Đâu rồi, lòng trung thực?

08/04/2018 06:47
THIÊN ẤN
(GDVN) - Lòng trung thực, tinh thần dám bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai ở đội ngũ thầy cô giáo tâm huyết, các em học sinh dũng cảm…ngày càng trở nên lu mờ, ít dần đi.

LTS: Bàn về lòng trung thực trong ngành giáo dục hiện nay, thông qua sự việc của em Phạm Song Toàn và thầy giáo L.V, tác giả Thiên Ấn gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Để em Phạm Song Toàn, học sinh lớp 11A1, Trường trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh không bị áp lực, kỳ thị, cô lập trong nhà trường sau khi tiết lộ việc cô giáo dạy toán tại trường không giảng bài suốt hơn 3 tháng tại buổi đối thoại với lãnh đạo giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn tất thủ tục chuyển trường cho em trong tuần này và đây cũng là nguyện vọng của gia đình của em.

Đâu rồi, lòng trung thực? ảnh 1Học sinh phản ánh cô giáo không giảng bài cần được chuyển trường ngay

Từ vụ việc trên, đã có những ý kiến đầy đớn đau cùng các câu hỏi chứa chất bao nỗi băn khoăn: “Với những người ủng hộ em Toàn thì sự trung thực của em đã gục ngã trước những loại dư luận tiêu cực, ác ý.

Đó là những dư luận đàm tiếu, trách móc, đả kích v.v… việc làm đúng của em từ một số không ít học sinh và giáo viên tại Trường trung học phổ thông Long Thới.

Cuối cùng, việc nói ra sự thật với lòng trung thực cũng đã thất bại trước thứ dư luận quái ác đó.

Chấp nhận sự “thất bại” để “giải cứu” một học sinh. Một giải pháp tình thế để “giải cứu” em Toàn.

Thử hỏi nếu chúng ta cứ phải “giải cứu” theo cách này đối với những trường hợp như em Toàn thì càng cho thấy sự thất bại của môi trường giáo dục phổ thông hiện nay.

Những trường hợp học sinh nói lên sự thật để mong muốn cải thiện việc dạy và học tốt hơn, rơi vào tình thế “đấu tranh, tránh đâu”.

Một môi trường giáo dục mà sự thật, lòng dũng cảm, sự trung thực… không có đất sống thì sẽ đi về đâu? (Báo Lao động).

Đâu rồi, lòng trung thực của ngành giáo dục (Ảnh minh họa: TTXVN).
Đâu rồi, lòng trung thực của ngành giáo dục (Ảnh minh họa: TTXVN).

Trước hành động dũng cảm, trung thực, thẳng thắn của em Toàn, rất xứng đáng được khen ngợi, cổ vũ, động viên kịp thời, thế mà đến nay, Trường trung học phổ thông Long Thới và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố vẫn chưa thấy có một động thái, hình thức khen thưởng nào dành cho em.

Là một nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, tôi thấy buồn vô cùng  với cách ứng xử “lạnh lùng” của các cấp quản lý giáo dục ở đây.

Nhà trường, thầy cô giáo luôn giảng dạy, tung hô, kêu gọi lòng trung thực của các thế hệ học trò, nào có được tích sự gì khi chính họ lại quay lưng với lòng trung thực ở các em trong những hoàn cảnh cụ thể, thực tế.        

Một minh chứng khác, đó là  trường hợp thầy L.V, giáo viên môn Vật lý, ở một trường trung học phổ thông thuộc huyện S.T .

Thầy L.V vốn là giáo viên giảng dạy và coi thi rất nghiêm túc.

Tôi còn nhớ, cách 9 năm, thầy V. được Sở Giáo dục và Đào tạo phân công làm nhiệm vụ coi thi tại Hội đồng thi trường L.S.

Năm đó phong trào "Hai không"  còn mạnh mẽ. Buổi thi đầu tiên môn văn, trước khi vào phòng thi và đầu giờ, thầy V. và giám thị thứ 2 đã dặn dò, nhắc nhở khá kỹ tất cả thí sinh trong phòng phải cố gắng làm bài tốt, nghiêm túc, không được vi phạm quy chế coi thi.

Đâu rồi, lòng trung thực? ảnh 3Nước mắt học trò và những góc khuất giảng đường ít người biết

Tuy nhiên, thời gian làm bài trôi qua chưa lâu, nhiều thí sinh đã lôi tài liệu trong túi quần ra "quay" một cách rất ngang nhiên, cố tình.

Không chấp nhận hiện tượng tiêu cực của thí sinh, thầy V. lập biên bản xử lý 5 thí sinh vi phạm quy chế.

Biết thầy làm đúng quy chế, nhưng thường trực Hội đồng thi lại không thích thầy làm thế.

Họ chủ động cho người đến khuyên, xin  thầy tha, xóa các biên bản vi phạm quy chế của 5 thí sinh, để các em có cơ hội thi đỗ tốt nghiệp, để Hội đồng thi ở đây mọi cái được êm xuôi, đâu vào đấy.

Song, thầy L.V vẫn  giữ nguyên quyết định của mình.

Trước hành động được xem là "gây sốc" của thầy V. lãnh đạo Hội đồng thi liền có cách ứng xử khác biệt với thầy ở 5 buổi, 5 môn thi còn lại, bằng cách phân công liên tục thầy V. làm giám thị hội đồng và giám thị hành lang để ít có hoặc không còn cơ hội “diệt” thí sinh vi phạm quy chế thi nữa.

Một số giám thị coi thi không những không trân trọng việc làm nghiêm túc, đúng quy chế của thầy V. mà còn có biểu hiện trách móc, xa lánh thầy V. trong thời gian coi thi tại đó và coi thầy L.V thuộc dạng "khùng", không được bình thường, thích làm "oai" thiên hạ.

Kết quả học tập phụ thuộc vào chỗ ngồi và giám thị coi thi

Lòng trung thực, tinh thần dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh, phê phán cái sai trong môi trường giáo dục ở đội ngũ thầy cô giáo tâm huyết, các em học sinh dũng cảm…ngày càng trở nên lu mờ, ít dần đi trước sự lệch lạc, thờ ơ, vô trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, thậm chí là tiêu cực, lợi ích nhóm…của một số cấp quản lý giáo dục….

Em Toàn nói ra sự thật phải chuyển trường, thầy V. coi thi đúng quy chế thì bị nhiều đồng nghiệp chê trách, cho là thần kinh có vấn đề….hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của chúng ta hướng tới xây dựng một nền giáo dục dân chủ, văn minh, hiện đại, ở đó không có chỗ cho những áp đặt, tiêu cực, bưng bít, gian dối….

Niềm tin, uy tín của ngành chỉ được củng cố, chất lượng giáo dục nước nhà được nâng lên khi lòng trung thực, tinh thần dân chủ ở mọi chủ thể (cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh) lan tỏa, rộng khắp.

THIÊN ẤN