Đầu tư tiền triệu thi KHKT, thưởng chỉ 500-700 nghìn đồng, sao HS, GV vẫn làm?

11/02/2023 06:29
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cần phải có đề tài thật, dự án thật, do chính học sinh làm thật, có như thế mới thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Thông thường, trong các hoạt động kinh tế, đầu tư, người ta đều mong muốn có được “một vốn bốn lời”.

Đầu tư trong giáo dục không thể so sánh với đầu tư ở các lĩnh vực kinh tế khác, vì “lợi nhuận” thu được trong giáo dục có thể hàng năm, hàng chục năm sau mới thấy. Nhưng đầu tư cho giáo dục lại là “siêu lợi nhuận” và bền vững cho cả gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, có một hoạt động “đầu tư” trong cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học đang rất mất “cân đối”.

Mô hình phòng học thông minh được đầu tư "khủng" đi thi Khoa học kĩ thuật.

Mô hình phòng học thông minh được đầu tư "khủng" đi thi Khoa học kĩ thuật.

Đầu tư gần chục triệu thi Khoa học kĩ thuật, giải thưởng chỉ 500-700 nghìn, sao họ vẫn làm?

Thầy giáo Nguyễn Văn Anh, giáo viên ở một tỉnh phía nam, người từng nhiều năm tham gia hướng dẫn học sinh thi Khoa học kĩ thuật chia sẻ: “Mình đặt thợ làm mô hình minh họa của đề tài để cho học sinh đi thi tốn gần chục triệu bạc.

Khi đi thi cấp tỉnh, học sinh mình được giải Ba, cả thầy và trò mừng muốn “rơi nước mắt”, nhận thưởng 700.000 đồng cùng giấy chứng nhận, lại càng vui hơn”.

Cùng tâm trạng, thầy giáo Nguyễn Văn Khương, người từng có "thâm niên" hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật chia sẻ: “Làm đề tài hệ thống nhúng cần các loại chíp … nhưng đụng vào là tốn tiền lắm.

Thế nhưng, phải có mô hình hoạt động cụ thể, nên không thể không đầu tư. Nhà trường chỉ giới hạn 2.000.000/đề tài, nên năm nào tôi cũng “lỗ vốn”.

Năm nay, tôi quyết định ngưng, không tham gia nữa, cũng do thấy nó "kì kì" sao đó. Vì đề tài của học sinh, cho học sinh nhưng giáo viên tham gia quá sâu”.

Thực tế, có những dự án mà người viết đã phỏng vấn trực tiếp giáo viên hướng dẫn, tốn kém hàng chục triệu đồng là chuyện bình thường.

Tại sao “lỗ vốn” khi đầu tư cho cuộc thi Khoa học kĩ thuật nhưng giáo viên vẫn làm?

Theo nhiều giáo viên, số tiền lỗ là có thật nhưng giáo viên không hề “lỗ vốn”, nhà trường càng không hề “lỗ”. Bởi, lãi đầu tiên chính là thành tích của nhà trường trong xếp hạng thi đua; lãi thứ hai, chính là thành tích để bổ sung vào “bộ sưu tập” của giáo viên hướng dẫn; lãi thứ ba, chính là thể hiện sự "lãnh đạo sáng suốt" của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng…

Cũng có những giáo viên nhờ chịu “lỗ vốn” mà có thành tích trong hướng dẫn học sinh thi khoa học kĩ thuật, nên được bầu cán bộ nguồn, làm lãnh đạo.

Thực tế, cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học những năm qua đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Điều này bắt nguồn khi xuất hiện những đề tài dự thi được đánh giá vượt khỏi khả năng của học sinh,

Ngày 4/2/2023, chung kết Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, tiếp tục ghi nhận nhiều đề tài bề thế, nằm ngoài chương trình học bậc phổ thông, được đánh giá ngang tầm với đề tài thạc sĩ, tiến sĩ.[1]

Những đề tài bề thế, nằm ngoài chương trình học bậc phổ thông, được đánh giá ngang tầm với đề tài thạc sĩ, tiến sĩ đó ai làm? Người viết tin rằng, những người lạc quan nhất vào khả năng nghiên cứu khoa học của học sinh cũng không dám khẳng định đề tài đó học sinh nghiên cứu giữ vị trí chủ lực.

Đáng nói, không ít đề tài bề thế, nằm ngoài chương trình học bậc phổ thông, được đánh giá ngang tầm với đề tài thạc sĩ, tiến sĩ, thường đạt giải, chọn thi quốc gia.

Vậy ai là người chịu “lỗ” trong cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học?

Theo người viết, người chịu “lỗ” thật sự trong cuộc thi Khoa học kĩ thuật khi đề tài do thầy cô, người hướng dẫn làm chủ lực, không ai khác chính là học sinh và nền giáo dục nước nhà.

Những đề tài còn sơ sài, ngô nghê, do học sinh thực hiện chắc chắn bị loại từ “vòng gửi xe”, tức là sự trung thực, thật thà của học sinh bị đánh giá thấp.

Đôi điều kiến nghị

Thời điểm này các cuộc thi nói chung, cuộc thi Khoa học kĩ thuật nói riêng trong lĩnh vực giáo dục đang được tổ chức rộng rãi. Với cuộc thi khoa học kĩ thuật, người viết rất mong cần phải có đề tài thật, dự án thật, do chính học sinh làm thật có như thế mới thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Lễ bế mạc cuộc thi Khoa học kỹ thuật năm 2023 ngày 09/2 của tỉnh BR-VT.

Lễ bế mạc cuộc thi Khoa học kỹ thuật năm 2023 ngày 09/2 của tỉnh BR-VT.

Vì thế, người viết kiến nghị

Thứ nhất: tất cả đề tài dự thi Khoa học kĩ thuật… phải được công khai minh bạch để chống “đạo văn”.

Thứ hai, các địa phương nên học tập thành phố Hồ Chí Minh, dùng phần mềm chống đạo văn để chấm thi Khoa học kỹ thuật.

Thứ ba, nên tính toán tỷ lệ tham gia của người hướng dẫn bao nhiêu % để tránh nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh mà lại thành của giáo viên, giảng viên.

Thứ tư, cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học ở cấp tỉnh, cấp quốc gia, phải chia thành hai bảng:

Bảng dành cho học sinh trung học cơ sở, bảng dành cho học sinh trung học phổ thông, có như thế mới công bằng.

Học sinh trung học cơ sở kiến thức, kĩ năng thua xa học sinh trung học phổ thông, nên sản phẩm có thể còn sơ sài, ngô nghê nhưng đó là hạt giống cần được khuyến khích, vun trồng.

Thứ năm, nghiên cứu khoa học kĩ thuật rất khó, không thể cưỡng cầu, nên các địa phương cần loại thành tích thi Khoa học kĩ thuật ra khỏi tiêu chí thi đua, giảm áp lực cho nhà trường, cho giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/chinh-sach-giao-duc/so-gddt-noi-ve-de-tai-du-thi-khoa-hoc-ky-thuat-ngang-tam-thac-si-tien-si-1144289.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh