỉ đạo của ngành đều giao quyền tự chủ cho nhà trường và tất nhiên trường sẽ giao cho tổ chuyên môn.

Vì thế, những thầy cô đảm nhận nhiệm vụ tổ trưởng, tổ phó chuyên môn thường rất vất vả, nhất là những tổ ghép, những tổ có môn học mới.

Những thầy cô giáo chủ nhiệm thì có quá nhiều những việc không tên và phải giảng dạy thêm Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp nên áp lực thường nhiều hơn những thầy cô bộ môn chỉ giảng dạy môn học của mình.

Vậy nên, việc phân công nhiệm vụ đầu năm học thường rất vất vả đối với tổ chuyên môn và Ban giám hiệu nhà trường vì họ phải cân nhắc khả năng thầy cô nào sẽ làm công việc này tốt hơn, công việc kia hiệu quả hơn.

Suy cho cùng, lớp nào cũng là học sinh trong nhà trường- dù biết rằng có những lớp nổi trội hơn về học tập, có những lớp có nền nếp nổi bật hơn. Nhưng, nếu ai cũng chọn những lớp như vậy thì ai sẽ gánh vác những lớp còn lại.

Hơn nữa, việc phân công của tổ trưởng chuyên môn và ban giám hiệu cũng chỉ mang tính chất ngẫu nhiên chứ đâu phải họ nắm được tất cả, chi tiết ở từng lớp học như giáo viên dạy lớp. Bên cạnh đó, định mức giảng dạy của từng giáo viên trong từng năm học đã được quy định số tiết rất cụ thể.

Ban giám hiệu nhà trường họ luôn tính toán, cân nhắc để làm sao cũng chừng ấy nhân sự trong đơn vị mà cuối năm không phát sinh thừa giờ của giáo viên bởi trường học công lập thực hiện kinh phí khoán. Vì thế, có thể giáo viên dạy ở học kỳ I thừa 1-2 tiết thì học kỳ II sẽ giảm đi số tiết thừa của học kỳ I.

Chỉ trừ những trường thiếu giáo viên, bộ môn thiếu giáo viên thì mới để giáo viên thừa giờ, còn những trường đủ giáo viên theo định mức thì ban giám hiệu luôn cân nhắc để giáo viên không vượt số tiết dạy theo định mức ở từng năm học.

Nếu giáo viên hiểu và thông cảm với những khó khăn của ban giám hiệu, tổ chuyên môn khi phân công nhiệm vụ đầu năm học, hiểu được định mức giảng dạy của mình thì việc phân công nhiệm vụ đầu năm học sẽ thuận lợi và dễ dàng.

Ngược lại, nếu một số giáo viên tìm cách thoái thác, tìm cách so bì, tìm cách né việc khó thì việc phân công nhiệm vụ đầu năm học sẽ trở nên khó khăn, cự cãi và gây ra những chia rẽ làm ảnh hưởng đến đơn vị và đẩy những công việc khó khăn cho đồng nghiệp của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI