Đi dạy 33 năm gần hết đời giáo viên nhưng chuyển lương mới chỉ bậc 4

17/03/2021 06:40
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi đi dạy đã 33 năm, hiện đang ăn bậc lương cuối cùng hệ số 4.98. Giờ nếu phiên qua bậc liền kề 5.02 thì tôi về hưu cũng chỉ ở bậc 4.

Nhiều giáo viên ngộ nhận về cách chuyển xếp lương

Nhìn vào thang bảng lương cũ với bảng lương mới trong các Thông tư 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 2/2021, không ít nhà giáo đang khấp khởi mừng thầm vì nghĩ rằng mình sẽ được chuyển sang mức lương cao hơn.

Thay đổi thang bảng lương, giáo viên lớn tuổi thiệt đơn thiệt kép (Ảnh minh họa: Baobacgiang.com.vn)

Thay đổi thang bảng lương, giáo viên lớn tuổi thiệt đơn thiệt kép (Ảnh minh họa: Baobacgiang.com.vn)

Ví dụ: thang bảng lương hạng II cũ có hệ số từ: 2.34; 2.67; 3.00; 3.33; 3.66; 3.99; 4.32; 4.65; 4.98.

Thang bảng lương hạng II mới có hệ số từ : 4.0; 4.34; 4.68; 5.02; 5.36; 5.70; 6.04; 6.38.

Vậy nên, cô giáo Hoa ở Bình Thuận cho rằng: “Hiện mình đang ăn bậc 8 hệ số lương 4.65 thì khi chuyển qua hạng II mới chắc sẽ được phiên ngang bậc 8 hệ số 6.38 mới đúng chứ? Và, nếu phiên thế này nếu có bị cắt thâm niên cũng không hề gì.

Nhưng chỉ phiên qua hệ số lớn hơn hoặc gần bằng liền kề hóa ra lương chẳng tăng lại còn bị thiệt thòi à?”

Cô giáo Mai tại Đắk Lắk cũng đồng quan điểm, cô Mai nói rằng: “Tôi đi dạy đã 33 năm, hiện đang ăn bậc lương cuối cùng hệ số 4.98. Giờ nếu phiên qua bậc liền 5.02 thì tôi về hưu cũng chỉ ở bậc 4 và chỉ bằng một giáo viên mới đi dạy 18 năm? Vậy thì không công bằng với chúng tôi”.

Nguyên tắc chuyển xếp lương thế nào?

Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.

Theo đó, khoản 1 mục II Thông tư 02/2007 quy định cụ thể như sau:

- Trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở hạng cũ: Căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở hạng cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở hạng mới.

Ví dụ: Bà A là giáo viên tiểu học hạng II mã số V.07.03.07, chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, đang hưởng lương bậc 6 với hệ số lương là 3,99 khi đáp ứng đầy đủ điều kiện để được bổ nhiệm sang hạng II mã số V.07.03.28 thì sẽ được hưởng lương với hệ số bằng hoặc cao hơn gần nhất ở hạng mới là bậc 1 hệ số 4,0.

Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở hạng cũ: Căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở hạng mới.

Ví dụ: Bà Trần Thị A đang hưởng 6% phụ cấp thâm niên vượt khung ở hạng II mã số V.07.03.07 giáo viên tiểu học. Khi đó, bà A đang hưởng hệ số lương 4,98 ở bậc 9.

Tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ của bà A được tính như sau: 4,98 + (4,98*6%) = 5,28.

Bà A đạt đủ tiêu chuẩn và được bổ nhiệm vào hạng II mã số V.07.03.28 thì bà A được căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung 5,28 này để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở hạng mới là 5,36 ở bậc 5 hạng II mã số V.07.03.28.

Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong hạng mới:

Xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong hạng mới và hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ.

Ví dụ: Bà Trần Thị A đang hưởng 15% phụ cấp thâm niên vượt khung ở hạng III mã số V.07.03.07 giáo viên tiểu học. Khi đó, bà A đang hưởng hệ số lương 4,89 ở bậc 10.

Tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ của bà A được tính như sau: 4,89 + (4,89*15%) = 5,62.

Khi đó, tổng hệ số này lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng của hạng III mới mã số V.07.03.28 (hệ số cuối cùng của hạng III mới là 4,98) nên bà A xếp lương ở bậc cuối cùng trong hạng III mới là 4,98 và hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu là 0,64.

Giáo viên lớn tuổi thiệt đơn thiệt kép

Việc thay đổi thang bậc lương và cắt thâm niên giáo viên, giáo viên trẻ lợi đâu chưa thấy nhưng giáo viên công tác từ 20 năm trở lên phải chịu thiệt thòi khá lớn.

Thứ nhất, chuyển xếp lương nhiều thầy cô gần như không được gì.

Đơn cử: Một giáo viên tiểu học công tác 20 năm hiện đang ăn lương (mức lương đại học) khoảng 3.99 khi chuyển qua lương mới cũng chỉ ở hệ số 4.0. Giữa 2 hệ số lương mới và cũ hầu như giữ nguyên.

Giáo viên này dạy đến lúc về hưu (khoảng 10 năm nữa) thì lương sẽ được tăng khoảng 3 bậc. Vậy là, 30 năm công tác mức lương khi về hưu cũng chỉ là bậc 4 hệ số 5.02, hoặc cao hơn là 5.36.

Thứ hai, lương mới không tăng nhưng thâm niên bị cắt, đối với giáo viên công tác 20 năm sẽ mất một tháng cả triệu đồng. Điều này, chúng tôi gọi là thiệt đơn thiệt kép.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là cách hiểu, cách tính của cá nhân người viết dựa trên các thông tư quy định, nhiều thầy cô giáo lớn tuổi vẫn đang tràn trề hy vọng vì không ít lần được nghe người có thẩm quyền nói, cải cách tiền lương cho nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, để thu hút người tài nên không có chuyện lương lại thấp hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết