Đề thi minh họa môn Toán học sinh mức độ trung bình dễ dàng làm được 7 điểm

08/05/2020 10:50
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Đề minh họa lần này do Bộ Giáo dục công bố có tính phân loại rõ hơn, học sinh mức độ trung bình khá sẽ dễ dàng làm được 7 điểm

Ngày 7/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Thắng - Tổ trưởng Tổ Toán - Trường Trung học phổ thông Ban Mai (Hà Đông- Hà Nội) đã chia sẻ những phân tích về đề thi môn Toán và gợi ý cho học sinh một số phương pháp ôn tập hiệu quả để giúp học sinh nhanh chóng thích ứng với thay đổi của kỳ thi năm nay.

Thầy Thắng phân tích ma trận đề thi minh họa môn Toán.
Thầy Thắng phân tích ma trận đề thi minh họa môn Toán.

Thầy Thắng đánh giá, đề thi có sự phân loại rõ ràng: Phần lớn là ở mức độ 1 và 2 - khoảng 38 câu; mức độ 3 và 4: 12 câu (trong đó ở mức độ 3: 7 câu, mức độ 4: 5 câu)

Đề thi chủ yếu thuộc nội dung chương trình lớp 12, cụ thể: 

Có 5 câu thuộc chương trình lớp 11 với nội dung: Phương trình lượng giác cơ bản; Tổ hợp- xác suất (2 câu); Cấp số cộng-cấp số nhân (1 câu); Các bài toán liên quan đến góc và khoảng cách (2 câu).

Có 45 câu nằm trong chương trình lớp 12: Về phần giải tích, chủ đề: Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị (13 câu); Hàm số lũy thừa, hàm số mũ và hàm số lôgarit ( 9 câu); Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng (5 câu); Số phức (5 câu); Về phần hình học, chủ đề: Khối đa diện (3 câu); Mặt nón, mặt trụ, mặt cầu (4 câu); Phương pháp tọa độ trong không gian (6 câu).

Thầy Thắng nhấn mạnh, đề minh họa lần này có tính phân loại rõ hơn: học sinh mức độ trung bình khá sẽ dễ dàng làm được 7 điểm, còn lại là điểm dành cho đối tượng học sinh khá, giỏi.

Nội dung thi hoàn toàn nằm trong chương trình tinh giản của Bộ giáo dục. Không có những câu khó ở những nội dung học kì 2 của lớp 12 (Ứng dụng tích phân; số phức, Phương pháp tọa độ trong không gian)

Với mức độ và nội dung đề thi minh họa vừa được Bộ công bố, thầy Thắng khuyên học sinh, các em cần học thật vững khái niệm, nhớ các tính chất đã học trên lớp.

Đặc biệt là công thức: Thể tích các khối đa diện, các khối tròn xoay, diện tích hình tròn xoay (Hình nón, hình trụ, hình cầu); công thức liên quan đến mũ và lôgarit. Các tính chất tích phân, phép toán số phức.

Luyện tập thật kĩ 35 câu đầu tiên của đề minh họa: Chủ yếu là các nội dung nằm trong chương trình học kỳ 1 của lớp 12; những nội dung thuộc chương trình học kỳ 2 nên ôn các dạng toán ở mức độ 1 và 2.

Những nội dung thuộc chương trình lớp 11:

Các em nên ôn tập lại các khái niệm: Phương trình lượng giác cơ bản; Quy tắc đếm, hoán vị, chỉnh hợp, tổ hợp, cấp số cộng, cấp số nhân. Đặc biệt là những bài toán liên quan đến phép đếm và xác suất.

Luyện tập kĩ năng xác định và tính góc giữa đường thẳng và mặt phẳng, góc giữa hai mặt phẳng và bài toán liên quan đến khoảng cách: Từ một điểm đến một mặt phẳng, khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau.

Đối với chương trình lớp 12: các em nên rèn luyện kĩ năng đọc bảng biến thiên, đọc đồ thị hàm số. Các tính chất đặc trưng của hàm số (Cực trị của hàm đa thức bậc 4 trùng phương; Cực trị và đơn điệu của hàm đa thức bậc 3; bài toán liên quan đến khoảng cách và tiệm cận của hàm phân thức bậc 1/bậc 1); khái niệm và tính chất mũ và lôgarit;

Phương trình và bất phương trình mũ và lôgarit dạng đơn giản; phương pháp đặt ẩn phụ trong giải phương trình mũ và lôgarit; phương pháp đổi biến, phương pháp tích phân từng phần; phương pháp đổi biến, phương pháp tích phân từng phần;

Công thức liên quan đến ứng dụng tích phân; số phức liên hợp, module của số phức, giải phương trình bậc 2 trên tập số thức với hệ số thực; khái niệm liên quan đến vectơ chỉ phương của đường thẳng, vectơ pháp tuyến của mặt phẳng; điểm thuộc đường thẳng, điểm thuộc mặt phẳng...

Toàn bộ đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020
Toàn bộ đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020

Các bài toán liên quan đến yếu tố thực tiễn chủ yếu thuộc nội dung: Ứng dụng của đạo hàm; Hàm số mũ và hàm số lôgarit; Mặt tròn xoay và khối tròn xoay: các em nên ôn tập những dạng toán ở mức độ 2 và 3.

Đối với những nội dung thuộc mức độ 3 và 4: Xác suất (Giải tích 11), Khoảng cách 2 đường thẳng chéo nhau (Hình học 11), bài toán tương giao, cực trị và đơn điệu của hàm ẩn; Bài toán thiết diện của mặt phẳng với hình tròn xoay; Tỉ số thể tích hoặc cắt ghép khối đa diện; Phương pháp tính tích phân, bài toán tham số trong giải phương trình, bất phương tình mũ và lôgarit.

Đối với những bạn chỉ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020: Các em nên luyện tập thật kĩ các dạng toán thuộc nội dung 35 câu đầu của đề thi ở mức độ 1 và 2.

Còn đối với các bạn xét tuyển đại học cần ôn tập thật chắc các câu ở mức độ 1 và 2 từ các đề thi sát với đề minh họa số 2 này. Các em nên  rèn luyện thường xuyên sao cho thời gian làm 38 câu này chỉ khoảng 50 phút.

Các em nên làm theo tuần tự các câu, những câu nào chắc chắn các em đánh dấu trừ, câu nào chưa chắc còn phân vân các em có thể đánh dấu cộng, câu nào chưa biết các em đánh dấu sao.

Khi xem lại, các em xem những câu đã đánh dấu cộng, suy nghĩ sâu hơn, xét các trường hợp khác nhau hoặc sử dụng phương pháp loại trừ, thử đáp án, sử dụng máy tính cầm tay để chọn đúng đáp án.

Giai đoạn 1 các em nên xem lại toàn bộ lí thuyết, công thức và tính chất nằm trong chương trình lớp 12 để làm chắc các câu ở mức độ 1 và 2.

Sau đó các em xem thêm các nội dung nâng cao thuộc chương trình học kỳ 1 lớp 12 (Chương 1,2,3: Giải tích 12, Chương 1,2: Hình học 12) và các nội dung liên quan đến góc, khoảng cách (Chương 3; Hình học 11), bài toán phép đếm, xác suất (Chương 2: Đại số 11).

Các em hãy luyện tập thường xuyên qua các đề thi thử sát với đề minh họa số 2 để tạo cho các em kĩ năng làm bài, kĩ năng phân bố thời gian, tâm lí tham gia kỳ thi và xây dựng chiến lược làm bài hiệu quả.

Đặc biệt, thầy Thắng cũng lưu ý học sinh phải giữ sức khỏe, học tập hàng ngày để tránh lãng quên để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020.

Đỗ Thơm