ĐH Hòa Bình đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo ngành Thương mại điện tử

13/08/2022 06:35
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Đại học Hòa Bình tạo môi trường giáo dục linh động. Người học có thể tiếp thu kiến thức một cách thuận tiện và dễ dàng trên mọi thiết bị.

Trong những năm gần đây, mạng điện tử nói chung và internet nói riêng phát triển vô cùng mạnh mẽ. Kèm theo đó là các dịch vụ mua bán thông qua loại hình này và cụ thể là thương mại điện tử cũng phát triển nhanh chóng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh – Trưởng Bộ môn ngành Thương mại điện tử, Trường Đại học Hòa Bình cho biết, xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành Thương mại điện tử theo hướng chuyển đổi số tại các trường đại học là rất quan trọng và cấp thiết theo xu thế phát triển của Việt Nam nói chung và của ngành Giáo dục và đào tạo nói riêng.

Tại Trường Đại học Hòa Bình, chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng làm nền tảng đối với đào tạo cử nhân ngành Thương mại điện tử.

Hiện nay, ngành Thương mại điện tử đang có tốc độ phát triển rất mạnh. Phạm vi của Thương mại điện tử rất rộng, bao quát hầu hết các lĩnh vực hoạt động kinh tế.

Chương trình đào tạo ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Hòa Bình đặc biệt quan tâm đến kỹ năng thực hành của sinh viên thông qua việc tăng giờ thực hành, kỹ năng thương mại điện tử và tăng thời lượng thực tế tại các cơ sở thực tập với sự hướng dẫn của các giáo viên của trường và đội ngũ cán bộ tại đơn vị thực tập.

Trường Đại học Hòa Bình xây dựng chương trình chú trọng về ngoại ngữ với các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. (Ảnh: NVCC)

Trường Đại học Hòa Bình xây dựng chương trình chú trọng về ngoại ngữ với các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. (Ảnh: NVCC)

Cử nhân Thương mại điện tử sẽ được trang bị kiến thức nền về kinh tế học và kinh tế chính trị học và tư tưởng Hồ Chí Minh; có kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; am hiểu về hệ thống mạng điện tử và công nghệ thông tin; được trang bị kiến thức chuyên sâu và hiện đại về thương mại điện tử; về hoạch định chiến lược, kế hoạch thương mại điện tử; về quản trị thương mại điện tử và kinh doanh trên mạng điện tử.

Ngoài những nghiệp vụ phục vụ cho ngành nghề, sinh viên còn được học về các điều khoản Luật, Kinh tế, Ngân hàng, Ngoại ngữ…và Quản trị kinh doanh để có khả năng và kiến thức trong quản lý doanh nghiệp.

Người học được trang bị kiến thức để có năng lực chuyên môn tốt và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, có tư cách đạo đức và ý thức pháp luật đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.

Trường Đại học Hòa Bình xây dựng chương trình chú trọng về ngoại ngữ với các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Đây chính là bước đệm thuận lợi cho các bạn có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Không chỉ được cung cấp các khối lượng kiến thức chuyên ngành mà các bạn còn được rèn luyện các kỹ năng tin học, kỹ năng giao tiếp trong quá trình học tập.

Theo đó sinh viên vừa giỏi về nghiệp vụ kinh doanh, vừa tinh thông về công nghệ thông tin ứng dụng trong kinh doanh và đặc biệt chuyên sâu trong việc tổ chức kinh doanh trong môi trường mạng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, mở ra nền giáo dục mới

Trường Đại học Hòa Bình tạo môi trường giáo dục linh động, thay vì vài chục học sinh phải ngồi trong phòng học với bốn bức tường như trước đây, công nghệ số đã mở ra một không gian học tập linh động hơn.

Người học có thể tiếp thu kiến thức một cách thuận tiện và dễ dàng trên mọi thiết bị (máy tính, laptop, smartphone,…)

Điều này đã mở ra một nền giáo dục mở hoàn toàn mới. Bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ đâu, bất cứ ai đều có thể tiếp cận được các thông tin kiến thức một cách đa chiều nhất. Nó loại bỏ hoàn toàn những giới hạn về khoảng cách, tối ưu thời gian học và nâng cao nhận thức, tư duy của người học.

Chuyển đổi số sẽ tạo ra kho học liệu mở khổng lồ cho người học. Điều đó có nghĩa là học sinh có thể truy cập vào các tài nguyên học tập một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn.

Thay vì phải tốn chi phí để mua sách hay đến thư viện để mượn. Hiện nay, người học có thể khai thác học liệu nhanh chóng bằng các thiết bị trực tuyến mà không bị giới hạn bất kể tình trạng kinh tế của họ.

Mặt khác, chuyển đổi số cũng giúp việc chia sẻ tài liệu, giáo trình giữa học sinh và giáo viên trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn do giảm thiểu được các chi phí về in ấn.

Sinh viên ngành Thương mại điện tử Trường Đại học Hoà Bình được trải nghiệm nền giáo dục mở nhờ đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. (Ảnh: NVCC)

Sinh viên ngành Thương mại điện tử Trường Đại học Hoà Bình được trải nghiệm nền giáo dục mở nhờ đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. (Ảnh: NVCC)

“Nhiều người nghĩ rằng học trực tuyến sẽ làm giới hạn khả năng tương tác giữa người dạy và người học. Nhưng thực tế, phương pháp học mới này lại giúp gia tăng tính tương tác hai chiều do người học có thể nói chuyện một – một với giáo viên hướng dẫn mà không bị giới hạn bởi không gian.

Ngoài ra, những công nghệ 4.0 như ứng dụng thực tế ảo VR, thực tế tăng cường AR cũng tạo ra những trải nghiệm thực tế “thật” hơn cho người học.

So với phương pháp học lý thuyết truyền thống chỉ có thể tưởng tượng qua sách vở, công nghệ mới giúp người học có những trải nghiệm đa giác quan, tạo cảm giác tò mò, hứng thú hơn khi học”, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh khẳng định.

Theo thầy Mạnh, các thành tựu công nghệ như Big data giúp lưu trữ mọi kiến thức lên không gian mạng, IoT (Internet vạn vật) giúp theo dõi hành vi của học sinh, quản lý, giám sát học sinh; hay Blockchain giúp xây dựng hệ thống quản lý thông tin và hồ sơ giáo dục của học sinh, cho phép hợp nhất, quản lý và chia sẻ dữ liệu từ nhiều trường học, ghi chép lại lịch sử học tập, bảng điểm của học sinh để đảm bảo thông tin dữ liệu được đồng nhất, minh bạch.

Kỷ nguyên học tập trực tuyến sẽ mở ra cơ hội học tập với chi phí rẻ hơn nhiều lần so với trước đây các do trường học sẽ phải tốn ít chi phí hơn để chi trả cho các vấn đề liên quan đến mặt bằng, cơ sở vật chất, thiết bị,….

Chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người học. Thay vì đến các trường công, người học có thể tham gia vào các khóa học E-learning với chi phí rẻ hơn nhiều lần.

Thậm chí người học còn có thể tùy chọn những khóa học phù hợp với bản thân và những môn mà bản thân họ thực sự quan tâm. Điều này giúp cho việc học tập hiệu quả và chất lượng hơn.

Năng lực đào tạo và cơ sở vật chất của Trường Đại học Hòa Bình đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số:

Năm 2019, Trường Đại học Hòa Bình đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng quốc gia.

Nhà trường hiện có 25 cán bộ quản lý và 125 giảng viên cơ hữu, trong đó có 03 giáo sư, 17 phó giáo sư, 50 tiến sĩ và 80 thạc sĩ và nhiều chuyên gia thương mại điện tử từ các doanh nghiệp, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành thương mại điện tử làm cộng tác viên, giáo viên thỉnh giảng tại trường.

Các ngành, trình độ và hình thức đào tạo của nhà trường ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Cơ sở chính của Nhà trường tại Số 8, phố Bùi Xuân Phái, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội với diện tích 3.500 m2; có 25 phòng học trang bị đầy đủ các thiết bị cơ bản phục vụ cho công tác giảng dạy, sức chứa từ 60-200 chỗ ngồi; 01 hội trường sức chứa 200 chỗ ngồi; 04 phòng máy vi tính đa năng, với số lượng 160 máy, đủ cho sinh viên thực hành; 03 phòng thí nghiệm và thực hành phục vụ cho các ngành đào tạo…

Ngoài ra, trường có một thư viện với 3.000 bản sách tham khảo, 200 đầu giáo trình với 150.000 bản, 38 đầu báo tạp chí chuyên ngành để phục vụ sinh viên.

Linh Trang