Dịch COVID phức tạp, thầy Khang "mách" cách học trò lớp 1 học online có hiệu quả

13/08/2021 06:20
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên lo lắng, những tuần đầu tiên, giáo viên dạy lớp 1 phải cầm tay nắn từng nét chữ cho từng em, do đó việc học online đối với các em rất khó khăn.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình khung thời gian năm học mới 2021-2022, trong đó cho phép học sinh lớp 1 tựu trường từ ngày 23/8.

Đến nay, nhiều địa phương thông báo về thời gian cho học sinh tựu trường năm học 2021 – 2022, trong đó, hầu hết các địa phương quyết định cho học sinh các khối tựu trường vào ngày 1/9, riêng học sinh lớp 1 tựu trường vào ngày 23/8, sớm hơn một tuần để làm quen với môi trường mới. Ngày khai giảng năm học sẽ thực hiện đồng loạt vào ngày 5/9.

Riêng với Bình Dương, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ căn cứ vào diễn biến dịch COVID-19, sớm quyết định tổ chức khai giảng theo thông lệ hoặc khai giảng trực tuyến. Sở cũng dự kiến cho học sinh học trực tuyến trong 2 tháng (tháng 9, 10) vì nhiều trường học trên địa bàn đang được sử dụng làm khu cách ly.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số giáo viên dạy lớp 1, hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội cho rằng, học sinh lớp lớn đã từng học online, có phần dễ dàng hơn. Nhưng học sinh lớp 1 thì khó khăn vô cùng!

Trước tiên là tâm lý của các con lớp 1. Trường mới, lớp mới, cô giáo mới, bạn mới... Chỉ chừng ấy thôi đã làm các con lo sợ. Chưa kể các em lớp 1 mới từ mẫu giáo lên tiểu học, thông thường cần có 1-2 tuần làm quen trực tiếp với cô giáo, nề nếp lớp học cũng như thói quen sinh hoạt ở trường trước khi vào năm học mới.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

“Những tuần đầu tiên, giáo viên dạy lớp 1 phải cầm tay nắn từng nét chữ cho từng em, do đó việc học online đối với các em rất khó khăn”, cô Hà Trinh – giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ.

Với vai trò là quản lý, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội cho rằng: "Việc học sinh lớp 1 không được đến trường thì việc củng cố tâm lý cho các bé khó khăn hơn rất nhiều. Khó khăn tiếp theo là các thao tác kỹ thuật công nghệ thông tin vì các em chưa thể tự mình kết nối với cô giáo, với lớp học qua máy vi tính".

Vì vậy, theo thầy Khang, muốn triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 cần chuẩn bị 2 việc.

Thứ nhất là tập huấn phụ huynh. Xác định với phụ huynh việc cần thiết phải học trực tuyến. Cô giáo sẽ hướng dẫn cho phụ huynh các thao tác cần thiết để kết nối với lớp học trực tuyến để cha mẹ như một "giáo viên trợ giảng", phối hợp với cô giáo của trường trong suốt buổi học - học cùng với con.

Thứ hai, cô giáo làm quen với học sinh bằng việc cần có một buổi sinh hoạt lớp trực tuyến để cô giới thiệu về mình; học sinh lần lượt giới thiệu về mình. Cả lớp làm quen với nhau. Có thể có một vài hoạt động văn nghệ đơn giản (hát, múa) để các bé được thể hiện mình; trò chơi đố vui của cô giáo... Những "hoạt động mềm" như thế sẽ gắn kết cô với trò, các bé với nhau.

Về chuyên môn thì thầy Khang cho rằng: “Phụ huynh đừng lo lắng vì các cô giáo đã có kinh nghiệm giảng dạy nói chung và giảng dạy chương trình mới nói riêng. Học trò thì chương trình nào đối với các con cũng đều... mới!

Vì phải chống dịch Covid-19 nên cô, trò không được đến trường học trực tiếp, đành ngồi ở nhà học trực tuyến. Học trực truyến không thể bằng học trực tiếp, ai cũng biết, nhưng phải chấp nhận và cố gắng”.

Hạn chế học trực tuyến đối với học sinh lớp 1

Trong khi đó, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học cho biết, khi ban hành khung thời gian kế hoạch năm học 2021 - 2022, Bộ cho phép các địa phương linh động tự quyết định lịch tựu trường phù hợp với tình hình thực tế.

Các tỉnh có thể điều chỉnh sớm hơn hoặc muộn hơn 15 ngày. Khi đó, các mốc thời gian trong năm học cũng tịnh tiến và thời điểm kết thúc năm học cũng lùi 15 ngày. Trường hợp dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, các tỉnh, thành sử dụng hết thời gian 15 ngày thì cần căn cứ tình hình cụ thể từng địa bàn để quyết định lịch học.

Khi linh động hết thời gian cho phép, địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế đến từng huyện, từng trường, không nhất thiết phải thực hiện việc tựu trường cùng lúc trên toàn tỉnh.

Riêng với lớp 1, Bộ quyết định cho tựu trường sớm từ 23/8 nhằm giúp các em làm quen, tạo tâm thế cho năm học mới, khi môi trường thay đổi từ mầm non lên tiểu học. Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học cho biết thêm, học sinh lớp 1 là đối tượng đặc biệt khi vừa chuyển từ bậc mầm non lên tiểu học, nên phải đặt quyền lợi học sinh và chất lượng giáo dục lên hàng đầu.

Các địa phương cần căn cứ tình hình dịch bệnh để tính toán phân khu, phân luồng đảm bảo học sinh lớp 1 được tựu trường, tận dụng thời gian vàng dạy học trực tiếp, hạn chế học trực tuyến.

Trong trường hợp phải học trực tuyến, Bộ đã thiết kế sẵn các video dạy môn Tiếng Việt phát trên VTV7 giúp học sinh dễ dành học âm học vần. Với lớp 1, các địa phương, các trường cần tận dụng tối đa, nghiên cứu thật kỹ các văn bản hướng dẫn của Bộ để triển khai phù hợp từng đối tượng, từng địa bàn.

“Trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh căng thẳng kéo dài, địa phương có thể báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo về phương án phù hợp, trong đó lớp 1 sẽ được tạo điều kiện ưu tiên”, ông Tài nói.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Thùy Linh