ĐBQH băn khoăn chi 100 đồng cho đề tài khoa học, chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu

07/06/2023 14:41
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-ĐBQH băn khoăn khi đầu tư 100 đồng cho các đề tài khoa học, chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại là cho bộ máy, cho chi thường xuyên,...

Tạo sự cộng hưởng giữa trường, viện và đại học

Trong phiên làm việc sáng ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã đăng đàn trả lời chất vấn, đã có 120 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, quan tâm đến nhiều nội dung thuộc nhóm vấn đề khoa học và công nghệ.

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho biết, hiện nay việc liên kết đào tạo giữa các trường đại học và các doanh nghiệp đã trở thành một xu thế chung của thế giới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

“Tuy nhiên việc liên kết, hợp tác này ở nước ta còn nhiều hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này” - vị đại biểu đề cập.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên). Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Về liên kết viện và trường, cũng phải nói đây là một vấn đề cá nhân tôi cũng hết sức trăn trở.

Trong thời gian trước đây, trường hoạt động theo trường và doanh nghiệp thì hoạt động theo doanh nghiệp, không có sự kết nối một cách hữu cơ và hiệu quả. Bởi vì thực ra 2 bên đều có nhu cầu, doanh nghiệp thì có nhu cầu và trường đại học thì cũng có nhu cầu.

Thời gian gần đây, chúng ta đã có những chủ trương, chính sách và cơ chế để 2 khu vực này, khu vực hàn lâm và khu vực doanh nghiệp xích lại gần nhau với vai trò của Nhà nước là vai trò “bà đỡ”, là tạo thể chế, cơ chế, chính sách và một môi trường, hệ sinh thái để làm sao cho doanh nghiệp và các trường đại học xích gần nhau hơn, với sự cần nhau thực sự.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Cụ thể, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra các cơ chế, chính sách, quy định và các giải pháp để hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, còn trường, viện là chủ thể nghiên cứu và tạo môi trường, cơ chế, chính sách để có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, làm thế nào nghiên cứu khoa học phải đổi mới sáng tạo từ trường để chuyển sang doanh nghiệp để khai thác một cách có hiệu quả, hiệu lực và gần đây thì sự kết nối đó đã ngày càng nhiều hơn, rõ nét hơn và hiệu quả hơn.

Chúng tôi rất mong, các trường, các viện cũng như là các doanh nghiệp của cả nước phải quan tâm, đồng hành, chia sẻ và gắn kết với nhau để tạo sự cộng hưởng giữa trường, viện và đại học”.

Băn khoăn khi đầu tư 100 đồng, chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho biết: “Đảng và Nhà nước ta đã dành nguồn lực rất to lớn cho khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng nguồn lực này như thế nào đang đặt ra rất nhiều vấn đề.

Trong giai đoạn 2016-2021, trong tổng kinh phí dành cho các đề tài cấp bộ, cấp cơ sở thì chỉ có khoảng 13% dành cho nghiên cứu.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) băn khoăn khi khoản đầu tư cho các đề tài khoa học, 100 đồng chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại là cho bộ máy, cho chi thường xuyên. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) băn khoăn khi khoản đầu tư cho các đề tài khoa học, 100 đồng chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại là cho bộ máy, cho chi thường xuyên. Ảnh: quochoi.vn.

Có nghĩa là khoản đầu tư cho các đề tài khoa học, 100 đồng chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại là cho bộ máy, cho chi thường xuyên,...

Với trách nhiệm là quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ thì đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ như thế nào và giải pháp cho vấn đề này trong những năm tới là gì?”.

Đặt câu hỏi chất vấn, Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược về phát triển khoa học công nghệ. Theo đó, rất cần có sự tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học còn băn khoăn về những cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học… Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cho vấn đề này.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời các chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Trước tiên, tôi xin phép trao đổi ý kiến của Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy. Phải nói đây là nội dung không những Bộ, ngành khoa học, công nghệ quan tâm mà phải nói xã hội cũng rất quan tâm, nhất là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu.

Như chúng tôi báo cáo ở trên, năm 2023 chúng tôi sửa các thông tư quy định về quản lý các chương trình, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ một cách đồng loạt. Đồng loạt để đảm bảo cho các thông tư có tính liên thông, đồng bộ với nhau.

Chúng tôi thành lập một tổ công tác. Hiện nay các thông tư cơ bản đã được hình thành.

Vừa qua, Bộ đã ban hành 5 thông tư mới, đồng bộ với việc tái cơ cấu các chương trình khoa học, công nghệ quốc gia. Cùng với đó, Bộ cũng bãi bỏ quy định các nhà khoa học là chủ nhiệm có nghiệm thu không đạt thì không được tiếp tục tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ trong 2 năm tiếp theo. Điều này thể hiện Bộ rất quan tâm đến tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của ngành khoa học công nghệ để có những quy định tiến bộ, phù hợp”.

Nhấn mạnh khoa học là con đường ngắn nhất đi đến thịnh vượng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ cố gắng động viên các nhà khoa học tham gia một cách tích cực vào các hoạt động thiên chức của mình là nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng cũng kiến nghị các cấp chính quyền tin tưởng, giao nhiều trọng trách, nhiệm vụ cho các nhà khoa học để lực lượng này phát huy được năng lực, đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 27 để đơn giản hóa các thủ tục mua sắm, thanh toán để giảm bớt hồ sơ, thủ tục thanh toán, để khoán chi đúng nghĩa đến sản phẩm sau cùng, tránh tình trạng hồ sơ thanh toán nhiều hơn hồ sơ khoa học.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 7/6. Ảnh: quochoi.vn.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 7/6. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh đến tính đặc thù về kinh tế, tài chính của lĩnh vực khoa học, công nghệ, bởi nghiên cứu khoa học không thể tính toán định lượng chính xác như các hoạt động lao động sản xuất khác. Vì vậy, rất khó để xây dựng định mức, tính toán hiệu quả, lợi nhuận.

Trong quá trình chúng ta xây dựng thuyyết minh, trong quá trình quản lý đề tài hoặc ngay cả nghiệm thu đề tài, việc xác định lợi nhuận, xác định hiệu quả kinh tế phải ở trong tương lai.

Một giải pháp nữa là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ về phương thức họp, kiểm tra, đánh giá, hình thành và sử dụng cơ sở dữ liệu tập trung thì sẽ tăng hiệu quả, hiệu lực, tính minh bạch trong quá trình quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ”.

Huệ Phương