Đau xót vụ bố mẹ bỏ rơi con gái 5 tuổi thiểu năng dù không quá nghèo

13/05/2012 10:00
Thu Hòe
(GDVN) - Bé Hạnh bị bỏ rơi vì bố mẹ em quá nghèo hay vì những người làm cha, làm mẹ đó đã quá mất niềm tin, không còn kiên nhẫn… và hy vọng nơi đứa con thiểu năng, bệnh tật, muốn chối bỏ trách nhiệm?
Đó là những câu hỏi được dư luận đặt ra khi anh Nguyễn Đình Hùng, bố đẻ của bé có những trần tình về lý do bỏ lại con của mình tại cơ quan điều tra ngày 7/5 vừa qua.Nghèo nhưng không đến nỗi không nuôi được con Ngày 10/5, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại nhà bé Nguyễn Đàm Hồng Hạnh (tổ 17, thị trấn Na Hang, Na Hang, Tuyên Quang) để tìm hiểu trực tiếp gia cảnh và tiếp xúc cùng với bố mẹ đẻ của em.
2 tháng trước, bé Nguyễn Đàm Hồng Hạnh đã bị chính bố đẻ bỏ lại ở chùa Bồ Đề
2 tháng trước, bé Nguyễn Đàm Hồng Hạnh đã bị chính bố đẻ bỏ lại ở chùa Bồ Đề
 Có lên tận nơi mới hiểu “cái sự nghèo” phải mang con bỏ lại nơi cửa chùa rồi “lén lút” ra về của những người làm bố, làm mẹ như anh Hùng, chị Chiệm là như thế nào. Nghèo! Đúng, gia đình anh Nguyễn Đình Hùng ở thị trấn Na Hang, đang được hưởng các chế độ chính sách dành cho hộ nghèo. Tuy nhiên, nghèo hèn, cơ cực đến nỗi không thể nuôi nấng, chăm sóc được đứa con gái duy nhất, dứt ruột đẻ ra của mình thì khiến người ta phải đặt dấu hỏi. Bởi lẽ, theo lời của một lãnh đạo huyện Na Hang, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều gia đình nghèo khổ hơn gia đình anh Nguyễn Đình Hùng rất nhiều. Xét về mặt bằng chung, gia đình anh Hùng được xếp vào diện chung chung ở huyện chứ không phải là nghèo nhất.
Chiều ngày 10/5, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà của bé Hạnh. Tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Đình Hùng (sinh năm 1979) và chị Đàm Thị Chiêm (sinh năm 1982), bố mẹ đẻ của bé. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi ghi nhận được, đó là một ngôi nhà gỗ đã được kiên cố, cao, thoáng mát, tương đối rộng rãi với một buồng ngủ, gian khách và đầy đủ công trình phụ thiết yếu phục vụ cho cuộc sống gồm bếp và bể nước. Đồ đạc trong nhà không nhiều nhưng vẫn có một chiếc tủ tường, một chiếc ti vi, một chiếc quạt điện và những đồ dùng sinh hoạt khác… Tài sản khác của gia đình là 5 con trâu, 12 con lợn trong đó có 3 con đang chờ xuất chuồng. Ngoài chăn nuôi, vợ chồng anh Hùng còn làm nương, làm rau và nấu rượu. Dẫu rằng, trâu, lợn trong chuồng là tiền vay ngân hàng về đầu tư. Dẫu rằng, ngôi nhà vợ chồng anh Hùng, chị Chiêm đang ở là nhà của người chị ruột đi làm ăn kinh tế ở xa cho mượn ở nhờ. Nhưng với điều kiện như thế, lý gì họ không muôi được con? Trong khi đó, họ là những người bố, người mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, không thiểu năng, không tàn tật, không mất sức lao động… Hiện tại, gia đình anh Hùng, chị Chiêm đang được hưởng các chế độ chính sách dành cho hộ nghèo. Riêng cháu Hạnh được Nhà nước trợ cấp 360.000 đồng/tháng dành cho đối tượng tàn tật không thể phục vụ được bản thân.Có ý định "đưa đi" từ lâu Trước những gợi mở câu chuyện của phóng viên, vợ chồng anh Hùng đã thoải mái hơn để chia sẻ về lý do “lặn lội” hơn 200 km mang con từ Na Hang, Tuyên Quang đến chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội bỏ lại. Anh Hùng cho biết: “Cháu Hạnh từ lúc sinh ra đã bị thiểu năng, câm điếc bẩm sinh. Cháu còn bị hở hàm ếch. Càng lớn, gia đình càng phát hiện ra cháu mắc nhiều bệnh tật. Cứ nghe đâu có thuốc hay chữa được là vợ chồng tôi lại kiếm tiền mang con đi. Đưa đi nhiều, tốn kém nhiều tiền bạc nhưng vẫn chả được, đến giờ cháu vẫn không khá hơn…”
Vợ chồng anh Nguyễn Đình Hùng và chị Đàm Thị Chiêm, bố mẹ đẻ của bé Nguyễn Đàm Hồng Hạnh
Vợ chồng anh Nguyễn Đình Hùng và chị Đàm Thị Chiêm, bố mẹ đẻ của bé Nguyễn Đàm Hồng Hạnh
Vợ chồng anh Hùng cũng thật thà cho biết kế hoạch “đưa con đi” của mình. Anh Hùng cho biết: “Vợ chồng tôi cũng tính toán nhiều lắm và có kế hoạch này từ năm ngoái. Nếu mà thuận lợi gửi cháu đi được thì hai vợ chồng cố gắng làm để gầy dựng kinh tế rồi mấy năm sau sẽ đón cháu về…” Chị Chiêm tiếp lời chồng phân trần: “Bà lên giúp chăm cháu cũng ốm đau suốt. Tôi một mình vừa phải cho lợn ăn, quán xuyến việc nhà, chăm con, chăm mẹ nên rất vất vả. Con là con mình đẻ ra, đau lắm! Nhưng cứ ôm khư khư như thế thì không làm được gì. Năm ngoái, tôi cũng điện thoại nhờ bạn hỏi giúp Trung tâm bảo trợ trẻ em tỉnh Tuyên Quang xem có gửi con vào đó được không. Tuy nhiên, Trung tâm chỉ nhận những trẻ em không còn bố mẹ nên đành phải gửi con vào chùa…” Trước câu hỏi, mang con đi bỏ như vậy có sợ mang tiếng để đời, chị Chiêm trả lời rằng: “Mình hoàn cảnh như thế thì mình phải chịu. Hàng xóm có biết mình cũng phải chịu. Họ có nói gì mình cũng phải chịu nhục. Để con ở nhà không chăm sóc được, suốt ngày nó ăn đất, ăn cát, trèo leo, vào chuồng gà bốc phân gà ăn. Mẹ đi nấu cơm, cho lợn ăn…, con ị ra lại lấy tay bốc phân cho vào mồm ăn… Nhiều lần như vậy, tôi xót lắm, khổ lắm và cũng nghĩ có nhiều người cũng đi gửi con như vậy. Biết là nhớ con nhưng đành cho con đi vậy….”Gửi con hay vứt con? Anh Hùng khẳng định: “Khi để lại cháu, tôi cũng thương, cũng rơi nước mắt, ôm con khóc. Bỏ con thì vợ chồng tôi không bỏ mà chỉ mong gửi lại con ở chùa một thời gian để làm ăn kinh tế. 5 – 7 năm, khi kinh tế khấm khá lên sẽ đón con về sum họp…” Vợ chồng anh Hùng khẳng định không vứt bỏ bé Hạnh nhưng hành động gửi bỏ con lại chùa rồi lén lút ra về khi chưa được nhà chùa chấp thuận việc nhận nuôi bé Hạnh hay không làm bất cứ ai cũng có quyền nghĩ: Ông bố này đã quá ngao ngán và có ý định vứt bỏ đứa con bệnh tật, thiểu năng.
Anh Nguyễn Đình Hùng, bố đẻ và là người bỏ lại bé Hạnh tại chùa Bồ Đề
Anh Nguyễn Đình Hùng, bố đẻ và là người bỏ lại bé Hạnh tại chùa Bồ Đề
“Tôi đưa cháu đến chùa thì gặp được sư cô và 1 bà ngồi uống nước ở bàn công đức. Tôi có trình bày về hoàn cảnh gia đình, tình trạng bệnh tật của cháu, nguyện vọng của vợ chồng tôi. Sư cô cho biết là phải chờ các sư thầy ngủ dậy, họp xem có quyết định nhận cháu vào chùa không. Tôi để lại cháu ở đó, đi thắp hương quanh chùa cầu khấn cửa chùa nâng đỡ cho gia đình, cho cháu… và  lặng lẽ ra về”, anh Hùng xác nhận lại quá trình đưa bé Hạnh đến chùa và bỏ lại con. Khi được hỏi, khi nào vợ chồng có ý định đón con về, cả hai vợ chồng anh Hùng, chị Chiêm đều có chung một câu trả lời: “Vợ chồng tôi vẫn có nguyện vọng xin gửi con lại ở chùa, xin nhờ chùa chăm sóc cháu để về nhà làm ăn. Khi nào kinh tế gia đình ổn định, vững vàng thì lên đón cháu về chứ không bỏ cháu đâu…” Chia sẻ với phóng viên, chị Chiêm thật thà cho biết dự định, sang năm sẽ sinh thêm một đứa con khác.

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh, 5 tuổi, bị bỏ rơi tại chùa Bồ Đề, Hà Nội.

Mã số  46

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy.

- Swift Code: VBAAVNVX

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Thu Hòe