Để phát triển giáo dục, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên mong muốn điều gì?

26/03/2023 06:52
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho rằng, với đặc thù của vùng Tây Nguyên, không thể định biên như ở các vùng đồng bằng.

Chia sẻ tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã chia sẻ một số khó khăn trong triển khai hoạt động giáo dục tại địa phương.

Cụ thể, Gia Lai đang gặp khó khăn khi triển khai dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh.

Về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh gặp khó trong công tác chuẩn bị giáo viên cho một số môn học mới và các môn tích hợp; Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị khó đảm bảo cho việc dạy 2 buổi/ngày cho học sinh. Thêm một điểm nghẽn nữa là khi triển khai các nhiệm vụ, gần như ngân sách địa phương phải tự cân đối.

Các địa phương vùng Tây Nguyên đều chia sẻ khó khăn về bài toán đội ngũ giáo viên. Ảnh minh họa: Nguyên Phương

Các địa phương vùng Tây Nguyên đều chia sẻ khó khăn về bài toán đội ngũ giáo viên. Ảnh minh họa: Nguyên Phương

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng đề xuất vấn đề đảm bảo biên chế cho ngành giáo dục.

“Với đặc thù của vùng Tây Nguyên, không thể định biên như ở các vùng đồng bằng.

Gia Lai đang thiếu đến 4500 giáo viên. Chúng tôi rất vui mừng khi được giao 1244 biên chế nhưng đến giờ Gia Lai chưa nhận được chính thức từ bộ ngành chủ quản.

Trong hướng dẫn tiếp theo của Bộ Tài chính còn nêu: ngân sách địa phương sẽ chi trả cho giáo viên được phân bổ này, điều này gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện”, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết.

Tỉnh Gia Lai đề xuất, khi xây dựng chính sách, đề án, chương trình thì cần quan tâm đến tính chất đặc thù của vùng miền để xây dựng chính sách phù hợp cho từng vùng miền, vùng Tây Nguyên cần có chính sách đặc thù, gắn với việc xây dựng chính sách cần cân đối nguồn lực và khung thời gian để thực hiện.

Bên cạnh đó, cần có nhiều mô hình tổ chức cho học sinh nội trú, bán trú, để tránh tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

“Về bố trí giáo viên, việc tinh giản biên chế, tỉnh Gia Lai thống nhất và chấp hành, nhưng đặc thù đối với Tây Nguyên, việc tinh giản 10% thì rất khó, vì khu vực này có những điểm trường, lớp ghép và buộc phải bố trí đủ giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ cần phải ngồi lại để rà soát, thống nhất phân bổ đảm bảo giáo viên”, Bà Lịch nêu kiến nghị.

Trước tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh, bà Y Ngọc – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum kiến nghị Bộ Nội vụ không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo lộ trình; không cắt giảm số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục tỉnh Kon Tum theo dự thảo Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.

Hiện nay, các địa bàn đặc biệt khó khăn thiếu nguồn tuyển giáo viên, một số giáo viên không yên tâm công tác, đời sống khó khăn nên một số giáo viên nghỉ việc, chuyển công tác đến vùng thuận lợi.

Để tạo động lực cho đội ngũ, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, trong đó có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích giáo viên an tâm công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số như: chính sách thu hút, chính sách tiền lương, hoàn thiện chính sách tuyển dụng đối với đối tượng đào tạo theo địa chỉ cử tuyển và đối với đội ngũ nhà giáo là người địa phương dạy trẻ em người dân tộc thiểu số.

Trước những đặc thù của vùng Tây Nguyên, bà Y Ngọc đề xuất với Chính phủ, trên cơ sở đánh giá toàn diện các chính sách dành cho học sinh dân tộc thiểu số hiện nay, ưu tiên sắp xếp nguồn lực duy trì chính sách hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ bữa ăn bán trú. Bởi đây là điều kiện quan trọng trong công tác huy động học sinh ra lớp, duy trì chuyên cần, giảm tỷ lệ các điểm trường nhỏ lẻ nâng cao chất lượng dạy học.

Bên cạnh đó, quan tâm mở rộng phạm vi thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số để hỗ trợ ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Phạm S – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chia sẻ bên lề Hội nghị. Ảnh: Nguyên Phương

Ông Phạm S – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chia sẻ bên lề Hội nghị. Ảnh: Nguyên Phương

Chia sẻ về công tác giáo dục vùng Tây Nguyên, ông Phạm S – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, cần tăng khả năng tiếp cận đào tạo đại học cho người dân của vùng, vì hiện nay, tỷ lệ này còn ở mức rất thấp.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo chuyên sâu, mũi nhọn từ trung học phổ thông để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ĐắK Nông cũng đã có những kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc bổ sung biên chế giáo viên.

Cụ thể, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026; theo đó năm học 2022-2023 giao bổ sung cho tỉnh Đắk Nông 115 biên chế giáo viên.

Tuy nhiên, đối chiếu với quy định và nhu cầu thực tế, tỉnh đang thiếu nhiều giáo viên, nhân viên (hiện nay, tổng số giáo viên thiếu trong toàn ngành là 606 người, tổng số nhân viên thiếu trong toàn ngành là 421 người).

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh ĐắK Nông đề nghị cơ quan có thẩm quyền cân đối giao bổ sung thêm biên chế giáo viên cho tỉnh Đắk Nông trong năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tăng cường đầu tư chương trình kiên cố hóa trường lớp học để Đắk Nông sớm đủ điều kiện về cơ sở vật chất hoàn thành Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 và chuẩn bị cho Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi.

Tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị các tỉnh trong vùng Tây Nguyên tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động về giáo dục và đào tạo trong nội vùng, nhằm phát huy tối đa các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong giai đoạn mới.

Nguyên Phương