Đề thi ĐGNL không công khai nên nếu sai sót sẽ khó biết để kiểm chứng

09/02/2023 06:12
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo chuyên gia, trường nào tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cũng muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của kỳ thi và nhiều nơi chấp nhận kết quả của họ. 

Đến nay, hàng chục trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023 với các thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh và các phương thức xét tuyển.

Năm nay, các đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực có nhiều sự thay đổi nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho thí sinh dự thi, lấy kết quả xét tuyển đại học.

Ví như tại kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thí sinh đăng ký dự thi sẽ dễ dàng hơn khi hệ thống đăng ký được đầu tư và nâng cấp. Bên cạnh đó, đơn vị này cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ công nhận kết quả thi đánh giá năng lực của nhau để tuyển sinh.

Việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực được nhiều người ủng hộ, bởi qua đó lựa chọn được những thí sinh có đủ năng lực, phù hợp với ngành đào tạo của nhà trường. Bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều ý kiến băn khoăn về việc tổ chức kỳ thi riêng này của các trường.

Bình luận về nội dung trên, thầy Vũ Khắc Ngọc (giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho hay, hai Đại học Quốc gia công nhận kết quả thi đánh giá năng của nhau xuất phát từ việc hai đại học có thiện chí hợp tác, đồng thời, hai đại học ở hai miền Nam - Bắc, không có sự cạnh tranh với nhau.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc. (Ảnh:hoacmai.vn)

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc. (Ảnh:hoacmai.vn)

"Hiện nay có cuộc đua, sự cạnh tranh giữa các kỳ thi đánh giá năng lực do từng trường tổ chức. Trường nào cũng muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng kỳ thi riêng và mong muốn nhiều nơi chấp nhận kết quả của họ. Khi đó, uy tín, danh tiếng kỳ thi của trường sẽ tăng, đồng thời dễ dàng cho thí sinh lựa chọn.

Trong sự cạnh tranh lại có sự hợp tác, như kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh phục vụ cho thí sinh khu vực phía Nam, còn kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội chủ yếu dành cho thi sinh khu vực phía Bắc nên sự cạnh tranh là không lớn.

Hai trường đã hợp tác với nhau bằng việc quy đổi điểm, chấp nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận là dù thang điểm khác nhau, nhưng cấu trúc đề thi của hai kỳ thi này có sự tương đồng", thầy Ngọc chia sẻ.

Thầy Vũ Khắc Ngọc cho biết, đối với kỳ thi đánh giá năng lực của các khối ngành, các trường khác như khối trường công an, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì việc quy đổi điểm sẽ khó khăn hơn do cấu trúc đề đánh giá khác biệt hơn.

Bên cạnh đó, việc hợp tác, đồng ý quy đổi điểm của nhau hay không là quyền tự chủ các trường.

Đánh giá về mặt hạn chế trong kỳ thi đánh giá năng lực, thầy Ngọc cho rằng, hạn chế lớn nhất của kỳ thi là tính công khai, minh bạch về dữ liệu nội dung đề thi, không như đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo là thí sinh thi xong, toàn bộ đề thi sẽ được công bố công khai.

"Việc xây dựng ngân hàng đề thi của các trường rất tốn kém, nên họ không công bố đề thi chính thức sau mỗi kỳ thi ra bên ngoài. Vì vậy, nếu có rủi ro, sai sót về đề thi thì dư luận bên ngoài khó biết để kiểm chứng, giám sát", thầy Ngọc nói.

Về kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy Ngọc cho hay, so với kỳ thi của năm trước, năm nay thời gian làm bài thi được rút ngắn từ 270 phút xuống còn 150 phút, từ thi trên giấy giờ thi trên máy tính và chỉ còn hình thức trắc nghiệm. Việc tổ chức rút gọn như vậy sẽ giúp cho kỳ thi được tổ chức nhiều lần, nhiều đợt và ở nhiều nơi khác nhau.

"Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội không phụ thuộc vào nội dung của môn học truyền thống (Lý, Hóa, Sinh...), nó tiệm cận với các kỳ thi đánh giá trên thế giới. Tuy nhiên, do còn mới (bắt đầu tổ chức từ năm 2020) nên thí sinh khó ôn luyện. Tính chất của kỳ thi này sẽ phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, khi học sinh được lựa chọn các môn học, ví như học Lý nhưng không học Hóa, Sinh... trong khi đó kỳ thi của hai Đại học Quốc gia là bài thi tổ hợp các môn", thầy Ngọc chia sẻ.

Bình luận về nội dung trên, Tiến sĩ Lê Đông Phương (cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho hay, về bản chất, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ có hiệu quả trong tuyển sinh đại học hơn là căn cứ kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tiến sĩ Lê Đông Phương. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Tiến sĩ Lê Đông Phương. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Tiến sĩ Phương cho rằng, tuyển sinh đại học là việc chọn ra những người phù hợp nhất với nhu cầu của chương trình đào tạo.

Đánh giá năng lực để xét tuyển đại học là rất tốt, tuy nhiên chúng ta vẫn phải chờ xem độ sát thực, hiệu quả lâu dài của kỳ thi đánh giá năng lực đến đâu.

Bình luận thêm về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng) nêu quan điểm để nâng cao chất lượng kỳ thi đánh giá năng lực của các trường.

Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022. (Ảnh: P.L)

Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022. (Ảnh: P.L)

Tất cả các trường tổ chức thi đánh giá năng lực học sinh phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm định về điều kiện đảm bảo chất lượng kỳ thi. Qua đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét về chất lượng tổ chức của các trường, đã đảm bảo yêu cầu hay chưa. Nếu không, sẽ có những đơn vị không đủ chuyên gia giỏi để xây dựng ngân hàng đề thi đủ độ tin cậy, giá trị.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có thể thuê chuyên gia nước ngoài hoặc sử dụng các chuyên gia trong nước tham gia các đoàn kiểm định. Sau khi Bộ đánh giá, kiểm định thì phải công bố công khai kết quả kiểm định đó", Tiến sĩ Lâm nêu quan điểm.

Mạnh Đoàn