Đề xuất đi kiện phải cược tiền: Bao Công nổi giận!

21/03/2013 13:16
Bùi Hải
(GDVN) - “Cần có quy định buộc người khiếu nại tố cáo ứng ra một khoản đặt cược nào đó. Theo kiện thì phải bỏ tiền. Nếu kiện đúng thì Nhà nước sẽ hoàn trả”.
Đó là sáng kiến của Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội tại phiên họp của UBTV QH ngày hôm qua.

Xã hội cần nhiều ý kiến khác nhau để phát triển, nên xét về mặt nguyên tắc, chúng ta tôn trọng “góc nhìn khác” của TS Dũng. Tuy nhiên, xét sâu xa, góc nhìn ấy có thực sự vì dân hay vì quan, thì lại là chuyện khác.

Nhưng sẽ có một người nổi giận với sáng kiến ấy. Đó là thiết diện vô tư Bao Thanh Thiên. 

Bên ngoài phủ Khai Phong có treo một chiếc trống đại. Tất cả những oan khuất của trăm họ có thể nương theo tiếng trống ấy, lay động đến tâm can và đôi tai “thính nhạy việc nhân quần” của Bao Đại Nhân.

Bao Công đã không bắt những người kêu oan phải nộp tiền cược trước khi đánh trống, dù tiếng trống ấy dựng Ngài dậy giữa lúc nửa đêm. Nhiều cuộc thăng đường đã diễn ra khi gà mới gáy canh hai, vì Ngài hiểu chuyện giải oan cũng như cứu hỏa. Người dân cũng không phải đặt một chút tiền cược nào cho Công Tôn Sách, Triển Triêu, Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ - những cộng sự đắc lực của Ngài.

Từ phủ Khai Phong xưa, đến ngày hôm nay, hành trình đòi lại công lý bao giờ cũng là hành trình gian khổ. Nộp đơn kiện mới chỉ là bước thứ nhất trên con đường vạn lý ấy. 

Thế mà bước “đầu tiên” ấy đã có người hỏi “tiền đâu"!

900 ngày tù oan của cựu sinh viên Trương Hoàng Hiếu ở Châu Thành, Sóc Trăng, được đổi bằng… 5 phút xin lỗi (như con vẹt) của cơ quan gây ra oan trái. 

Trong buổi xin lỗi ấy, cha mẹ anh Hiếu - những người đã “đánh cược” cả danh dự, tài sản và niềm hi vọng vào công lý trong hành trình kêu oan dằng dặc cho con - chỉ xin phát biểu đôi lời, nhưng TAND huyện Mỹ Tú (đơn vị đứng ra xin lỗi) kiên quyết không cho nói. 

Được xin lỗi, nhưng chắc chắn chuỗi thời gian đau khổ của anh Hiếu không chỉ có 900 ngày trong tù.  Hành trình đòi bồi thường thiệt hại của anh Hiếu, cũng sẽ còn gặp khó bởi những cơ quan công quyền chỉ biết thu chứ không thích trả.

Trong “vụ án vườn điều” nổi tiếng, 9 người thuộc 3 thế hệ nhà bà Nguyễn Thị Lâm (Bình Thuận) đã phải vào vòng lao lý nhiều năm liền. 

Đến khi được giải oan, được tuyên vô tội, thì cái gia đình ấy tan tác hết, người chết ung thư, người bỏ chồng, người lang bạt viễn xứ. 

Đại gia đình ấy đã “đánh cược” tất cả tài sản, nghề nghiệp, danh dự của mình để đổi lấy tự do. Kết cục của cái tự do ấy là cả gia đình tự do… lượm ve chai, tự do… chỗ ở vì họ làm gì còn nhà nữa.

Chẳng phải chỉ có anh Hiếu, bà Lâm, không ít người bỏ ra mấy chục năm trời, vác hàng trăm kg đơn từ, bán sạch tài sản, gia đình tan vỡ, ly tán chỉ để mong “nhìn thấy mặt công lý”. 

Họ chỉ có còn mỗi niềm tin, họ lấy gì mà cược đây, thưa TS Phan Xuân Dũng? 

Không thể lấy việc ngăn chặn một số kẻ mượn khiếu kiện nhằm gây rối, để biện minh cho việc “tiền tệ hóa nỗi oan khuất" của dân. Bởi những kẻ vu khống, vu cáo, xúc phạm uy tín danh dự của tổ chức cá nhân khác thông qua kiện cáo, đã có luật hình định đoạt.

Bao Chửng biết rằng, nếu Ngài thu tiền đánh trống kêu oan, thì rất nhiều thảo dân, lê dân sẽ phải ôm nỗi uất hận xuống suối vàng thay vì lê đến công đường kêu cứu.

Cũng có thể, những thảo dân ấy vẫn còn những đồng tiền cuối cùng để “cược” khi nộp đơn khiếu kiện. Nhưng tiếng sột soạt của những đồng tiền đó sẽ làm cho hình ảnh của cơ quan công quyền giống như một cái chợ và công lý giống như một mớ tép. Có tiền – được khiếu kiện. Không tiền – công lý đi vắng.

Đề xuất “cược tiền” này có thể trở thành một sáng kiến thực sự nếu nó được “đổi vai”. 

Có quan chức nào dám “đánh cược” chiếc ghế của mình nếu địa phương mình, lĩnh vực mình vẫn còn nhiều thảo dân phải đội đơn đòi công lý?
Bùi Hải