Dạy - học trực tuyến để phòng dịch, đừng phó mặc tất cả cho giáo viên

04/02/2021 06:15
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dạy để báo cáo là có triển khai, giáo viên có thực hiện, học sinh có tham gia thì vô cùng dễ. Nhưng dạy để mang lại chất lượng thật sự cho các em lại rất khó...

Tính đến 3/1 đã có không ít tỉnh thành trong cả nước đã cho học sinh nghỉ Tết sớm vì dịch Covid. Điều nhiều người lo lắng nhất là nếu chưa thể dẹp ngay dịch Covid thì học sinh sẽ phải tạm ngừng đến trường như năm học 2019-2020.

Hình ảnh các thầy cô giáo Trường Trưng Vương, tỉnh Quảng Trị tập trung tại trường dạy online mùa dịch Covi (Ảnh nhà trường cung cấp)

Hình ảnh các thầy cô giáo Trường Trưng Vương, tỉnh Quảng Trị tập trung tại trường dạy online mùa dịch Covi (Ảnh nhà trường cung cấp)

Và để đảm bảo việc học của các em vẫn được duy trì, bắt buộc các trường học phải khởi động dạy trực tuyến. Tuy nhiên, dạy để báo cáo là nhà trường có triển khai, giáo viên có thực hiện, học sinh có tham gia thì vô cùng dễ. Nhưng dạy để mang lại chất lượng thật sự cho các em lại chẳng hề đơn giản chút nào, đặc biệt ở nhiều trường công lập.

Bởi nhiều trường học hiện nay thiếu cơ sở vật chất, nhiều gia đình học sinh cũng không có đủ điều kiện về thời gian, về điện thoại thông minh hay máy tính để giúp các em học tập.

Nhìn lại việc tổ chức dạy học trong thời gian chống dịch Covid năm học 2019-2020

Năm học 2019-2020 cũng vì dịch Covid bùng phát, học sinh cả nước phải nghỉ học từ 5 đến 7 tuần. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu tạm dừng đến trường nhưng vẫn không ngừng học. Các trường học trong cả nước đã triển khai nhiều biện pháp để giúp đỡ học sinh ôn bài và học kiến thức mới.

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường tư thục đã triển khai rất tốt việc tổ chức cho học sinh học trực tuyến.

Lợi thế của nhiều trường tư thục là cơ sở vật chất của trường đầy đủ, điều kiện kinh tế của phụ huynh cũng khá giả. Bởi thế, bước đầu tổ chức giảng dạy trực tuyến đã thu được kết quả khả quan.

Ngược lại, nhiều trường học công lập lại gặp khó khăn trong việc triển khai dạy trực tuyến. Một phần do điều kiện nhà trường không đủ máy móc thiết bị, không có phòng tin học, giáo viên yếu công nghệ thông tin và điều kiện phụ huynh gặp khó khăn về mọi mặt nên việc triển khai dạy học mang lại kết quả chưa cao.

Dạy học trực tuyến trong mùa dịch, giáo viên có thể dùng nhiều cách khác nhau để truyền đạt kiến thức từ xa cho học sinh.

Tùy tình điều kiện từng địa phương, việc dạy học trong mùa dịch được các thầy cô giáo áp dụng nhiều hình thức phù hợp như quay video bài giảng úp Youtube, học qua Zalo, Facebook, Viber, lấy bài trên email, gửi bài tập trên hệ thống Vnedu, đưa bài trực tiếp tới nhà học sinh...

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều trường học đang phó mặc cho giáo viên “tự bơi” trong việc chuẩn bị bài vở và giảng dạy. Do nhiều giáo viên còn yếu công nghệ thông tin nên chưa biết dựng video thế nào hoặc biết dựng rồi nhưng hình ảnh các video không đảm bảo chất lượng.

Rút kinh nghiệm dạy học mùa dịch trong năm học qua, để việc giảng dạy online trong mùa dịch đạt kết quả, theo người viết cần thực hiện tốt những biện pháp:

Thứ nhất, trước khi tổ chức dạy học online cho học sinh, nhà trường cần tập trung tất cả giáo viên lên trường (vẫn yêu cầu phòng dịch, mỗi giáo viên ngồi cách nhau 1 mét và đeo khẩu trang) để giáo viên tin học hỗ trợ việc dựng video đưa lên Youtube hoặc dạy học trực tuyến.

Thứ hai, với học sinh ở vùng khó không có máy tính hay điện thoại thông minh để học trực tuyến, giáo viên chọn hình thức học phù hợp như quay video đưa Youtube (học sinh có thể học lúc nào cũng được) hoặc đưa bài trên email, Zalo, Facebook…

Thứ ba, nhà trường nên yêu cầu giáo viên tập trung theo tổ chuyên môn (mỗi tổ từ 3 đến 5 người). Giáo viên sẽ cùng nhau xây dựng giáo án, bài dạy chung. Khi bài giảng hoàn thành, giáo viên thay nhau giảng bài theo môn, quay video gửi cho học sinh học.

Cùng với đó, thầy cô gửi thêm câu hỏi, hệ thống bài tập cho các em làm và chấm sửa bài để hỗ trợ học sinh.

Việc yêu cầu giáo viên tập trung tại trường học để cùng soạn, giảng, gửi và chấm bài cho học sinh sẽ mang lại khá nhiều hiệu quả. Giáo viên sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và nhà trường cũng theo dõi được việc làm cũng như việc học của học sinh.

Từ đó, sẽ có kế hoạch điều chỉnh kịp thời giúp học sinh theo kịp với chương trình.

Phan Tuyết