Điểm học bạ cao nhưng điểm thi vào lớp 10 thấp, trách nhiệm thuộc về ai?

24/07/2022 06:32
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN - Tuyển sinh lớp 10 theo phương thức thi đánh giá năng lực sẽ xóa bỏ được tình trạng dạy thêm, học thêm, môn chính, môn phụ ở bậc tiểu học, trung học cơ sở.

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh công bố dữ liệu điểm thi vào lớp 10 năm học 2022-2023, tổng cộng có hơn 92.000 bài thi Toán, Văn, Tiếng Anh dưới điểm trung bình. Trong đó, môn Toán hơn 41.700 bài, chiếm 45% tổng thí sinh.[1]

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn công bố điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022-2023, có tới hơn 72% số bài thi đạt điểm dưới trung bình, trong đó có hơn 1.000 bài thi dưới 1,0 điểm [2].

Điểm học bạ cao, điểm thi thấp, không phải bây giờ mới có, mà hiện tượng “chỉ cần 1 điểm/môn là đỗ trung học phổ thông công lập” đã xảy ra nhiều năm qua.

Tại sao điểm tổng kết học bạ cao, điểm thi thấp?

Điểm tổng kết học bạ cao, điểm thi thấp, bất thường với người ngoài ngành giáo dục, còn với người trong nghề giáo dục, chuyện này chỉ là “thường ngày ở huyện”.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ở trung học cơ sở, khi chỉ tiêu học sinh được công nhận tốt nghiệp gần tuyệt đối, điểm học học bạ của học sinh lớp 9 phải có trung bình cả năm phải từ 5 trở lên, trong đó không có môn nào dưới 3.5, trong hai môn Toán, Văn, phải có ít nhất một môn từ 5 điểm trở lên.

Vì thế, học sinh có điểm cao hơn thực tế học lực của mình là chuyện bình thường.

Người viết lấy ví dụ cụ thể điểm thi tuyển sinh lớp 10 của 10 học sinh làm minh chứng. Trong số các học sinh trên, các môn thi (Toán, Văn, Anh) đều có tổng kết trên 5 điểm, có học sinh tổng kết trung bình môn trên 7 nhưng điểm thi chỉ đạt 3.25.

Kết quả thi tuyển sinh lớp 10 của một số học sinh. Ảnh: Mạnh Cường

Kết quả thi tuyển sinh lớp 10 của một số học sinh. Ảnh: Mạnh Cường

Trong số học sinh nói trên, có cả học sinh đạt danh hiệu "Học sinh tiên tiến", vì thế, học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, nhưng trượt lớp 10 không có gì lạ.

Để đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp cuối năm, ngay từ đầu năm lớp 9, đa số học sinh đã phải "tự nguyện" học thêm các môn Toán, Văn, Anh trong trường.

Giáo viên dạy thêm sẽ dạy đi, dạy lại các dạng bài trong đề kiểm tra định kì, học sinh sẽ đạt điểm cao, chỉ tiêu thi đua vượt mức, cả thầy, trò, nhà trường cùng vui.

Chỉ đến khi thi tuyển sinh lớp 10, kì thi được nhiều giáo viên đánh giá trung thực nhất từ lớp 1 đến lớp 9, đề ra chung của Sở, coi thi, chấm thi nghiêm túc, học sinh nào học lực kém chắc chắn phải "cắn bút" không làm được bài nên điểm thấp là chuyện bình thường.

Điểm học bạ cao, điểm thi thấp, trách nhiệm thuộc về ai?

Với Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, các địa phương khác nói chung, câu chuyện điểm thi vào 10 thấp có khá nhiều ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lý giải “Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đổi mới ra đề theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh.

Các câu hỏi trong đề thi tuyển sinh lớp 10 yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế trong cuộc sống chứ không chỉ học - ghi nhớ rồi tái hiện kiến thức.

Nguyên nhân chính là phương pháp giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh chưa đổi mới theo đúng với chỉ đạo của sở”.[1]

Nguyên nhân chính là phương pháp giảng dạy của giáo viên, theo người viết chưa hẳn hoàn toàn đúng.

Theo người viết, nguyên nhân điểm học bạ cao, điểm thi lớp 10 thấp, chính là “chỉ tiêu ngất ngưỡng” đầu năm trong kế hoạch năm học của trường, buộc giáo viên phải “nhón tay làm phúc” nâng điểm, để đảm bảo tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp đạt gần tuyệt đối.

Chỉ tiêu cao ngất ngưởng trong kế hoạch năm học đâu phải do giáo viên đặt ra?

Chỉ tiêu thi đua đầu năm là do lãnh đạo cơ sở giáo dục đề xuất, cấp trên duyệt, nếu chỉ tiêu thấp có thể sẽ bị trả về làm lại kế hoạch năm học.

Tổng kết đánh giá học sinh điểm cao hơn so với thực tế có phải vì thành tích, thi đua của giáo viên?

Nói không phải thì không thật, nói phải thì oan cho nhà giáo. Trong số những giáo viên dạy lớp 9 tôi biết có nâng điểm học sinh, phần lớn không đăng ký danh hiệu thi đua, nên nâng điểm vì thành tích của giáo viên không hoàn toàn đúng.

Thế nhưng, không nâng cũng không được, vì chỉ tiêu tốt nghiệp phải gần tuyệt đối, nếu không nâng điểm cho học sinh, giáo viên bộ môn chẳng khác nào chống đối nhà trường.

Lúc đó, bao điều hệ lụy sẽ đến với giáo viên, nhẹ thì không bao giờ được dạy lớp 9 nữa, nặng thì "nhắc lên, đặt xuống" để tìm nguyên nhân. Vì thế, nói giáo viên nâng điểm học sinh vì bản thân mình cũng không hoàn toàn sai.

Đôi điều kiến nghị

Để điểm thi lớp 10 tiệm cận với điểm học bạ, chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo viên được.

Trách nhiệm trước tiên thuộc về lãnh đạo của các cơ sở giáo dục, khi hàng năm đưa ra chỉ tiêu thi đua quá cao so với khả năng thực tế.

Vì thế, chỉ cần các cấp bỏ chỉ tiêu thi đua đăng ký đầu năm, hoặc tôn trọng tỷ lệ do giáo viên đề xuất, chắc chắn sẽ không có tình trạng gần 100% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, cũng đồng nghĩa với không xảy ra tình trạng điểm học bạ cao, điểm thi lớp 10 thấp.

Chương trình mới đang hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, nhưng hiện nay Bộ chưa có hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Với tuyển sinh lớp 10 chương trình mới, nên chăng thực hiện tuyển sinh bằng cách thi đánh giá năng lực như các trường đại học đã và đang làm.

Thi đánh giá năng lực khi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ giúp bậc tiểu học, trung học cơ sở đổi mới phương pháp dạy và học triệt để, hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Tuyển sinh lớp 10 theo phương thức thi đánh giá năng lực sẽ xóa bỏ được tình trạng dạy thêm, học thêm, môn chính, môn phụ ở bậc tiểu học, trung học cơ sở.

Như vậy cũng sẽ không còn chiêu trò ép học sinh học thêm, làm cho môi trường giáo dục thân thiện, trả lại hình ảnh người thầy trong mắt học sinh và xã hội.

Nếu hỏi: giáo viên có muốn nâng điểm, tổng kết điểm cao, đó không phải là điểm thật của học sinh không? Chắc chắn tất cả giáo viên sẽ trả lời không.

Vì thế, Bộ, Sở, Phòng, lãnh đạo cơ sở giáo dục hãy bỏ chỉ tiêu đầu năm, hãy bỏ điểm học bạ trong điểm cơ cấu điểm xét tốt nghiệp, tiến hành đổi mới phương thức tuyển sinh, thi tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực, có như thế mới có học thật, thi thật, nhân tài thật.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/diem-thi-lop-10-thap-khong-the-tin-noi-so-giao-duc-dao-tao-tp-hcm-noi-gi-20220702235133199.htm

[2] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/tren-72-bai-thi-vao-lop-10-tai-bac-kan-chi-dat-diem-duoi-trung-binh-post957113.vov

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường