Điểm trường lẻ Kim Bon: 3 trong 1

13/03/2012 06:00
Thu Hòe
(GDVN) - Đến khi nào học sinh ở điểm trường lẻ xã Kim Bon, Phù Yên, Sơn La mới thoát cảnh phòng học tạm?
Trở về từ Kim Bon sau chuyến công tác, tôi không khỏi ám ảnh và tự hòi mình về điều đó. 10/11 điểm trường của xã đang thiếu thốn phòng học một cách trầm trọng. Học sinh phải ngồi học trong những phòng học tạm, học nhờ nhà văn hóa, nhà y tế bản... Phòng học tạm được dựng lên như một cách để “chữa cháy” cho thực trạng thiếu thốn trường lớp ở các điểm trường lẻ. Tuy nhiên, làm sao học sinh có thể qua được mùa đông khắc nghiệt ở chốn núi rừng, làm sao học sinh có thể học được chữ trong những gian phòng tuềnh toàng, chống hơ, chống hoác, tứ phía gió lùa này? Tận mắt chứng kiến cảnh học sinh Kim Bon mong manh trong những tấm áo không đủ ấm, chân trần lội bùn đất, băng rừng đến lớp. Cảnh các em co ro ngồi học trong những phòng học tạm. Những cơn gió lạnh buốt rít qua từng vách nứa khiến các em rét run bần bật, toàn thân tím tái lại vì rét mà xót xa và không sao cầm được lòng mình…. Những phòng học đang có ở các điểm trường lẻ đã được kiên cố nhưng không chịu được cái thời tiết khắc nghiệt nơi núi rừng đã dột nát, xuống cấp. Giáo viên không có nhà công vụ phải đi thuê nhà dân làm nơi hội họp, ăn ở… Hay như ở điểm trường lẻ Dằn B, nhà công vụ được xây lên nhưng giáo viên “không dám” ở vì sợ… tốc mái, nguy hiếm đến tính mạng. Bản giàu nhất xã, 4 giáo viên vẫn phải chen nhau trong gian phòng vỏn vọn hơn 10 mét vuông. Nhà văn hóa bản bị ngăn đôi, chia làm 2 lớp học cho học sinh. Điều kiện học tập, giảng dạy, ăn ở của giáo viên và học sinh vô cùng khó khăn, thiếu thốn… Đó là thực trang chung của giáo dục ở xã Kim Bon, Phù Yên, Sơn La hiện nay.Suối Lẹt học sinh lớp 1, lớp 2 chung nhau 1 phòng học
Điểm trường lẻ bản Suối Lẹt là một trong những điểm trường xa nhất của xã Kim Bon, cách điểm trường chính 18 km. Và đây cũng là 1 trong những bản nghèo nhất nhì của xã Kim Bon. Tỷ lệ dân số biết chữ trong bản không nhiều. Học sinh đi học thất thường và tỷ lệ học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng lớn.
Đây đã từng là lớp học của học sinh bản Suối Lẹt
Đây đã từng là lớp học của học sinh bản Suối Lẹt
Hiện tại, điểm trường lẻ bản Suối Lẹt đang tổ chức 4 khối học, từ khối 1 – khối 4. Những năm trước đó, học sinh lớp 3, 4 và 5 phải lên học ở điểm trường chính, cách bản 18 km. Tuy nhiên, do đường xá cách trở, đi lại xa xôi, số học sinh cứ “rơi rụng” dần. “Suối Lẹt là bản xa nhất của xã Kim Bon, không điện, nước khan hiếm, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào những ngày mưa, gần như cả bản bị cô lập. Các em học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 còn rất nhỏ. Khi lên học ở điểm trường chính, các em phải ở lại bán trú. Rất nhiều em không biết nấu ăn, không biết giặt quần áo… và quan trọng hơn là đoạn đường 18 km, nó quá sức với các em học sinh tiểu học. Trong khi đó, phụ huynh không quan tâm và có điều kiện đưa đón con em đi học. Do đó, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng diễn ra liên tục hằng năm. Để khắc phục tình trạng này, điểm trường lẻ bản Suối Lẹt đã tổ chức 4 khối học từ khối 1 – khối 4 ngay tại bản để thuận lợi cho quá trình học của các em học sinh. Học sinh khối 5 thì tạm thời vẫn phải lên học ở điểm trường chính…”, thầy giáo Đinh Văn Đắn cho biết. Giải thích về việc học sinh khối 5 vẫn phải lên học ở điểm trường chính cách bản 18 km, thầy Đắn nói: “Việc tổ chức 4 khối học ở bản đã là một cố gắng, nỗ lực rất lớn của chúng tôi. Hiện tại, điểm trường Suối lẹt có 4 khối học với 4 lớp nhưng thầy trò chúng tôi mới chỉ có 2 phòng học kiên cố. Học sinh lớp 1 và học sinh lớp 2 đang phải học chung 1 phòng. Học sinh lớp 3 học 1 phòng. Các em học sinh lớp 4 không có lớp đang phải ngồi học nhờ ở nhà văn hóa bản. Chúng tôi rất muốn tổ chức được cả 5 khối học ngay tại bản để các em học sinh đỡ vất vả. Tuy nhiên, lực bất tòng tâm. Điều kiện trường thiếu thốn quá! Hơn nữa số học sinh trong độ tuổi lớp 5 không đủ để thành lập lớp nên các em học sinh lớp 5 của bản vẫn phải lặn lội 18 km đường rừng núi đến điểm trường trung tâm học”.Dằn A, cả nhà văn hóa, nhà y tế bản phải làm lớp học Tương tự, điểm trường lẻ Dằn A của xã Kim Bon cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự. Thiếu lớp, học sinh phải học tạm, học nhờ ở nhà văn hóa, nhà y tế bản.
Nhà y tế bản Dằn A đang là lớp học tạm cho học sinh lớp 1
Nhà y tế bản Dằn A đang là lớp học tạm cho học sinh lớp 1
Tính đến thời điểm hiện tại của năm học 2011 – 2012, điểm trường lẻ Dằn A có 69 học sinh với 4 lớp: lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 4. Năm học 2010 – 2011, điểm trường Dằn A được kiên cố hóa 2 phòng học theo dự án 135 của Chính Phủ. Hiện tại, các em học sinh lớp 3 và lớp 4 đang học trong 2 phòng học kiên cố. Học sinh lớp 1 và lớp 2 do không có lớp đang phải học nhờ ở nhà văn hóa và nhà y tế bản. Cô giáo Đinh Thị Liên cho biết: “Học sinh khổ, giáo viên cũng không sung sướng gì. Cô trò chúng tôi phải dạy và học trong điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn. Học sinh đến lớp học chay là chính. Đồ dùng học tập trực quan hay những môn học thực hành, phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh… ở Kim Bon không có điều kiện để giảng dạy. Học sinh đến lớp chủ yếu là học chay, học để xóa mù chữ là chính...”
Nhà văn hóa bản là lớp học cho học sinh lớp 2
Nhà văn hóa bản là lớp học cho học sinh lớp 2
“Hiện tại, số phòng học của điểm trường lẻ Dằn A chỉ đáp ứng đủ cho ½ số học sinh trong bản, Học sinh lớp 1, lớp 2 không có lớp đang phải ngồi học nhờ ở nhà văn hóa và nhà y tế bản. Nhà văn hóa và nhà y tế bản cũng đang xuống cấp trầm trọng lắm rồi. Mái bị gió, lốc tốc không biết bao nhiêu lần. Mỗi lẫn như vậy, giáo viên và dân bản lại phải góp tiền, góp công sức sửa chữa lại. Những thanh gỗ ghép tường đang bị mục… Học sinh miền núi vốn thiệt thòi và khổ vì không có tuổi thơ, đói khát nhếch nhác vì cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Đến tuổi đi học lại phải ngồi học trong những phòng học không ra phòng. Có lên đến đây, nhìn thấy cảnh học sinh khốn khổ thế nào mới thấu được cái khó trong việc “gieo chữ” nơi vùng cao. Không biết đến bao giờ, học sinh bản Dằn A mới thoát cảnh học nhờ, học tạm như thế này?”, cô Liên tâm sự.Dằn B, giáo viên sợ… ở nhà công vụ
Điểm trường lẻ Dằn B của xã Kim Bon là một trong những điểm trường lẻ hiếm hoi của xã có được nhà công vụ cho giáo viên. Tuy nhiên, dãy nhà công vụ hiếm hoi đó lại đang bị bỏ không. Giáo viên thà đi thuê nhà ở chứ nhất định không chịu ở nhà công vụ.
Điểm trường lẻ Dằn B thường xuyên phải hứng chịu sự khắc nghiệt của thiên tai đã xuống cấp nhanh chóng sau 5 tháng sử dụng. Giáo viên không dám ở nhà công vụ vì sợ mưa, gió tốc mái nguy hiển đến tính mạng
Điểm trường lẻ Dằn B thường xuyên phải hứng chịu sự khắc nghiệt của thiên tai đã xuống cấp nhanh chóng sau 5 tháng sử dụng. Giáo viên không dám ở nhà công vụ vì sợ mưa, gió tốc mái nguy hiển đến tính mạng
Trong khi các giáo viên ở các điểm trường Kim Bon “khát khao” có được dãy nhà công vụ làm nơi hội họp, ăn, ở thì giáo viên ở điểm trường lẻ Dằn B lại sợ, không dám sử dụng nhà công vụ mới. “Tháng 11/2011, điểm trường lẻ Dằn B được kiên cố 3 phòng học và 1 dãy nhà công vụ cho giáo viên. Giáo viên và học sinh vui mừng khôn tả khi có trường lớp mới để học. Tuy nhiên, sử dụng lớp học mới, nhà công vụ mới được thời gian ngắn thì cả cô và trò đều sợ. Lớp học mới được nghiệm thu chưa đầy 5 tháng đã hỏng hóc, xuống cấp trầm trọng. Đến thời điểm hiện tại, hầu như không phòng học nào còn cánh của xổ. Mái thường xuyên bị gió tốc vì không chịu được gió, bão nơi đây. Chúng tôi không dám ở nhà công vụ vì sợ tốc mái bất ngờ nguy hiểm đến tính mạng…”, một giáo viên điểm trường lẻ Dằn B cho hay. Giải thích về việc lớp học, nhà công vụ mới được sử dụng chưa lâu đã xuống cấp, cô giáo này cho biết: “Địa điểm chọn để xây dựng trường chưa hợp lý. Trường được xây dựng ở địa điểm cao nhất, đón gió mạnh nhất. Do đó, thường xuyên phải hứng chịu sự khác nghiệt của thiên tai nơi đây. Đây cũng là lý do vì sao, giáo viên không dám sử dụng nhà công vụ”.
Bên này là lớp học của học sinh lớp 3
Bên này là lớp học của học sinh lớp 3
Và đây là của cô trò mẫu giáo bản Dằn B
Và đây là của cô trò mẫu giáo bản Dằn B
Ở điểm trường lẻ Dằn B, học sinh lớp 3 và mẫu giáo cũng đang phải “chia sẻ” diện tích chật hẹp của nhà văn hóa bản. Nhà văn hóa bản được ngăn làm 2 lớp học. Tấm bạt được căng lên làm “tường” ngăn cách. 1 bên cho học sinh cô trò mẫu giáo, 1 bên cho học sinh lớp 3.

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Thu Hòe