Đề nghị mở rộng thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm

11/03/2017 07:00
Mai Anh
(GDVN) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị mở rộng mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và xã, phường tại nhiều địa phương.

Năm 2015 thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Chính phủ về thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, từ ngày 15/11/2015 đến 15/11/2016, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 10 quận, huyện và 20 xã phường (mỗi thành phố 5 quận, huyện và 10 xã phường).

Nhằm đánh giá mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, cấp phường sáng ngày 10/3/2017, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị Tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và xã, phường tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị Tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và xã, phường tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - ảnh: H.Lực
Hội nghị Tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và xã, phường tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - ảnh: H.Lực

Qua một năm thực hiện thí điểm thanh tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm tại cấp quận, huyện và xã, phường cho thấy trong quá trình thực hiện thí điểm, số lượng cơ sở bị thanh tra và phát hiện vi phạm cũng như số tiền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đều tăng.

Cụ thể, trong năm thực hiện thí điểm, thành phố Hà Nội đã thành lập 65 đoàn và tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.536 cơ sở sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 xã,  phường được chọn.

Kết quả đã phát hiện 786 cơ sở vi phạm, phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 1,2 tỷ đồng. So với năm 2015, số lượng cơ sở vi phạm bị phát hiện và số tiền xử phạt đều tăng.

Trước đó, kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2015 tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường được chọn tại Hà Nội chỉ phát hiện 156 cơ sở vi phạm với số tiền bị phạt là 483 triệu đồng.

Như vậy so sánh kết quả thanh tra, kiểm tra trước và trong trong thời gian thí điểm có sự khác nhau. Theo đó số cơ sở vi phạm bị phát hiện đã tăng lên 215 cơ sở (tăng 237,8%), số tiền phạt cũng tăng hơn 678 triệu đồng (tăng 240,4%).

Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Nguyễn Thanh Long cùng lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị Metro Hà Nội năm 2015 - ảnh nguồn Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Nguyễn Thanh Long cùng lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị Metro Hà Nội năm 2015 - ảnh nguồn Bộ Y tế.

Tương tự tại thành phố Hồ Chí Minh qua việc thanh tra, kiểm tra 3.968 cơ sở, các đoàn thanh tra đã phát hiện 2.163 cơ sở vi phạm, phạt tiền 923 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 4,2 tỷ đồng. 

So với cùng kỳ, trong thời gian thực hiện thí điểm thanh tra, kiểm tra, số lượng cơ sở bị phát hiện vi phạm và số tiền phạt tăng mạnh. Cụ thể năm  2015, thành phố Hồ Chí Minh chỉ phát hiện 343 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là hơn 1,9 tỷ đồng.

Trước việc số cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, số tiền xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm tăng trong quá trình thực hiện thí điểm, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Đây là con số minh chứng hiệu quả của quá trình thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và xã, phường tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong phát biểu tại Hội nghị Tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và xã, phường tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - ảnh: H.Lực
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong phát biểu tại Hội nghị Tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và xã, phường tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - ảnh: H.Lực

Theo PGS.Nguyễn Thanh Phong, con số cơ sở vi phạm bị phát hiện tăng cho thấy ý thức chấp hành quy định an toàn thực phẩm của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm chưa tốt. Đồng thời cũng chỉ ra việc thanh tra, kiểm tra liên tục sát sao sẽ tác động vào ý thức doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thực hiện đúng.

Ngoài kết quả đạt được, theo báo cáo của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện thí điểm thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và xã, phường, lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn về nhân lực như không có cán bộ chuyên trách về an toan thực phẩm, thiếu cán bộ có chuyên môn về an toàn thưc phẩm, nghiệp vụ thanh tra an toàn thực phẩm yếu. 

Mặt khác cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại xã, phường chủ yếu nhỏ lẻ, biến động gây khó khăn cho quá trình thanh kiểm tra. Tâm lý e ngại người thân quen khiến việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm cấp xã, phường gặp khó khăn.

Qua một năm thực hiện thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và xã, phường ghi nhận chuyển biến tích cực về an toàn thực phẩm.

Để có thêm thực tiễn đánh giá mô hình thanh tra này, từ đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương. 

Cục An toàn thực phẩm đề xuất việc mở rộng địa phạm vi thí điểm không chỉ tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở các địa phương khác như Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Gia Lai.

Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Trương Quốc Cường phát biểu tại hội nghị - ảnh: H.Lực.
Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Trương Quốc Cường phát biểu tại hội nghị - ảnh: H.Lực.

Trước đề xuất của các địa phương và Cục An toàn thực phẩm về việc mở rộng thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Trương Quốc Cường nhận định, kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm khi thực hiện thí điểm là tốt, cho thấy hiệu quả của mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại cấp quận (huyện), xã (phường).

Tuy nhiên Thứ trưởng Cường đặt ra câu hỏi với Cục An toàn thực phẩm và các địa phương: Nếu so sánh giữa kết quả đạt được với việc phải thành lập hàng chục đoàn thanh tra, phải tốn thời gian, nhân lực vật lực thì cần xem xét đánh giá kết quả đó đã tốt chưa, đã giải quyết được tận gốc vấn đề an toàn thực phẩm chưa?

Qua đó, cùng với kết quả thanh tra theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường trong quá trình thực tế thanh, kiểm tra tại cơ sở từng địa phương khi thấy rõ bất cập phải đề xuất phương án giải quyết, tránh việc kiểm tra xong, phạt xong đâu lại vào đó. 

Thứ trưởng Cường nhấn mạnh, mục đích cuối cùng của thanh tra an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và xã, phường là để người sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiểu và chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

10 quận, huyện và 20 xã, phường thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm gồm:

Tại Hà Nội là: Quận Ba Đình và các phường Thành Công, Ngọc Khánh; quận Đống Đa và các phường Láng Hạ, Trung Liệt; quận Nam Từ Liêm và các phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2; huyện Đông Anh và các xã Kim Chung, Uy Nỗ; huyện Thường Tín và Thị trấn Thường Tín, xã Tô Hiệu. Quận: Ba Đình, Đống Đa, Nam Từ Liêm, hai huyện gồm: Thường Tín và Đông Anh.

Tại thành phố Hồ Chí Minh gồm: Quận 3 và các phường 2, phường 6; quận 5 và các phường 7 và phường 13, quận Bình Tân  và các phường An Lạc A, Bình Trị Đông B, huyện Bình Chánh và hai xã Vĩnh Lộc A và xã Bình Chánh, huyện Hóc Môn và xã Tân Hiệp, thị trấn Hóc Môn.

Mai Anh