Dịch Covid, trường nghề “chạy tiến độ” để đảm bảo kế hoạch học tập

02/02/2022 06:41
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường cao đẳng nghề đã phải tăng thời lượng học trong một tuần, đặc biệt là ở phần thực hành để đảm bảo kế hoạch học tập của sinh viên.

Thực hành trực tuyến ở trường nghề hiệu quả đến đâu?

Không giống như các ngành đào tạo khác các trường có thể dạy trực tuyến để đảm bảo được kế hoạch học tập và tốt nghiệp cho sinh viên đúng thời gian, ở các trường nghề, vì có nhiều yếu tố kỹ thuật phải thực hành, sinh viên cần được va chạm trực tiếp nên khi được quay trở lại trường học trực tiếp, các trường phải tìm các phương án “chạy tiến độ” để bù vào khoảng trống kỹ năng chưa thể truyền thụ trong lúc các em học trực tuyến trước đó.

Thạc sĩ Phạm Ngọc Vũ - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô. Ảnh: NTCC

Thạc sĩ Phạm Ngọc Vũ - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô. Ảnh: NTCC

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Ngọc Vũ - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô (Ninh Bình) cho biết: “Đặc thù của các trường nghề so với các trường đào tạo chuyên môn khác là việc truyền thụ kỹ năng nghề trực tiếp cho sinh viên được xác định là yêu cầu đầu tiên.

Vì thế, từ trước tới nay, nhất thiết các kỹ năng này sinh viên đều cần phải được “cầm tay chỉ việc” và thực hành thực tế trên các thiết bị, máy móc chứ không thể nào dùng lý thuyết suông mà truyền thụ hết được. Nếu buộc phải dạy thực hành thông qua hình thức trực tuyến thì bắt buộc phải có máy móc và các mô đun cực kỳ hiện đại mới có thể truyền thụ cho sinh viên hiểu được. Tuy nhiên, phần lớn các trường nghề ở nước ta, các thiết bị để làm được các việc này rất ít nơi có thể đáp ứng được.

Trong hoàn cảnh bắt buộc các em học trực tuyến phải chấp nhận, chứ trên thực tế, để sinh viên tiếp thu được những kỹ năng nghề thông qua dạy trực tuyến với chúng tôi là cực kỳ vất vả, khó khăn. Rất may mắn là ở Ninh Bình sinh viên đã được đến trường để học trực tiếp từ khoảng tháng 8/2021, tất nhiên trước đó vẫn có thời gian các em phải học online ở nhà. Qua thời gian đó, chúng tôi đã rút ra được nhận định về hiệu quả của việc dạy học trực tuyến đến đâu. Vì thế, khi các em được quay trở lại trường, chúng tôi cũng phải cố gắng hết sức “chạy tiến độ” kịp với chương trình học tập cho các em, đặc biệt là với các môn buộc phải thực hành trực tiếp.

Vì ảnh hưởng và các diễn biến khó lường của dịch bệnh nên chúng tôi cũng đã phải chia ra các giai đoạn để có thể đảm bảo tiến độ học tập cho các em và chủ động trước các tình huống bất ngờ. Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, khi các em chưa thể đến trường học trực tiếp, chúng tôi cũng đưa ra lộ trình cho thầy cô khi dạy trực tuyến là tập trung vào dạy các phần lý thuyết của các môn học đó trước, khi các em quay trở lại trường thì chuyển sang học thực hành luôn.

Tuy nhiên, do dịch bệnh phức tạp, dai dẳng nên có một số môn các em dù học xong phần lý thuyết rồi nhưng vẫn chưa thể đến trường để chuyển sang thực hành nên kế hoạch trong giai đoạn đầu của chúng tôi bị chuyển hướng so với dự kiến.

Để đảm bảo thời gian học tập, nhiều trường cao đẳng nghề đã tăng thời lượng học khi sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp sau thời gian phải học trực tuyến. Ảnh: Trung Dũng

Để đảm bảo thời gian học tập, nhiều trường cao đẳng nghề đã tăng thời lượng học khi sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp sau thời gian phải học trực tuyến. Ảnh: Trung Dũng

Khi ấy, chúng tôi cũng lên phương án để chuyển sang giai đoạn 2 là cho các em học thực hành online thông qua hình ảnh. Với việc dạy thực hành nghề online thì không chỉ đơn thuần là giáo viên đứng yên một chỗ để giảng bài mà giáo viên đó cần ra trực tiếp mô hình đó để quay cận cảnh máy móc, thiết bị và hướng dẫn trực tiếp cho sinh viên.

Tất nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, dù hình ảnh có trực quan đến mấy nhưng các em không được chạm tay trực tiếp thì cũng rất khó để có thể truyền thụ được các kỹ năng như mong muốn. Trước thực trạng đó, chúng tôi cũng lên phương án là lựa chọn cho sinh viên thực hành trực tuyến trước với những mô đun đơn giản trước, để vừa đảm bảo việc tiếp thu kiến thức của sinh viên nhưng cũng đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn”.

Các trường nghề phải tăng thời gian học trong tuần

Chia sẻ về các phương án của nhà trường để có thể “đẩy nhanh tiến độ” khi sinh viên được quay trở lại trường học trực tiếp, thầy Vũ cho biết: “Việc này chúng tôi dựa trên tinh thần là tận dụng tối đa khoảng thời gian vàng các em quay trở lại trường để học tập. Vì thế, không còn cách nào khác là chúng tôi buộc phải tăng thời gian học tập của các em lên. Trước đây, thời gian học của các em sẽ là 5 buổi/ tuần, nhưng giờ đây chúng tôi đẩy lên là học tất cả các ngày trong tuần, kể cả Chủ nhật.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu vì khối lượng căng quá, nhiều sinh viên có ý kiến nên sau đó chúng tôi phải rút xuống và giờ chỉ cho các em học đến hết ngày thứ 7, nghỉ ngày Chủ nhật.

Việc tăng thời lượng học này nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến lịch giảng dạy của giáo viên trong trường, vì thế, chúng tôi cũng phải điều chỉnh lại thời gian của đội ngũ này nữa. Với cán bộ, giáo viên, nếu trong ngày thứ bảy ai có giờ thì đến trường, ai chưa có thì nghỉ, còn cán bộ các phòng ban phục vụ cho công tác giảng dạy sẽ thay nhau nghỉ bù các ngày trong tuần.

Với công tác đào tạo, khi các em đến trường học, 100% sẽ ưu tiên vào việc thực hành trước. Vì thế, hầu hết các mô đun, máy móc thiết bị và mô hình thực hành ở trường đều đưa vào hoạt động hết công suất. Đồng thời các nhóm học cũng được chúng tôi chia nhỏ ra. Chẳng hạn, có môn học trước đây có 10 em/ nhóm thì giờ đây chúng tôi bố trí là 5 em/nhóm.

Như vậy, tần suất các em được thực hành trên máy trực tiếp cũng dày hơn. Nếu 10 em/nhóm như trước đây chỉ có 1 em đứng máy, 9 em còn lại ngồi, nhưng khi chia thành 5 em/nhóm có thể bố trí được 2 em đứng máy, chỉ còn 3 em còn lại mới phải ngồi chờ.

Cùng với đó, để đạt hiệu quả cho việc tăng thời gian học của các sinh viên, chúng tôi cũng đã nâng cao và bổ sung nhiều mô đun, máy móc và phát huy tối đa hiệu suất làm việc của tất cả các thiết bị”.

Nêu lên một số phương án dự phòng, để có thể duy trì ổn định việc dạy học và chất lượng học tập của sinh viên trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thầy Vũ cho biết: “Đầu tiên, khi học trực tuyến thì đường truyền mạng có vai trò rất quan trọng. Vì đây là năm đầu tiên trường chúng tôi phải triển khai dạy học trực tuyến nên cũng phải đề nghị nhà mạng nâng cấp gấp 3 lần chất lượng đường truyền mạng của nhà trường so với trước đây.

Đồng thời, qua hội nghị bàn về đào tạo trực tuyến do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức mới đây, chúng tôi cũng đang xem xét để có thể đầu tư, trang bị các phần mềm ảo để sinh viên khi học thực hành trực tuyến hình ảnh cũng sẽ trực quan hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang giao cho các Khoa trong trường xây dựng các bài giảng điện tử. Bởi nhà trường luôn xác định, dịch bệnh còn phức tạp nên dù đang dạy trực tiếp trường cũng yêu cầu các Khoa triển khai song hành các bài giảng điện tử. Nếu có xảy ra các tình huống bất ngờ do dịch bệnh chúng tôi cũng hoàn toàn chủ động. Chúng tôi quán triệt tinh thần với các cán bộ, giáo viên rằng, cuộc chiến với dịch Covid - 19 sẽ còn căng thẳng và kéo dài”.

Thầy Phạm Ngọc Tuyền-Trưởng phòng Đào tạo và Công tác học sinh sinh viên, Trường cao đẳng Xây Dựng Nam Định. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Thầy Phạm Ngọc Tuyền-Trưởng phòng Đào tạo và Công tác học sinh sinh viên, Trường cao đẳng Xây Dựng Nam Định. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Cùng chung nhận định về khó khăn của các trường nghề khi dạy thực hành trực tuyến, Thạc sĩ Phạm Ngọc Tuyền – Trưởng phòng Đào tạo và Công tác học sinh sinh viên, Trường cao đẳng Xây Dựng Nam Định cho rằng: “Dù các trường có áp dụng giải pháp nào đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận một điều rằng, việc học trực tuyến không thể nào đem lại hiệu quả, chất lượng như khi học trực tiếp được. Vì thế, với các trường đào tạo nghề, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 với công tác đào nghề cho sinh viên càng rõ nét hơn.

Chính vì vậy, khi sinh viên được quay trở lại trường học trực tiếp, chúng tôi cũng đẩy mạnh, tăng cường thời lượng học tập trong tuần nhiều hơn so với trước đây. Bên cạnh đó là bố trí các giờ dạy thực hành một cách linh hoạt để các sinh viên có nhiều thời gian được thực hành trên máy móc, mô hình nhiều hơn. Bởi trên thực tế, với đặc thù của các trường đào tạo nghề, có những bộ môn sinh viên có thể miễn cưỡng để sinh viên thực hành trực tuyến, nhưng một số môn không thể nào hướng dẫn các em gián tiếp được”.

Thầy Tuyền thông tin thêm: “Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, khó có thể nói trước là việc duy trì học trực tuyến tại trường có thể diễn ra được bao nhiêu lâu. Bởi có thể hôm nay chúng ta đang học tập ở trường nhưng ngày mai có thể cả trường phải nghỉ ở nhà để chuyển sang trực tiếp là chuyện bình thường, các trường cũng dần phải thích ứng với cái đó. Vì thế, nhà trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo để có thể thích ứng linh hoạt với mọi tình huống có thể xảy ra.

Đồng thời, khuyến khích giáo viên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế, xây dựng bài giảng điện tử, xây dựng hệ thống liên lạc điện tử, trực tuyến với các nhóm học sinh, sinh viên theo các Khoa, khóa học trên website của trường hoặc các trang mạng xã hội. Đồng thời, thường xuyên giữ liên lạc với học sinh, sinh viên để cung cấp thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn học tập trong điều kiện bất khả kháng không thể học tập trung tại trường”.

Trung Dũng