Đều dạy học như nhau, tồn tại tầng lớp "GV hạng 2" trong ngành GD là vô lý

07/12/2022 06:36
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Như vậy, từ ngày 15/01/2019, không được hợp đồng không qua thi tuyển hoặc xét tuyển với giáo viên để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Thực trạng vẫn còn nhiều giáo viên phải hợp đồng, không được xét tuyển viên chức trong khi cả nước còn thiếu hàng trăm ngàn giáo viên.

Một giáo viên ở Nghệ An hợp đồng 20 năm, hiện nay chỉ hưởng lương 2,6 triệu đồng mỗi tháng và nhiều giáo viên hợp đồng khác phải đi phụ hồ, sửa điện, bán hàng online,…để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống khiến nhiều người xót xa.[1]

Thầy Nguyễn Duy Trình (Nghệ An) hợp đồng 20 năm, lương chỉ 2,6 triệu mỗi tháng - Ảnh minh họa Vnexpress.net

Thầy Nguyễn Duy Trình (Nghệ An) hợp đồng 20 năm, lương chỉ 2,6 triệu mỗi tháng - Ảnh minh họa Vnexpress.net

Câu hỏi đặt ra là tính pháp lý của việc một giáo viên phải hợp đồng nhiều năm và hưởng lương 2-3 triệu mỗi tháng có đúng quy định của pháp luật hiện hành?

Chi trả lương giáo viên hợp đồng 2-3 triệu mỗi tháng có đúng quy định?

Theo tìm hiểu của người viết, việc trả lương cho giáo viên hợp đồng hiện nay rất thấp có nơi chỉ 2-3 triệu đồng mỗi tháng, có nơi giáo viên chỉ 1,5 triệu mỗi tháng do hợp đồng theo tiết dạy, có nơi chỉ trả 30.000 đồng mỗi tiết dạy.

Chỉ có những người thật sự yêu nghề, mến trẻ mới có thể bám trụ với nghề với đồng lương ít ỏi trên.

Vậy việc trả lương cho giáo viên mỗi tháng chỉ 2-3 triệu đồng có đúng quy định?

Theo tìm hiểu của người viết, giáo viên không chỉ giảng dạy mà còn phải thực hiện các công việc khác như soạn bài, chấm bài, họp tổ, họp hội đồng,…nhưng chỉ được trả mỗi tháng 2-3 triệu là quá thấp và cũng không phù hợp quy định hiện hành.

Theo người viết được biết, lương giáo viên hợp đồng được tính bằng công thức: lương cơ bản x hệ số lương x % phụ cấp (nếu có) – các khoản phí khác (phí Bảo hiểm và phí công đoàn) hoặc mức lương thoả thuận trong hợp đồng

Theo khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định mức lương được trả cho người lao động không được thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Tính theo cách nào thì lương giáo viên hợp đồng cũng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng, cụ thể mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2022 như sau: vùng I: 4.680.000 đồng/tháng (tăng 260.000 đồng/tháng); vùng II: 4.160.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng); vùng III: 3.640.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng); vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng).

Do đó, việc chi trả lương cho giáo viên hợp đồng 2 - 3 triệu đồng mỗi tháng, người viết cho rằng chưa đúng với quy định hiện hành, ở thời điểm hiện nay ít nhất phải bằng lương tối thiểu vùng, ở vùng IV là 3.250.000 đồng mỗi tháng, vùng I là 4.680.000 đồng mỗi tháng, cũng có thể hợp đồng ở mức cao hơn, được nâng lương.

Theo người viết, vẫn còn tình trạng giáo viên hợp đồng 10 năm trở lên nhưng chỉ hưởng lương 2-3 triệu là chưa đúng quy định về chi trả lương cho giáo viên hợp đồng.

Năm 2022, có còn được hợp đồng với giáo viên không qua thi hoặc xét tuyển?

Giáo viên hợp đồng là giáo viên chưa được tuyển dụng chính thức, các trường học khi thiếu giáo viên chưa tuyển được giáo viên chính thức sẽ tiến hành tuyển dụng nhân viên hợp đồng. Đây cũng chính là yếu tố tạm thời nên giáo viên hợp đồng sẽ không được hưởng phúc lợi, chế độ hay mức lương giống như giáo viên biên chế hay chính thức.

Công văn 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ, đối với các địa phương đã thực hiện tuyển dụng đặc cách và thực hiện tuyển dụng theo pháp luật về viên chức đủ số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, mà vẫn còn giáo viên hợp đồng lao động thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Điều này cũng phù hợp với quy định không được hợp đồng với giáo viên theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này có hiệu lực từ 15/01/2019.

Khoản 3 Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP có ghi: “Điều 3. Các công việc không thực hiện ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

1. Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với các đối tượng sau:

a) Những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên....”.

Như vậy, từ ngày 15/01/2019, không được hợp đồng không qua thi tuyển hoặc xét tuyển với giáo viên để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết 102 của Chính phủ năm 2020 cho phép các trường công lập được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế) và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).

Do đó, đến thời điểm này chỉ duy nhất trường hợp hợp đồng để thay thế giáo viên nghỉ hưu hoặc giáo viên nghỉ thai sản, các trường hợp khác không được hợp đồng thời vụ theo Luật Viên chức, Luật Lao động và quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ.

Bên cạnh đó, theo khoản 1, 2 Điều 25 Luật Viên chức 2019, chỉ còn 2 loại hợp đồng làm việc

“1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.

2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;

b) Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;

c) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.”

Do năm 2019 đã không còn cho phép hợp đồng giáo viên làm việc thời vụ nhưng do tình trạng thiếu nhiều giáo viên nên hiện nay ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng giáo viên hợp đồng thời vụ dưới 12 tháng với thu nhập rất thấp, gây nhiều bức xúc.

Rất mong lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng có kiến nghị Bộ Nội vụ ban hành các giải pháp để nhanh chóng tuyển dụng, tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng để họ trở thành viên chức, để yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Theo người viết, nếu giáo viên có thâm niên hợp đồng từ 3 năm trở lên, có thành tích hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 năm liền thì nên được xét tuyển đặc cách, việc xét tuyển đặc cách phải mang ý nghĩa thiết thực, không cần phải hồ sơ phức tạp chỉ cần đảm bảo trình độ đào tạo (cho phép tuyển giáo viên có trình độ theo Luật Giáo dục 2015) và sau khi xét tuyển phải đảm bảo mức lương có hệ số lương hiện hưởng (không phải hệ số lương ban đầu như giáo viên mới tuyển dụng).

Ví dụ một giáo viên được Ủy ban nhân dân huyện hợp đồng không qua thi, xét tuyển được 10 năm, hiện nay có hệ số lương 3,0 thì sau khi xét tuyển đặc cách, sẽ được ký tiếp hợp đồng làm việc xác định thời hạn là viên chức và được hưởng mức lương khởi điểm có hệ số lương 3,0, được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi, thâm niên cho thời gian công tác.

Để giải quyết được một phần nào tình trạng thiếu giáo viên, giải tỏa thiệt thòi của giáo viên hợp đồng thì giải pháp vừa mang tính cấp bách và nhân văn đó chính là nhanh chóng tuyển dụng hợp đồng đặc cách cho giáo viên hợp đồng trong thời gian sớm nhất để họ yên tâm công tác, cống hiến.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/thay-giao-hop-dong-gan-20-nam-lam-tho-ho-de-kiem-song-4538141.html?fbclid=IwAR0vb3-hHoDmIJNd-dCXbzfs_nXeakfHpwiclV0vp_T7ndrMVmX_xUr4XAQ&gidzl=QvxcPQK9LtjgWU1cfnvNUcYFv6Yz6m1x8jc_QEbEMo0WYUizlaeEBd3PlZ6-JG5-8ucrPMJxfeOheGfHU0

[2] Nghị định 161/2018/NĐ-CP

[3] Luật Viên chức 2019

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam