Dịch Covid-19 làm tăng nỗi lo với nhiều giáo viên lớp 1

14/02/2021 06:15
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những bài đọc quá dài, nhiều âm vần trúc trắc, nhiều từ ngữ khó hiểu, khó nhớ học sinh sẽ dễ dàng quên hết nếu không được ôn luyện mỗi ngày.

Dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến bất thường, đã có địa phương ra thông báo cho học sinh dừng đến trường sau Tết để phòng Covid. Nếu dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì nguy cơ học sinh ở nhiều tỉnh thành sẽ tiếp tục nghỉ học như năm học 2019-2020 là khó tránh khỏi.

Các em học sinh tham gia lớp học trực tuyến trong dịch Covid-19 (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa trên giaoduc.net.vn)Các em học sinh tham gia lớp học trực tuyến trong dịch Covid-19 (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa trên giaoduc.net.vn)

Trong thời gian dừng đến trường để phòng dịch, học sinh ở 2 bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được nhà trường tổ chức cho học trực tuyến, dù hiệu quả không thể bằng được học trực tiếp trên lớp nhưng nói cho cùng vẫn đỡ hơn không được học.

Thế nhưng, học sinh tiểu học mà đặc biệt là các em học sinh lớp 1 sẽ vô cùng khó khăn khi không được chính các thầy cô của mình giảng dạy trên lớp.

Một số giáo viên lớp 1 đã nói với chúng tôi, dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 chủ yếu là dạy cho phụ huynh. Hướng dẫn cho phụ huynh cách phát âm, cách đọc, cách rèn viết để phụ huynh hướng dẫn lại cho các con.

Tuy thế, cũng chỉ những phụ huynh quan tâm đến việc học của con và có thời gian, nhiều phụ huynh do bận việc hoặc ít quan tâm thì học sinh đó gần như không được học và không biết cách học.

Trong năm học vừa qua, do nghỉ dịch nhiều học sinh lớp 1 tái mù sau kỳ nghỉ

Năm học 2019-2020, học sinh phải nghỉ học trong thời gian dài. Nhiều trường học cũng đã triển khai các hình thức dạy học như đưa bài về tận nhà học sinh, gửi bài trên tin nhắn Zalo, messenger, email, quay video gửi lên youtobe, dạy dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến…

Thế nhưng ngày trở lại trường nhiều học sinh lớp 1 đã rơi vào tình trạng tái mù. Những kiến thức các em đã học trước đó do không được ôn luyện thường xuyên nên nhiều em quên hết.

Vì thế, để giúp học sinh có thể theo kịp chương trình giáo viên phải vừa ôn kiến thức cũ, vừa dạy chương trình mới vô cùng vất vả.

Dù thế, cuối năm chất lượng học sinh vẫn rất yếu so với những năm học bình thường.

Học sinh học lớp 1 học chương trình hiện hành lượng kiến thức nhẹ hơn chương trình mới còn thấy vất vả là thế. Học sinh lớp 1 năm học này, nếu phải nghỉ thời gian dài như năm học trước sẽ rất đáng lo ngại.

Những bài đọc quá dài, nhiều âm vần trúc trắc, nhiều từ ngữ khó hiểu, khó nhớ học sinh sẽ dễ dàng quên hết nếu không được ôn luyện mỗi ngày.

Vậy, giải pháp nào để trẻ lớp 1 không tái mù nếu thời gian đến trường bị hoãn lại do dịch bệnh?

Phụ huynh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp học sinh lớp 1 ôn bài. Dù giáo viên có dạy trực tuyến, có gửi bài tận nhà, có quay video đưa lên mạng cho học sinh học nhưng phụ huynh không đồng học cũng chẳng có hiệu quả.

Bởi thế, giải pháp đầu tiên sẽ là sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ giữa phụ huynh và giáo viên.

Thứ hai, giáo viên kết hợp cùng lúc nhiều biện pháp giáo dục để hỗ trợ học sinh như đưa bài tận nhà (giải quyết được phần viết và làm toán), khuyến khích phụ huynh học cùng các em để hướng dẫn thêm cho các em cách phát âm, cách đọc.

Thứ ba, tổ chức nhóm học nhỏ (dưới 20 em), bố trí khoảng cách và sát khuẩn đúng quy định để giáo viên trực tiếp hướng dẫn thêm 1 tuần từ 2 đến 3 buổi.

Thứ tư, giáo viên cần rút gọn chương trình để dạy kiến thức trọng tâm nhất. Bài soạn cho một buổi dạy là sự tổng hợp của nhiều bài nhưng vẫn đảm bảo tính vừa sức để giúp các em dễ tiếp thu.

Thứ năm, chú trọng dạy phần đọc, phần viết là bài tập ở nhà, vì khi đã đọc thông thì học sinh sẽ viết thạo.

Thứ sáu, nhà trường cũng cần quan tâm, động viên các thầy cô giáo dạy lớp 1 tạo cho thầy cô thêm động lực, lòng yêu nghề để tận tâm tìm mọi cách khắc phục khó khăn giúp học sinh lớp 1 trong mùa dịch vẫn được học hành chu đáo.

Đỗ Quyên