Điện Biên: Hơn 100 giáo viên xin nghỉ việc trong 2 năm học vừa qua

24/08/2022 06:46
TRẦN PHƯƠNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, năm học 2020-2021 có 45 giáo viên xin việc, năm học 2021-2022 có 64 giáo viên xin nghỉ việc.

Năm học 2022 - 2023 cận kề, cùng với nhiều địa phương khác, Điện Biên đang tích cực chuẩn bị chu đáo cho năm học mới. Tuy nhiên, bài toán giáo viên nghỉ việc, yêu cầu nhân sự cho chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã đặt ra cho địa phương còn nhiều khó khăn như Điện Biên nhiều thách thức.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên về câu chuyện giáo viên nghỉ việc trên địa bàn tỉnh.

Thưa Giám đốc, chuẩn bị bước vào năm học mới nhưng hiện nay nhiều địa phương vẫn đang loay hoay với bài toán thiếu giáo viên. Tại một số địa phương còn gặp tình trạng giáo viên bỏ việc. Vậy, ở Điện Biên, có tình trạng này không? Nếu có thì số lượng cụ thể qua từng năm học là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Văn Đoạt: Do đặc thù là tỉnh miền núi, giao thông đi lại phức tạp, điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chế độ chính sách đãi ngộ riêng của tỉnh còn eo hẹp nên tình trạng giáo viên bỏ việc vì lương thấp chắc chắn không thể tránh khỏi nhất là với tỉnh miền núi như Điện Biên.

Năm học 2020-2021 có 45 giáo viên xin nghỉ thôi việc, năm học 2021-2022 có 64 giáo viên xin nghỉ thôi việc.

Tuy nhiên, để chuẩn bị điều kiện tốt nhất về đội ngũ cho năm học 2022 - 2023, ngay khi kết thúc năm học 2021-2022 Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực, chủ động chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở tiến hành tiến hành rà soát quy mô trường, lớp, học sinh, tích cực thực hiện các giải pháp tinh giản biên chế theo Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công văn số 550/UBND-VXGD ngày 09/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh để chủ động phương án đội ngũ cho năm học mới.

Chủ động các phương án khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay như: Kịp thời tuyển dụng bổ sung giáo viên cho năm học trong chỉ tiêu biên chế sự nghiệp được giao, tăng cường công tác rà soát, sắp xếp lại trường lớp nhằm sử dụng tiết kiệm biên chế, bố trí, sử dụng khoa học đội ngũ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có …

Nguyên nhân nghỉ việc được các giáo viên chia sẻ là gì? Ông nhận định như thế nào về mức lương của giáo viên hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Đoạt: Số giáo viên xin nghỉ việc hầu hết là giáo viên miền xuôi lên nhận công tác, vì lý do xa gia đình, điều kiện đi lại khó khăn, nhu cầu việc làm tại các tỉnh miền xuôi giai đoạn hiện nay lại đang tốt, nên giáo viên xin nghỉ việc chủ yếu vì muốn lựa chọn công việc mới gần nhà hơn để tiện chăm sóc gia đình.

Theo tôi, với các chế độ chính sách đãi ngộ của nhà nước hiện nay thì mức lương và chế độ đãi ngộ cho giáo viên các đơn vị sự nghiệp công lập cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu của đời sống, đặc biệt là giáo viên có gia đình đang sinh sống và ổn định lâu dài tại tỉnh Điện Biên.

Ở một số huyện như Nậm Pồ, Mường Nhé… việc tuyển giáo viên tiếng Anh, Tin học cho năm học 2022- 2023 có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đoạt: Hiện nay việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học không chỉ riêng huyện vùng cao như Nậm Pồ, Mường Nhé… gặp nhiều khó khăn mà tình trạng thiếu nguồn tuyển còn diễn ra trên toàn tỉnh.

Nguyên nhân chủ yếu do theo yêu cầu của Luật giáo dục năm 2019, trình độ chuẩn giáo viên tiểu học, trung học cơ sở được nâng lên trình độ đại học, do vậy các tỉnh miền núi khó lòng cạnh tranh với các tỉnh miền xuôi về nguồn tuyển dụng giáo viên.

Bên cạnh đó, do năm học 2022-2023 sẽ đồng loạt triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, việc triển khai dạy môn Tin học, tiếng Anh theo Chương trình phổ thông mới sẽ tạo thêm áp lực thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học chung trên toàn quốc.

Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương và các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ khối trực thuộc trung ương giai đoạn 2022-2026, theo đó năm học 2022-2023 tỉnh Điện Biên được bổ sung 459 biên chế giáo viên.

Ngay sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh giao bổ sung số lượng người làm việc, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đôn đốc các phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tiếp tục tham mưu tuyển dụng bổ sung giáo viên cho năm học 2022-2023 trong đó có giáo viên tiếng Anh, Tin học.

Vất vả khó khăn, đi lại, cơ hội xin việc ở miền xuôi nhiều hơn, ngành giáo dục Điện Biên gặp nhiều vất vả trong nguồn tuyển giáo viên. Ảnh minh họa: Lại Cường

Vất vả khó khăn, đi lại, cơ hội xin việc ở miền xuôi nhiều hơn, ngành giáo dục Điện Biên gặp nhiều vất vả trong nguồn tuyển giáo viên. Ảnh minh họa: Lại Cường

Là địa phương còn khó khăn, Điện Biên có chính sách cụ thể gì để thu hút giáo viên, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đoạt: Là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên xác định để làm tốt công tác thu hút giáo viên, đặc biệt giáo viên cho các trường vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, thì phải thực hiện triệt để các quy định hiện hành của nhà nước, chi trả kịp thời chế độ chính sách tiền lương và phụ cấp theo lương, đồng thời thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách đối với giáo viên công tác tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như:

Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 06/10/2019 của Chính phủ quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn....

Ngoài việc thực hiện tốt chế độ chính sách của nhà nước, ngành giáo dục và đào tạo còn thực hiện các chế độ chính sách đãi ngộ của tỉnh như: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng theo định mức chi tại Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND ngày 03/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Điện Biên; chính sách thu hút người có trình độ cao theo Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND, ngày 26/12/ 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên:

Mức thu hút bằng 40 lần mức lương tối thiểu/người đối với những người có trình độ thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp I, Dược sĩ chuyên khoa cấp I và tương đương; mức thu hút bằng 50 lần mức lương tối thiểu/người đối với những người có trình độ Bác sĩ chuyên khoa cấp II, Dược sĩ chuyên khoa cấp II và tương đương;

Mức thu hút bằng 60 lần mức lương tối thiểu/người đối với những người có trình độ Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nội trú trở lên là chính sách đãi ngộ khá phù hợp với điều kiện của thực tế của địa phương, phần nào đã thu hút được người có trình độ cao về công tác tại tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông.

TRẦN PHƯƠNG