Đề minh họa Ngữ văn của Bộ có phù hợp với hướng dẫn của Công văn 3175?

03/03/2023 06:32
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề minh họa môn Văn mà Bộ vừa công bố, phần làm văn (câu 5 điểm) yêu cầu thí sinh phân tích có phần chưa thực sự phù hợp với Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH.

Ngày 01/3/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, trong đó có môn Ngữ văn nhằm định hướng cấu trúc, hình thức, nội dung đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 vào cuối tháng 6 tới đây.

Nhìn chung, cấu trúc, kiến thức đề thi môn Ngữ văn giữ được sự ổn định so với các kỳ thi vừa qua, tạo sự yên tâm cho các em học sinh lớp 12 năm nay. Về cơ bản, đề thi môn Ngữ văn vẫn giữ được sự an toàn nhưng chưa có sự đột phá lớn so với trước đây.

Đặc biệt, nếu so sánh với Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông mà Bộ đã ban hành đầu năm học thì đề thi minh họa môn Ngữ văn chưa thể hiện tính tiên phong trong việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.

Đề minh họa môn Ngữ văn mà Bộ vừa công bố (Ảnh chụp từ mà hình)

Đề minh họa môn Ngữ văn mà Bộ vừa công bố (Ảnh chụp từ mà hình)

Tính thống nhất về hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, thi cử môn Ngữ văn nhìn từ Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH

Trước những bất cập về việc dạy và học, cũng như kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong những năm vừa qua, ngày 21/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Lúc đó, Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đã nhận được sự đồng tình của dư luận vì mọi người cho rằng với hướng dẫn mới này sẽ khắc phục được tình trạng văn mẫu, bài mẫu đã tồn tại hàng chục năm qua ở các trường phổ thông.

Theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, việc đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn được hướng dẫn như sau:

a) Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

b) Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.

c) Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

d) Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH cũng yêu cầu: các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hướng dẫn này từ năm học 2022-2023.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Thường xuyên để cùng phối hợp, giải quyết.

Nếu hiểu đúng như tinh thần chỉ đạo của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH thì đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn sẽ không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa để “xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểuviết”- điều này cũng đồng nghĩa là ngữ liệu lấy hoàn toàn ngoài sách giáo khoa vì đề kiểm tra hay đề thi môn Ngữ văn cũng đều có 2 phần là “đọc hiểu” và “viết” mà thôi.

Thế nhưng, đến ngày 22/8/2022- thời gian cận kề năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023.

Theo đó, Bộ hướng dẫn: đối với môn Ngữ văn, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo hướng dẫn tại Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Việc kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ GDĐT đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12.

Như vậy, chỉ trong vòng có hơn 1 tháng trước năm học 2022-2023, giữa Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH đã có sự khác biệt cơ bản trong chỉ đạo, điều hành từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đề minh họa môn Ngữ văn Bộ vừa công bố đã đúng theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH?

Việc Bộ vẫn giữ được cấu trúc, ngữ liệu giống như đề minh họa vừa công bố sẽ thuận lợi cho học sinh lớp 12 năm nay bởi thực tế các em đã học 11 năm theo cấu trúc đề Ngữ văn cũ nên sẽ gặp khó khăn nếu Bộ ra đề đúng theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH.

Vì thế, chúng tôi không bàn về nội dung đề minh họa và hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có rất nhiều hướng dẫn giải đề. Nhưng, băn khoăn giữa cách chỉ đạo và thực hiện của Bộ.

Bởi lẽ, Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Vậy cuối cấp học là thời điểm nào nếu không phải là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đối với học sinh lớp 12? Vì, trong quá trình học, học sinh chỉ thực hiện kiểm tra định kỳcuối năm học mà thôi. Không có kiểm tra ở “cuối cấp học” và cụm từ này phải được hiểu là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đối với học sinh lớp 12.

Mặc dù, Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH ban hành sau đó hơn 1 tháng đã hướng dẫn việc đánh giá môn Ngữ văn theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12.

Nhưng, đó là khuyến khích kiểm tra, còn đề minh họa ở đây là đề thi- phù hợp với cụm từ cuối cấp học ở Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH.

Hơn nữa, Bộ hướng dẫn đổi mới cách đánh giá học sinh đối với môn Ngữ văn, rõ ràng Bộ cần tiên phong đổi mới để dưới cơ sở noi theo.

Vì thế, việc đề minh họa môn Ngữ văn mà Bộ vừa công bố, phần làm văn (câu 5 điểm) yêu cầu thí sinh phân tích một đoạn thơ trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu có phần chưa thực sự phù hợp với Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH mà Bộ đã ban hành vào ngày 21/7/2022.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH