Doanh nghiệp tùy tiện lấy đất ven biển làm thương mại

05/06/2018 06:12
Vũ Phương
(GDVN) - Đại biểu Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi, giao quá nhiều đất cho nhà đầu tư ven biển khiến dân mất sinh kế sinh nhai.

Chiều 4/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – ông Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn.

Là tư lệnh ngành thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận được câu hỏi chất vấn của nhiều đại biểu đặc biệt là các vấn đề nóng về Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; xử lý rác thải sinh hoạt. Việc sốt đất tại 3 địa phương là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu chất vấn về hiện tượng đầu cơ đất đai tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang), 3 địa phương được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, ở đây có vấn đề tầm nhìn. Thông thường khi có kỳ vọng về tương lai phát triển hạ tầng tại khu vực nào thì quy luật thường thị trường đất đai tại đây sẽ thay đổi, sốt nóng.

Quy luật này nhưng chưa có giải pháp căn cơ ngăn ngừa, ngoài việc ban hành biện pháp hành chính để ngăn chặn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay, sốt đất chủ yếu nghiêm trọng ở việc chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp... trái phép. Những giao dịch này được tiến hành ngầm, trái pháp luật, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp thời.

Trước thông tin Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế, giá đất tại 3 nơi này tăng 2-3 lần, cá biệt có nơi tăng 5-6 lần so với trước. Trong động thái gần đây chính quyền 3 địa phương trên đã có quyết định tạm dừng chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm kiểm soát cơn sốt đất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói thêm với các đại biểu Quốc hội, việc Ủy ban nhân dân các tỉnh dừng chuyển nhượng đất đai tại 3 địa phương trên là đúng, song nội dung chỉ thị lại không phù hợp pháp luật.

Thay vào đó, ông Hà đề nghị, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết có quy định mang tính đặc thù về quản lý đất đai để giải quyết vấn đề này, lâu dài hơn phải có quy định trong Luật Đất đai.

Một trong những vấn đề nóng được dư luận quan tâm được đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về tình trạng tố cáo về đất đai chiếm tới 70%, gây ảnh hưởng lớn tới xã hội.

Bên cạnh đó, là hiện các doanh nghiệp đang được giao đất ven biển làm mất sinh kế, đất đai của dân.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) phát biểu tại nghị trường Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) phát biểu tại nghị trường Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu), Bộ trưởng Trần Hồng Hà thẳng thắn cho biết: “Câu chuyện khiếu nại đất đai không phải bây giờ mới bức xúc, có những khiếu nại đã kéo dài 30 đến 40 năm đến giờ vẫn nhức nhối.

Doanh nghiệp tùy tiện lấy đất ven biển làm thương mại ảnh 2

FLC xin hàng nghìn héc-ta ở Quảng Ngãi để làm dự án thật hay giữ đất?

Về câu hỏi giao quá nhiều đất cho nhà đầu tư ven biển khiến dân mất sinh kế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Đà Nẵng là địa phương nóng bỏng nhất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc giao đất ven biển cho các doanh nghiệp làm ảnh hưởng quyền lợi người dân mà theo luật tài nguyên môi trường biển, bảo vệ hành lang biển, ranh giới biển thì không cho phép đầu tư các công trình thương mại, kinh tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, do địa phương thu hút đầu tư, ưu tiên nhà đầu tư nên doanh nghiệp đã tùy tiện đã lợi dụng lấy đất ven biển.

"Hiện nay việc xử lý, siết lại kỷ cương là cần thiết. Bờ biển là của chung, không phải sở hữu của tổ chức nào. Quan điểm của bộ là cần chấn chỉnh và lập lại quy hoạch", Bộ trưởng Hà nói.

Gành Yến (Quảng Ngãi) nằm trong ảnh hưởng dự án “Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn” do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Dự án này gần như ôm trọn đất ven biển ảnh hưởng đến hàng ngàn ngư dân bám biển. Ảnh: T.T
Gành Yến (Quảng Ngãi) nằm trong ảnh hưởng dự án “Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn” do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Dự án này gần như ôm trọn đất ven biển ảnh hưởng đến hàng ngàn ngư dân bám biển. Ảnh: T.T

Trong khi đó, đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) đặt câu hỏi chất vấn: "Cử tri bức xúc về tình trạng vi phạm về môi trường của các doanh nghiệp, đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp.

Doanh nghiệp tùy tiện lấy đất ven biển làm thương mại ảnh 4

Giàu lên nhờ chui cửa trước, luồn cửa sau là thảm họa của dân tộc

Hiện nay vi phạm quản lý đất đai như chậm đưa đất vào sản xuất, để đất bị lấn chiếm... Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường như thế nào trong vấn đề này?".

Người đứng đầu ngành tài nguyên thừa nhận công tác quản lý đất đai đang là một vấn đề bộc lộ nhiều yếu kém.

Quá trình quản lý chưa quyết liệt, việc sử dụng không đúng mục đích, đất đai bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích... vẫn xảy ra nhiều.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đồng tình và đưa ra các giải pháp cần sớm rà soát quỹ đất, đối chiếu các quy định hiện hành để xử lý rốt ráo các dự án có sai phạm, sau khi thu hồi thì tổ chức đấu giá cho các nhà đầu tư có năng lực.

Mặt khác thời gian tới cũng sẽ xem xét đánh giá thật thận trọng các nhà đầu tư trước khi giao đất.

Vũ Phương