Điểm mặt chỉ tên các loại "hoa hồng" trong trường học

25/10/2022 06:42
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một tổ chức, cá nhân nào muốn vào trường học bán, kinh doanh thì phải có một “cái gì đó” cho Ban giám hiệu nhà trường chứ đâu dễ dàng tự nhiên mà vào được.

Không thể phủ nhận một số loại “đồng phục” trong trường học đã tạo ra một màu sắc riêng cho mỗi đơn vị trường học nhưng chính vì có quá nhiều loại đồng phục đang là gánh nặng cho nhiều gia đình hiện nay.

Bây giờ, một số trường học “đồng phục” từ chiếc nhãn vở, bìa bao, giấy kiểm tra đến áo quần, thậm chí là cả những cái logo trên áo. Một số trường học đã vận động quá nhiều khoản thu vô lý, quá nhiều các dịch vụ khiến cho phụ huynh nghèo lo lắng.

Có trường học bán tất cả những gì có thể bán được cho học trò với những chiêu thức lập lờ, “tự nguyện”. Tất nhiên bán được nhiều cũng đồng nghĩa “hoa hồng” sẽ tăng lên và rồi hoa hồng đó đi đâu, về đâu chẳng ai hay biết. Hay, nói đúng hơn là chẳng ai dám truy các khoản hoa hồng đã sử dụng vào mục đích gì trong nhà trường.

Các loại "hoa hồng" trong trường học hiện nay khá nhiều (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Các loại "hoa hồng" trong trường học hiện nay khá nhiều (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Quá nhiều loại hoa hồng “tỏa hương” ở trường học

Hiện nay, các trường học, nhất là những trường khu vực đô thị có rất nhiều các dịch vụ khác nhau và những dịch vụ này thường được các nhà cung cấp dịch vụ chiết khấu % lại cho nhà trường vì đây là quy luật bất di bất dịch.

Biết nhu cầu học tiếng Anh của học sinh cao, nhiều trung tâm ngoại ngữ đã đến trường đặt vấn đề mở lớp ngoại ngữ do người nước ngoài dạy hoặc 50% người nước ngoài dạy cho học sinh trong trường. Tất nhiên, trường sẽ đồng ý vì nâng cao chất lượng học ngoại ngữ.

Một số tổ chức, doanh nghiệp đến liên hệ dạy kỹ năng sống vào trái buổi học hoặc ngày cuối tuần, một số cá nhân trên địa bàn thì đến liên hệ dạy võ cho học sinh trong trường vào buổi chiều tối - khi học sinh tan học. Tất nhiên, học sinh học kỹ năng sống, học võ đều tốt cho bản thân, tốt cho tương lai sau này nên các nhà trường sẽ nhanh chóng gật đầu.

Và, điều dĩ nhiên là mỗi khi một tổ chức, cá nhân nào muốn vào trường học bán, kinh doanh thì phải có một “cái gì đó” cho nhà trường chứ đâu dễ dàng tự nhiên mà vào được.

Hàng năm, không biết bao nhiêu công ty sách và thiết bị trường học gửi email chào mời các trường mua. Thiết bị dạy học thì thông thường phòng, sở mua và cấp về cho nhà trường, còn sách báo thư viện thì nhà trường mua mà mua chủ yếu là sách tham khảo.

Việc mua bán sách dĩ nhiên là kê giá và quyết toán theo giá bìa sách nhưng sách tham khảo thì chiết khấu thường rất lớn, nếu mua số lượng nhiều thường được chiết khấu dao động từ 35-50% mà việc bổ sung sách cho thư viện là việc làm ý nghĩa nhằm trang bị cho thư viện nhà trường để giáo viên, học sinh đọc, nghiên cứu.

Có điều, sách tham khảo mà nhà trường mua phần nhiều là sách đã xuất bản quá lâu, nhiều quyển không còn giá trị sử dụng vì ngành giáo dục liên tục đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra và hiện nay đang tiến hành thay đổi từ chương trình 2006 thành chương trình 2018.

Nhưng, có lẽ những người đứng ra mua cũng không quan tâm nhiều đến nội dung, chất lượng những cuốn sách mua về làm gì. Với các nhà cung cấp dịch vụ, việc họ bán và thanh lý được những cuốn sách tồn kho mới là điều họ quan tâm.

Bây giờ, địa bàn nào cũng có rất nhiều các chi nhánh ngân hàng của các ngân hàng khác nhau nên việc cạnh tranh cũng thường rất lớn. Biết được nhu cầu vay tiền ngân hàng của giáo viên cao và tất cả các trường học đều trả lương qua ngân hàng nên các chi nhánh ngân hàng cũng có những chính sách đặc biệt với các nhà trường.

Bởi lẽ, giáo viên muốn vay tiền ngân hàng phải thông qua công đoàn và hiệu trưởng và họ đồng ý thì các ngân hàng mới cho vay. Sự bắt tay chặt chẽ giữa ngân hàng khi cho vay, trả lương qua thẻ với các nhà trường đã tạo nên những mối quan hệ thân thuộc với nhau.

Nếu không có những khoản “hoa hồng” hấp dẫn, cạnh tranh giữa các chi nhánh ngân hàng, có lẽ giáo viên cũng sẽ quen thuộc với một ngân hàng khi nhận lương và cần thiết thì vay mượn nhưng “không rõ vì lý do gì” mà thỉnh thoảng nhà trường lại đổi ngân hàng vay và trả lương qua thẻ khiến cho giáo viên thường có đến mấy cái thẻ ngân hàng khác nhau.

Ngay đến cả phần mềm nhập điểm của giáo viên và tin nhắn điện tử của học sinh cũng thường xuyên thay đổi khiến cho nhiều thầy cô giáo gặp khó khăn vì khi làm quen với phần mềm này thì nhà trường lại đổi phần mềm của nhà mạng khác. Phía sau việc thay đổi như thế có phải là vì lợi ích của giáo viên và học sinh?

Những loại “hoa hồng” đến từ học sinh

Trong các loại “đồng phục” hiện nay, có lẽ chuyện đồng phục quần áo của học trò cũng đang là gánh nặng cho phụ huynh bởi nó có nhiều loại áo quần khác nhau - nhất là các trường học ở các đô thị và gần như các trường học ở phía Nam thì học sinh cả 3 cấp học đều quy định đồng phục khi đến trường.

Thông thường, khi học sinh vào đầu cấp học, ít nhất phải mua 2 bộ quần áo đồng phục để đi học chính khóa và 1 bộ quần áo thể dục với giá dao động từ 5-7 trăm ngàn đồng vì mỗi chiếc áo đồng phục còn phải gắn tên học sinh và logo của trường ở trên ngực và trên cánh tay.

Một số trường phổ thông hiện nay có những quy định rất oái oăm là học sinh mỗi khối sẽ mặc quần áo thể dục một màu khác nhau nên mỗi năm học sinh phải mua một bộ đồ thể dục. Một số trường phía Bắc vì có mùa Đông còn quy định thêm chuyện đồng phục áo khoác cho học trò trường mình nên còn phải tốn thêm một số tiền nữa.

Chuyện đồng phục không chỉ đến từ những bộ quần áo của học sinh mà khi bước vào đầu năm học, nhiều trường học còn yêu cầu mua vở viết tại trường vì trang bìa có in hình ảnh và logo của trường, mua nhãn vở tại trường để dán lên vở viết và sách giáo khoa, sách bài tập để có sự thống nhất với nhau…

Nếu các loại dịch vụ, các loại đồng phục mà không có “hoa đồng” thì một số hiệu trưởng, công đoàn nhà trường có “nặng tình” với đồng nghiệp và học trò của mình nhiều như hiện nay hay không?

Có lẽ, chỉ cần các nhà cung cấp dịch vụ chiết khấu lại cho trường khoảng 3 - 5% giá trị sản phẩm thì những trường lớn có tới một vài ngàn học sinh sẽ ra một khoản “hoa hồng” khá lớn và đương nhiên sẽ có một số cá nhân được hưởng lợi… chân chính.

Nhưng, quá nhiều dịch vụ, quá nhiều loại đồng phục cho giáo viên, học sinh thì gánh nặng tài chính của nhiều gia đình ngày càng lớn và niềm tin vào giáo dục ngày càng bị thách thức.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI