Doanh nghiệp vận tải muốn tăng giá cước theo xăng: Không dễ!

21/12/2013 08:20
Hoàng Lực - Đoàn Lan
(GDVN) - Thực tế, các doanh nghiệp vận tải muốn tăng giá cước không đơn giản vì trình tự, thủ tục phức tạp... Mỗi lần muốn điều chỉnh giá cước phải có đơn gửi các ngành giao thông, tài chính, thuế và phải chờ 7 ngày theo quy định.

Có thể nói giá xăng dầu tăng gần 600 đồng/lít vào chiều ngày 18/12 khiến không ít doanh nghiệp vận tải bất ngờ bởi giá xăng dầu chưa từng có tiền lệ tăng trước tết khi nhu cầu vận tải lên cao. Giá xăng lúc này đang buộc doanh nghiệp vận tải đứng giữa hai sự lựa chọn: Tăng giá cước để không bị lỗ hoặc chịu thiệt.

Chưa bao giờ doanh nghiệp vận tải, nhất là vận tải hàng hóa lại chịu nhiều sức ép như hiện nay, ngoài các loại phí ngày càng nhiều, chỉ cần giá xăng điều chỉnh vài trăm đồng cũng khiến doanh nghiệp vận tải phải chịu lỗ vài trăm triệu.

Giá xăng tuy tăng nhẹ nhưng ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp vận tải
Giá xăng tuy tăng nhẹ nhưng ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp vận tải

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá xăng thời điểm này không hợp lý, giá xăng tăng sẽ khiến giá cước vận tải, dịch vụ tăng kèm theo đó là mặt hàng sẽ tăng cuối cùng tất cả trút lên vai người dân.

“Trong lúc doanh nghiệp vận tải cũng như doanh nghiệp kinh doanh và nền kinh tế đang gặp khó khăn thì việc tăng giá xăng sẽ lúc này sẽ tác động ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp vận tải nhất là dịp tết đã cận kề”, ông Liên cho biết.

Với riêng ngành vận tải, hai năm qua có thể nói phải oằn lưng chịu đựng các chi phí đầu vào và sắp tới là việc thu phí đường bộ của Bộ Tài chính. Tuy nhiên tác động giá xăng để doanh nghiệp vận tải phải điều chỉnh giá cước không nhiều nếu so với hàng loạt loại phí hiện nay mà doanh nghiệp vận tải phải gánh.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội: "Xăng tăng giá khiến doanh nghiệp vận tải phải oằn lưng gánh thêm khó khăn"
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội: "Xăng tăng giá khiến doanh nghiệp vận tải phải oằn lưng gánh thêm khó khăn"

 “Việc xăng dầu chỉ là một trong số những tác động khiến đầu vào ngành vận tải tăng lên, xăng dầu tuy tăng nhưng có lúc sẽ giảm, hơn nữa việc xăng dầu tăng không phải do nhà nước đặt ra mà là do thị trường quyết định, do sự hòa nhập của kinh tế thị trường, do quy luật thị trường”, ông Liên đưa ra quan điểm.

Theo ông Liên tác động trực tiếp của việc tăng giá xăng sẽ tùy theo loại hình vận tải. Ví dụ với loại hình vận tải dịch vụ như taxi, nếu giá xăng tăng taxi có thể tăng giá ngay được vì taxi không phát hành hóa đơn do vậy việc tăng giá cước chỉ điều chỉnh lại đồng việc điều chỉnh đồng hồ với giá cước mới doanh nghiệp vận tải sẽ mất chi phí nhưng do đặc điểm taxi nằm trong nội bộ nên việc thực hiện điều chỉnh này không gặp nhiều khó khăn.

Nhưng riêng tuyến xe khách cố định thì dù giá xăng tăng nhưng việc điều chỉnh giá cước phức tạp hơn nhiều. “Do việc chạy cố định trên đường dài phải phát hành vé vì thế nếu muốn điều chỉnh giá vé phải mất nhiều thời gian và chi phí. Doanh nghiệp phải trình thủ tục pháp lý về đăng ký giá cước và in lại toàn bộ giá vé mới, thậm chí phải thu hồi vé cũ bán tại các điểm về… Nói chung việc điều chính giá cước với tuyến vận tải cố định đường dài rất khó khăn và mất nhiều chi phí”, ông Liên nêu khó khăn.

Thực tế, các doanh nghiệp vận tải muốn tăng giá cước không đơn giản vì trình tự, thủ tục phức tạp, phải đăng ký giá vé mới, thu hồi vé cũ, rồi phát hành vé mới, niêm yết bảng tính cước mới... mỗi lần muốn điều chỉnh giá cước phải có đơn gửi các ngành giao thông, tài chính, thuế và phải chờ 7 ngày theo quy định. Bên cạnh đó doanh nghiệp còn phải bỏ toàn bộ chi phí kiểm định đồng hồ tính cước, chí phí dán thông báo niêm yết bảng giá mới...

“Giá xăng có lên nhưng với tuyến vận tải cố định phát hành vé không thể trong vòng 15 ngày có thể điều chỉnh được giá cước mới. Nếu doanh nghiệp nào tăng ngay là làm bậy, tức là không xin phép”, ông Liên cho biết thêm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ không dễ để điều chỉnh được giá cước tăng theo giá xăng, đặc biệt với doanh nghiệp liên doanh, ký hợp đồng với nước ngoài thủ tục sẽ phức tạp và cần thời gian.  Còn với doanh nghiệp hàng hóa tư nhân có thể thỏa thuận tuy nhiên trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay cũng không dễ cho doanh nghiệp

“Thông thường không phải cứ tăng giá xăng là doanh nghiệp vận tải lại tiến hành tăng giá cước mà doanh nghiệp nào đã tăng giá cước theo lần tăng giá xăng trước đây thì lần tăng mới đây sẽ không điều chỉnh giá cước. Ngược lại, nếu doanh nghiệp 1 hoặc 2 lần tăng giá xăng trước đây chưa điều chỉnh giá cước thì lần này họ sẽ điều chỉnh lại giá cước. Việc tăng giá cước phụ thuộc vào biên độ tăng của giá xăng nhiều hay ít, giá cước vận tải rất khó điều chỉnh khi dịp tết cận kề”, ông Liên cho biết thêm.

Ở vế ngược lại, vấn đề hầu hết giá vé xe tuyến đường dài thường tăng theo giá xăng nhưng lại không giảm khi giá xăng giảm. Lý giải điều này, ông Bùi Danh Liên cho biết do thường việc tăng giảm giá xăng diễn biến thường xuyên trên thị trường có khi giá xăng tăng, cước vận tải không tăng do vậy khi giá xăng giảm cước vận tải tuyến cố định không giảm. Việc tăng cước vận tải cố định thường tăng theo định kỳ một năm tăng 1 đến 2 lần.

Việc tăng giá xăng dầu lúc này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp vận tải đường bộ mà còn đang khiến doanh nghiệp vận tải đường thủy và đặc biệt là ngư dân hết sức khó khăn. Trả lời trên VOV, ngư dân Ngô Tấn Hùng (ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) than phiền 3 tháng qua liên tục tránh bão đến khi bão tan muốn đưa thuyền ra khơi thì mọi chi phí từ nhân công, chi phí vật tư và mới nhất là giá xăng tăng khiến anh Hùng không dám ra biển sợ không đủ bù chi phí.

Hoàng Lực - Đoàn Lan